SỰ PHỐI HỢP GIỮA QUỐC HỘI VÀ CHÍNH PHỦ TRONG XÂY DỰNG VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC NGÀY CÀNG CHẶT CHẼ

27/09/2023

Đề cập đến chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) ở nước ta, đại diện Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc cho biết, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp hỗ trợ, đầu tư phát triển cho vùng đồng bào DTTS&MN. Đặc biệt, sự phối hợp giữa Quốc hội với Chính phủ, giữa các bộ, ngành và địa phương trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc ngày càng chặt chẽ.

TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM GIỮA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM VÀ ỦY BAN DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI LÀO: NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN LẬP PHÁP TRONG LĨNH VỰC DÂN TỘC

Nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp hỗ trợ, đầu tư phát triển cho vùng đồng bào DTTS&MN

Đề cập đến chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) ở nước ta, ông Phạm Chí Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc cho biết, những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp hỗ trợ, đầu tư phát triển cho vùng đồng bào DTTS&MN. Hiện có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với 14,123  triệu người, chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước, phần lớn các DTTS sinh sống ở miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Đây là vùng giàu tiềm năng, lợi thế về kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, khoáng sản, thủy điện, du lịch, kinh tế biên mậu...; có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái.

Ông Phạm Chí Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ

Tuy nhiên, vùng đồng bào DTTS&MN có địa hình phức tạp, hiểm trở, chia cắt, cơ sở hạ tầng yếu kém, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn; chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung cả nước. Do xuất phát điểm thấp nên kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, là “lõi nghèo”, vùng 05 “nhất” của cả nước: (1) Cơ sở hạ tầng, địa bàn khó khăn nhất, (2) tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất, (3) khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, (4) chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, (5) quốc phòng, an ninh tiềm ẩn nguy cơ nhiều nhất. Khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các dân tộc, vùng miền có xu hướng tăng lên.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”. Bộ Chính trị ban hành Kết luận 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới và các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh 06 vùng kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có 05 vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống. Cùng với Hiến pháp năm 2013, đến nay qua thống kê sơ bộ: có gần 100 Luật, Bộ Luật với gần 300 Điều liên quan đến công tác dân tộc.

Đặc biệt, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt đề án tổng thể, Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025 với 10 dự án (trong đó có 14 tiểu dự án) thành phần; với dự kiến tổng mức vốn để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là 137.665 tỷ đồng. Chương trình được xây dựng trên cơ sở rà soát, tích hợp nhiều chính sách nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, tản mạn chính sách.

Sự phối hợp giữa Quốc hội với Chính phủ trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc ngày càng chặt chẽ

Qua thống kê sơ bộ của Uỷ ban Dân tộc, đến hết năm 2022 có 188 chính sách thực hiện tại vùng DTTS&MN do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đang còn hiệu lực, trong đó có 136 chính sách dân tộc. Có thể tổng hợp số lượng và phân loại chính sách dân tộc theo các tiêu chí như sau:

(1) Theo lĩnh vực kinh tế - xã hội: có 52 chính sách thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế bền vững (trong đó có 08 chính sách dành riêng cho đồng bào vùng DTTS&MN); 25 chính sách thuộc lĩnh vực  giáo dục, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm (trong đó có 13 chính sách dành riêng cho đồng bào vùng DTTS&MN); 09 chính sách thuộc lĩnh vực y tế, dân số, chăm sóc sức khoẻ nhân dân (trong đó có 01 chính sách dành riêng cho đồng bào vùng DTTS&MN); 09 chính sách thuộc lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch (trong đó có 01 chính sách dành riêng cho đồng bào vùng DTTS&MN); 03 chính sách thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh (trong đó không có chính sách dành riêng cho đồng bào vùng DTTS&MN)...

(2) Theo cơ quan chủ trì quản lý, chỉ đạo chính sách: Uỷ ban Dân tộc chủ trì quản lý, chỉ đạo 25 chính sách; các bộ, ngành khác: 111 chính sách.

(3) Theo phạm vi đối tượng chính sách: có 38 chính sách dành riêng cho đồng bào vùng DTTS&MN; 98 chính sách có nội dung ưu tiên đầu tư, hỗ trợ vùng DTTS&MN.

Bên cạnh các chính sách của Trung ương, các tỉnh vùng DTTS&MN sử dụng ngân sách địa phương ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào DTTS&MN, phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu của địa phương.

Ông Phạm Chí Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc nêu rõ, hệ thống chính sách dân tộc hiện hành đã cụ thể hoá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam liên quan đến công tác dân tộc; cơ bản đã bao phủ toàn diện các lĩnh vực đời sống, kinh tế, giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội và quốc phòng, an ninh tại vùng DTTS&MN. Nhiều chính sách có mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh 02 CTMTQG Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững, lần đầu tiên ở Việt Nam có CTMTQG dành riêng cho đồng bào vùng DTTS&MN, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước Việt Nam, coi đây là quyết sách lớn nhằm ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho vùng này.

Ảnh minh họa

Cơ chế chính sách có nhiều đổi mới theo hướng đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên tập trung đầu tư, hỗ trợ các địa bàn khó khăn nhất, giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp thiết nhất, chú trọng phát triển các DTTS còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù. Thực hiện một số cơ chế chính sách đặc thù phù hợp với đặc điểm của vùng DTTS&MN; cơ chế kiểm tra, giám sát có sự tham gia của người dân. Hệ thống cơ chế chính sách bước đầu phát huy nội lực, tiềm năng, thế mạnh của vùng, ý chí tự lực, tự cường của các cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả, bền vững.

Nhà nước ưu tiên nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc, trong đó nguồn ngân sách nhà nước giữ vai trò quyết định, được bố trí trung hạn và hằng năm, cơ bản đáp ứng nhu cầu của chính sách, nhất là các CTMTQG. Việc bố trí cơ cấu vốn đầu tư và sự nghiệp hợp lý hơn, đảm bảo công khai, minh bạch; từng bước khắc phục tình trạng bố trí vốn không đầy đủ, thiếu kịp thời, đặc biệt là tình trạng không bố trí được vốn thực hiện các chương trình, chính sách đã ban hành.

Ông Phạm Chí Trung nhấn mạnh, sự phối hợp giữa Quốc hội với Chính phủ, giữa các bộ, ngành và địa phương trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc ngày càng chặt chẽ. Quốc hội, Chính phủ đã giao Ủy ban Dân tộc là cơ quan đầu mối thống nhất theo dõi, tổng hợp các chính sách dân tộc; rà soát, đôn đốc việc thực hiện chính sách dân tộc của các bộ, ngành, địa phương; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách dân tộc cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu, nhiệm vụ công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước.

Hiện chưa có Luật Dân tộc điều tiết các quan hệ dân tộc, vùng DTTS&MN

Tuy nhiên, đại diện Vụ Chính sách Dân tộc chỉ rõ, hệ thống chính sách đối với vùng đồng bào DTTS&MN ở Việt Nam hiện nay cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Theo đó, Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ vẫn là văn bản pháp lý cao nhất về công tác dân tộc, hiện chưa có Luật Dân tộc điều tiết các quan hệ dân tộc, vùng DTTS&MN. Hệ thống lý luận, một số khái niệm cơ bản liên quan đến công tác dân tộc như khái niệm chính sách dân tộc, vùng DTTS&MN, dân tộc còn gặp nhiều khó khăn... vẫn còn chung chung, thiếu cụ thể, chưa chính xác, ảnh hưởng đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu và các báo cáo cung cấp thông tin, số liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp liên quan đến công tác dân tộc.

Hệ thống chính sách bước đầu đã được tích hợp, nhưng số lượng chính sách thực hiện tại vùng DTTS&MN vẫn còn nhiều; còn hiện tượng tản mạn chính sách thuộc một số lĩnh vực; chưa khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo, trùng lắp nội dung, đối tượng của một số chính sách.

Cơ chế chính sách, một số văn bản hướng dẫn thực hiện các CTMTQG của trung ương và địa phương nhìn chung còn ban hành chậm, chưa đầy đủ; việc sửa đổi, bổ sung thiếu kịp thời. Định mức đầu tư, hỗ trợ của một số chính sách thấp, không phù hợp với thực tiễn. Một số địa phương lúng túng trong triển khai các CTMTQG, nhất là CTMTQG DTTS do Chương trình có nhiều nội dung đầu tư, hỗ trợ, lần đầu được triển khai thực hiện. Kết quả giải ngân các CTMTQG năm 2022, 2023 của hầu hết các địa phương nhìn chung còn thấp.

Ảnh minh họa

Giải pháp chủ yếu về công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong tình hình mới

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt 08 nhóm nhiệm vụ theo Kết luận 65-KL/TW của Bộ Chính trị; trong đó chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ cấp thiết và giải pháp chủ yếu về công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong tình hình mới, đó là:

- Tập trung huy động nguồn lực đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào DTTS&MN, nhất là vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; trong đó ngân sách nhà nước giữ vai trò quan trọng, chủ yếu.

- Tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS&MN, coi trọng phát triển liên kết vùng.

- Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đời sống, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS.

- Tập trung hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS.

-  Tăng cường  hỗ trợ dạy nghề, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS; phát triển nguồn nhân lực DTTS, vùng đồng bào DTTS&MN.

- Đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hoá, làng nghề truyền thống và bảo vệ môi trường sinh thái ở vùng đồng bào DTTS&MN.

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS.

- Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả 03 CTMTQG, trong đó có CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN; tăng cường chính sách tín dụng cho vùng đồng bào DTTS&MN.

- Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện tiêu chí miền núi, vùng cao, tiêu chí phân định theo trình độ phát triển; tích hợp bộ tiêu chí chung, thống nhất, làm căn cứ xây dựng các chính sách dân tộc thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2030.

- Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc: tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách dân tộc; nghiên cứu, đổi mới phương thức xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc; kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc từ trung ương đến cơ sở; củng cố, hoàn thiện hệ thống lý luận liên quan đến công tác dân tộc...

- Thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc gắn với phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh trong vùng đồng bào DTTS&MN./.

Bích Ngọc