ĐẨY MẠNH CƠ SỞ PHÁP LÝ CHO TRÁI PHIẾU XANH NHẰM TẬN DỤNG NGUỒN VỐN TRONG NƯỚC VÀ QUỐC TẾ

27/09/2023

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 được tổ chức với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp ý kiến với Diễn đàn, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty Cổ phần FiinRatings cho rằng, cần đẩy mạnh cơ sở pháp lý cho trái phiếu xanh nhằm tận dụng nguồn vốn trong nước và quốc tế

Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng cứng và mềm cho thị trường

 Được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 lựa chọn xác định chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp tham luận tại diễn đàn, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty Cổ phần FiinRatings bày tỏ quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng cứng và mềm cho thị trường. Việc đưa vào khai thác và vận hành kênh kê khai và giao dịch tập trung TPDN riêng lẻ trên HNX là bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển thì tác giả đề xuất chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện các cấu phần quan trọng về nền tảng cứng và mềm của thị trường này bao gồm:

Thứ nhất, triển khai đưa các TPDN riêng lẻ, nhất là những lô trái phiếu đang được sở hữu bởi nhiều NĐT cá nhân lên hệ thống kê khai giao dịch HNX như quy định hiện nay

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty Cổ phần FiinRatings

Thứ hai, phát triển đội ngũ tư vấn đầu tư trái phiếu, bond dealers và cấp chứng chỉ chuyên môn phù hợp và khuyến khích các thành viên thị trường hoặc Hiệp hội liên quan trong việc xây dựng cẩm nang và hướng dẫn cho nhà phát hành, đơn vị phân phối, lực lượng môi giới/ dealers và cẩm nang hướng dẫn phân tích và đánh giá TPDN  cho nhà đầu tư cá nhân.

Thứ ba, khuyến khích các thành viên thị trường xây dựng đường cong lãi suất TPDN dựa trên kết quả giao dịch trên sàn tùy theo mức độ xếp hạng tín nhiệm, kỳ hạn trái phiếu và các đặc tính khác của các sản phẩm trái phiếu. Song song, chúng ta nên tạo cơ chế khuyến khích thành lập đơn vị định giá trái phiếu độc lập nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư trong công tác báo cáo và thuyết minh, nhất là với những trái phiếu không có thanh khoản hay không có giao dịch.

Thứ tư, khuyến khích hình thành cơ sở dữ liệu về xác suất vỡ nợ TPDN tại Việt Nam tương ứng với mức xếp hạng tín nhiệm nhằm làm cơ sở tham chiếu định giá trái phiếu, phân bổ tài sản và công tác quản trị rủi ro.

Sự hình thành đầy đủ của các yếu tố hạ tầng trên cùng với cơ chế khuyến khích công bố thông tin bằng tiếng Anh của tổ chức phát hành sẽ góp phần khôi phục sự tham gia trở lại của nhà đầu tư và trong đó có cả việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường TPDN Việt Nam.

Đẩy mạnh cơ sở pháp lý cho trái phiếu xanh nhằm tận dụng nguồn vốn trong nước và quốc tế

Thị trường TPDN còn thiếu các sản phẩm mới có tiềm năng phát triển cơ sở nhà đầu tư, đặc biệt là các sản phẩm gắn liền với xu thế chung của nền kinh tế như trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội, trái phiếu liên kết phát triển bền vững.

Tài chính xanh, bao gồm trái phiếu xanh, đang trở thành một xu hướng lớn trên toàn cầu cũng như ở khu vực. Với cam kết trở thành quốc gia trung hòa các bon vào năm 2050, Việt Nam đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ các nguồn vốn trong và ngoài nước vào các dự án xanh. Do đó, thị trường vốn Việt Nam cần chủ động chuẩn bị sẵn sàng để tận dụng kênh vốn xanh này. Một trong những bước đầu tiên là lựa chọn các tiêu chuẩn xanh phù hợp để áp dụng như tiêu chuẩn của Tổ chức Trái phiếu Khí hậu quốc tế (CBI), Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA), ASEAN+3 hay tiêu chuẩn phân loại dự án xanh trong nước đang được kỳ vọng ban hành trong năm nay. Tuy nhiên, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam còn đang rất khiêm tốn và hiện mới chỉ có 01 lô trái phiếu xanh đầu tiên được phát hành trong nước của Công ty Cổ phần Tài chính Điện lực Việt Nam.

Cùng với đó, một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (GGGI) cũng đang có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình xây dựng khung phát triển dự án xanh và chuẩn bị cho các đợt phát hành trái phiếu xanh. Các doanh nghiệp có thể tìm hiểu và tận dụng các cơ hội này để chuẩn bị cho kế hoạch tài trợ dự án thông qua các công cụ tài chính xanh. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dồi dào, đồng thời góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường của Việt Nam.

Nhìn chung, tài chính xanh sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ để đáp ứng các mục tiêu phát triển xanh. Vấn đề ở đây là làm thế nào để các doanh nghiệp phát hành có động lực tham gia thị trường này.

Xem xét thành lập quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp

Ngoài ra, cần xem xét thành lập quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp. Việt Nam hiện thiếu các định chế tài chính trung gian trong đó có nghiệp vụ bảo lãnh tín dụng hoặc bảo lãnh trái phiếu. Khác với bảo lãnh phát hành, bảo lãnh tín dụng hay bảo lãnh trái phiếu được hiểu là bảo lãnh thanh toán, tức là bên đứng ra bảo lãnh sẽ thực hiện cam kết thanh toán một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ nợ của tổ chức phát hành trong trường hợp rủi ro xảy ra tức là tổ chức phát hành không thể thực hiện nghĩa vụ nợ đã cam kết.

Hiện trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có một số lô trái phiếu bảo lãnh thanh toán bởi ngân hàng thương mại và phần còn lại chủ yếu là bảo lãnh doanh nghiệp được thực hiện bởi công ty trong cùng một tập đoàn đối với tổ chức phát hành TPDN. Trên thị trường TPDN Việt Nam, một số lô trái phiếu riêng lẻ đã được một số ngân hàng thương mại tốt tham gia bảo lãnh thanh toán và giúp một số quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm dựa vào đó để đầu tư với rủi ro gắn một phần hoặc toàn bộ với tổ chức bảo lãnh đó.

Tuy nhiên, số lượng trái phiếu được bảo lãnh còn ít và chủ yếu là các trái phiếu được mua bởi các công ty bảo hiểm. Các trái phiếu chào bán ra công chúng hầu như chưa được ngân hàng hoặc một định chế tài chính có tiềm lực tài chính và xếp hạng tín nhiệm cao tham gia bảo lãnh thanh toán.

Nhằm mục đích khôi phục niềm tin và đa dạng hóa cho sản phẩm trái phiếu cung cấp ra thị trường, Việt Nam nên cân nhắc hình thành khung pháp lý thành lập một số tổ chức cung cấp dịch vụ bảo lãnh tín dụng trong đó có bảo lãnh trái phiếu được thực hiện ngoài các tổ chức tín dụng. Tổ chức bảo lãnh này có thể do tư nhân thành lập và hoạt động bởi các định chế tài chính – đầu tư lớn của Việt Nam và các tổ chức quốc tế.

Minh Hùng