TS. NGUYỄN VĂN TUÂN: CỤ THỂ HÓA “THỰC HIỆN QUYỀN TƯ PHÁP” TẠI DỰ THẢO LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

24/09/2023

Góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi), TS. Nguyễn Văn Tuân, Hội luật gia Việt Nam cho biết, Hiến pháp năm 2013 quy định “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Vì vậy, quy định tại dự thảo không nên đi theo hướng làm rõ nội hàm của quyền tư pháp mà đi theo hướng cụ thể hóa “thực hiện quyền tư pháp",...

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

 Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (10/2023)

Dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) gồm: 151 Điều được bố cục thành 09 chương; trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên: 07 điều. So với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, dự thảo luật giảm 02 chương, tăng thêm 54 điều. Dự thảo Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 06 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023.

Dự thảo Luật kế thừa những quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 còn phù hợp, đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới. Theo đó, Luật này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân; về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác trong Tòa án nhân dân; về tổ chức xét xử và bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân.

Tiếp cận dự án luật, TS. Nguyễn Văn Tuân, Hội luật gia Việt Nam đề nghị, cần thể hiện rõ hơn sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, trong đó cần nhấn mạnh đến: Quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, trong đó cần chỉ ra những kết quả, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế; Kinh nghiệm nước ngoài về hệ thống tòa án.

Về mục đích, quan điểm xây dựng luật, TS. Nguyễn Văn Tuân đề nghị cần làm rõ “tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp”, vì việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 đã được thể hiện trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Còn những quy định nào của Hiến pháp năm 2013 chưa được cụ thể hóa? Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” là cụ thể hóa nội dung gì?.

TS. Nguyễn Văn Tuân, Hội luật gia Việt Nam

Để hoàn thiện dự thảo luật, TS. Nguyễn Văn Tuân góp ý vào một số nội dung cụ thể liên quan tới: Nội hàm quyền tư pháp; Nhiệm vụ nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; Đổi tên tòa án; Thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia;… Cụ thể:

Về nội hàm quyền tư pháp: TS. Nguyễn Văn Tuân cho rằng, việc làm rõ nội hàm quyền tư pháp là cần thiết, tuy nhiên, nội dung quyền tư pháp trong dự thảo còn có ý khác khác nhau. Ý kiến đồng tình cho rằng quy định bổ sung này là hoàn toàn hợp lý và đã thể hiện một cách đầy đủ phạm vi của quyền tư pháp do tòa án thực hiện.

Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng nếu làm rõ được nội hàm của khái niệm quyền tư pháp thì sẽ chốt lại khái niệm này. Cũng theo quan điểm này, nếu quy định như vậy, vấn đề được đặt ra là trong Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ có cần phải đưa ra một quy phạm về quyền lập hiến, lập pháp và quyền hành pháp hay không? Cần cân nhắc việc đưa quy phạm định nghĩa “quyền tư pháp” trong dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). 

Theo TS. Nguyễn Văn Tuân làm rõ nội hàm của quyền tư pháp sẽ là sự thành công về mặt học thuật, bởi đã có một Đề tài khoa học độc lập cấp nhà nước nghiên cứu “Quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”, mã số: 03/2013/ĐTĐL, nhưng đến nay nội hàm quyền tư pháp vẫn được đặt ra. Vì vậy, việc làm rõ nội hàm của quyền tư pháp trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) có phù hợp không?

Vấn đề đặt ra là làm rõ “quyền tư pháp” hay là làm rõ “thực hiện quyền tư pháp”. Hiến pháp năm 2013 quy định “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. TS. Nguyễn Văn Tuân cho rằng, không nên đi theo hướng là làm rõ nội hàm của quyền tư pháp mà đi theo hướng cụ thể hóa “thực hiện quyền tư pháp”. Vì vậy, Điều 2 nên thể hiện như sau: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp bao gồm...”

Về nhiệm vụ nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án: TS. Nguyễn Văn Tuân đề nghị cân nhắc khi sử dụng các cụm từ “xét xử”, “giải quyết”, “quyết định”, “xem xét, quyết định”, “giải thích”, “tổng kết thực tiễn xét xử”  tại các Điều 3, 26, 28, 29, 30 của dự thảo. Nội hàm quyền tư pháp (Điều 2) chỉ quy định “xét xử, phán quyết”.

Về đổi tên tòa án: Việc đổi tên tòa án nhân dân cấp tỉnh thành tòa án phúc thẩm thì có thể hiểu tòa án cấp này chỉ có một thẩm quyền là phúc thẩm. Vậy có phù hợp với điều kiện hiện nay không? Tại sao lại không đổi tên tòa án cấp cao thành tòa án thượng thẩm cho tương ứng với tòa án phúc thẩm, tòa án sơ thẩm? Đề nghị cân nhắc đổi tên tòa án cấp tỉnh thành tòa án trung cấp và tòa án cấp huyện thành tòa án sơ cấp.

Về thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia: Việc thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia là cần thiết, tuy nhiên cần làm rõ địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Tư pháp quốc gia. Dự thảo Luật quy định thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia trên cơ sở kế thừa tổ chức và hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia. Nếu như vậy không nên thay đổi tên gọi của Hội đồng. Việc thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia phải có tính đột phá. Mô hình Hội đồng Tư pháp quốc gia cần tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới.

Hội đồng tư pháp quốc gia là một chế định khá phổ biến trong pháp luật về tổ chức và hoạt động của hệ thống tòa án hiện đại. Theo một thống kê tiến hành gần đây, trên thế giới hiện nay có tới 121 quốc gia có Hội đồng tư pháp quốc gia với các hình thức khác nhau, trong đó 93 quốc gia quy định về Hội đồng tư pháp trong Hiến pháp.

Cho đến nay, Hội đồng tư pháp quốc gia đã được xem xét như một thiết chế quan trọng trong tổ chức và hoạt động của hệ thống tòa án hiện đại, là công cụ hữu hiệu vừa bảo đảm tính độc lập, vừa bảo đảm trách nhiệm của hệ thống tòa án nói chung và các thẩm phán nói riêng.

Về mô hình Hội đồng tư pháp ở các quốc gia châu Âu, có thể được chia thành 2 nhóm: Mô hình Bắc Âu và mô hình Nam Âu. Mô hình Bắc Âu có điển hình là Thụy Điển, Đan Mạch. Ở các quốc gia này, Hội đồng tư pháp được thành lập với nhiệm vụ tập trung vào việc bảo đảm tính độc lập và trách nhiệm của thẩm pháp và hệ thống tòa án, có phạm vi thẩm quyền lớn bao gồm việc đề cử bổ nhiệm thẩm phán, kỷ luật thẩm phán và cả các hoạt động quản lý hành chính. Mô hình Nam Âu có điển hình là các nước Pháp, Italia và Tây Ban Nha. Theo mô hình này, Hội đồng tư pháp quốc gia được quy định trong Hiến pháp với vai trò chú trọng vào việc bảo đảm tính độc lập và trách nhiệm của thẩm phán. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ nói trên Hội đồng tư pháp ở các quốc gia này chỉ thực hiện những nhiệm vụ cơ bản nhất trong lĩnh vực tổ chức và kỷ luật đối với thẩm phán mà thôi.

Theo một số nghiên cứu, trên thế giới có các mô hình quản lý Tòa án như sau: Mô hình do Bộ Tư pháp quản lý; mô hình tự quản do một đơn vị “trực thuộc Tòa án” độc lập với cơ quan lập pháp, hành pháp quản lý; mô hình kết hợp do đơn vị tự quản độc lập của Tòa án và Bộ Tư pháp cùng thực hiện; mô hình Tòa án phối hợp cùng cơ quan Đảng, chính quyền địa phương cùng thực hiện.

Phần lớn các nước trên thế giới áp dụng mô hình tự quản do một đơn vị “trực thuộc Tòa án” tự quản độc lập của Tòa án và Bộ Tư pháp cùng thực hiện trong việc quản lý hành chính Tòa án. Tuy nhiên, mô hình này cũng có sự khác biệt giữa các quốc gia.

Mô hình Hội đồng tư pháp quốc gia được thành lập ở Việt Nam, cần bảo đảm xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả; không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tòa án; kế thừa các chế định về quản lý tòa án... Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về địa vị pháp lý của các chức danh tư pháp; đổi mới công tác quản lý cán bộ; xây dựng cơ chế phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ đối với công chức có tài năng trong hoạt động công vụ nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành tòa án.

Ngoài ra, TS. Nguyễn Văn Tuân cũng lưu ý, việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân có liên quan đến nhiều luật khác, các luật khác có liên quan có sửa không? Nội dung sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân có nhiều vấn đề mang tính đột phá, vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn./.

Lê Anh