HIỆU QUẢ PHÂN BỔ VỐN TÍN DỤNG CÒN THẤP, VAI TRÒ CÁC QUỸ TÀI CHÍNH NHÀ NƯỚC CÒN MỜ NHẠT

24/09/2023

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 được tổ chức với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp ý kiến với Diễn đàn, TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, hiệu quả phân bổ vốn tín dụng còn thấp, vai trò các quỹ tài chính nhà nước còn mờ nhạt.

Hiệu quả phân bổ vốn tín dụng còn thấp

Được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 lựa chọn xác định chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp tham luận tại diễn đàn, TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia bày tỏ quan tâm đến vấn đề lành mạnh hóa thị trường tài chính và khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế.

Theo đó, TS. Vũ Như Thăng cho rằng, hiệu quả phân bổ vốn tín dụng đang là điểm nghẽn trên thị trường tài chính. Quy mô tín dụng/nền kinh tế ở mức cao so các nước cùng trình độ phát triển. Trong thời gian qua, mặc dù có sự dịch chuyển trong cấu trúc, hệ thống tài chính Việt Nam về cơ bản vẫn dựa vào ngân hàng (Bank-based). Theo đánh giá của WB, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới , là mức cảnh báo về rủi ro bất ổn vĩ mô tiềm ẩn. IMF cũng cho rằng việc tăng tín dụng/GDP đến một ngưỡng nhất định khoảng 100% có thể làm tăng các rủi ro tiêu cực đối với tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2022-2023, trong bối cảnh huy động vốn trên thị trường vốn bị suy giảm trước tác động của kinh tế thế giới và các diễn biến tiêu cực trong nước, áp lực lên vốn tín dụng ngân hàng ngày càng tăng, nới rộng thêm khoảng cách với quy mô TTCK. Điều này, đặt ra yêu cầu hỗ trợ nền kinh tế phải đi đôi với bảo đảm chất lượng tín dụng, an toàn và ổn định kinh tế vĩ mô. 

TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Theo TS.Vũ Như Thăng, tín dụng vẫn tập trung nhiều vào lĩnh vực bất động sản và có xu hướng tăng nhanh. Cuối năm 2022, tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tăng 24,2% so cuối năm 2021 (năm 2020 tăng 12,06%, năm 2021 tăng 15,37%), chiếm 22,2% tổng tín dụng; một số TCTD có tốc độ tăng cho vay BĐS hơn 30%. Nhiều tổ chức tín dụng có tỷ lệ tập trung vào bất động sản ở mức cao (trên 30% tổng tín dụng, cá biệt một số TCTD có tỷ lệ trên 40%). Điều này dẫn đến rủi ro gia tăng khi thị trường BĐS đang gặp khó khăn, tăng trưởng chậm lại, mặt bằng giá BĐS duy trì ở mức cao nhưng thanh khoản thấp.

Tín dụng vào 5 lĩnh vực ưu tiên còn thấp. Theo chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, NHNN có trần lãi suất cho vay với 5 lĩnh vực ưu tiên bao gồm: xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, các DN đủ điều kiện có thể tiếp cận với nguồn vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường. Tuy nhiên, để được vay với lãi suất ưu đãi, các DN thuộc 5 nhóm ngành ưu tiên kể trên cần phải đáp ứng đủ điều kiện tín dụng, nguyên tắc tín dụng và có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch . Đáng chú ý, nhiều DN muốn vay kinh doanh, mở rộng quy mô sản xuất, nhưng kinh tế khó khăn, chưa có cơ hội mở rộng sản xuất, thiếu đơn hàng, nên nhu cầu tín dụng không cao. Ngược lại, một số DN có nhu cầu tín dụng nhưng thiếu tài sản đảm bảo, vướng nợ xấu, nên khó đáp ứng điều kiện vay vốn. Thực trạng cũng cho thấy, tín dụng các lĩnh vực ưu tiên trong năm 2022 đều có mức tăng trưởng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung .

Nguồn cung ứng vốn tín dụng trung và dài hạn phụ thuộc nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng: Trong bối cảnh hoạt động SXKD gặp nhiều khó khăn, DN muốn tiếp cận vốn trung và dài hạn để duy trì hoạt động, giảm áp lực quay vòng vốn. Tuy nhiên, DN không đáp ứng được các tiêu chí mà ngân hàng đưa ra nhất là doanh thu và dòng tiền. Bên cạnh đó, thông thường cho vay của ngân hàng là hỗ trợ vốn lưu động, còn huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu là từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu DN. Vì vậy, xu hướng chung hiện nay là các ngân hàng chuyển từ tập trung cho vay trung và dài hạn sang đầu tư vốn cho các dự án trong ngắn hạn. Năm 2022, tín dụng ngắn hạn tăng 16,1%, chiếm 51,7%; trong khi tín dụng dài hạn tăng 11,7%, chiếm 48,3%...  Trong bối cảnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp khó khăn, huy động vốn qua thị trường cổ phiếu sụt giảm, gây khó khăn nhất định cho nền kinh tế trong việc huy động vốn trung và dài hạn.

Vai trò các quỹ tài chính nhà nước còn mờ nhạt

TS.Vũ Như Thăng cũng cho biết, ở Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 40 quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập nhằm giải quyết các yêu cầu khác nhau của từng thời kỳ, đan xen trong nhiều lĩnh vực, trong đó có 24 quỹ do trung ương quản lý. Có khoảng trên 100 văn bản quy phạm pháp luật cho phép thành lập và quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, cơ chế tài chính về quản lý và sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Thực tiễn cho thấy ở Việt Nam tồn tại số lượng lớn quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao đã dẫn đến nhiều vấn đề bất cập.

Quỹ bảo lãnh tín dụng (BLTD) cho DN nhỏ và vừa được thành lập theo Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2013 và sau đó được nâng tầm và hoàn thiện theo Nghị định số 34/2018/NĐ-CP, ngày 08/3/2018 của Chính phủ đã chứng minh được vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn của DN. Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai Quỹ cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc: Thứ nhất, một số địa phương không “mặn mà” với việc thực hiện quyền và trách nhiệm trong phát triển và duy trì hoạt động của quỹ; Thứ hai, nguồn vốn của các quỹ BLTD khá hạn hẹp, chủ yếu là hỗ trợ từ NSĐP (mức vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng không đảm bảo cho Quỹ có thể quay vòng nguồn vốn để thực hiện nhiều dự án thuộc lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng, chưa thúc đẩy việc huy động thêm các nguồn lực khác trên địa bàn cho phát KTXH); Thứ ba, quy chế BLTD quá chặt chẽ. Thứ tư, do vốn điều lệ của các quỹ BLTD cho DNNVV 100% từ ngân sách nhà nước nên việc quy trách nhiệm khi xảy ra thua lỗ, thất thoát vốn do bảo lãnh, cho vay DNNVV rất chặt chẽ, trong khi rủi ro cho vay đối với DNVVN thường cao hơn, hạn chế đến việc thực hiện BLTD.

Một định chế tài chính khác có vai trò cung ứng vốn cho các dự án đầu tư phát triển quy mô lớn là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tổng tài sản của ngân hàng liên tục sụt giảm, tổng nợ quá hạn của VDB vẫn cao, cuối năm 2022 là 14,8%, dù đã giảm so với mức nợ quá hạn 17,2% cuối năm 2018. VDB liên tục ghi nhận mức lỗ lũy kế từ năm 2013 đến năm 2021 khi các khoản nợ cũ, nợ theo chỉ định chưa được giải quyết, cũng như công nợ với ngân sách nhà nước còn chậm, cơ chế xử lý rủi ro tại VDB còn hạn chế… Điều này một mặt làm ảnh hưởng đến chất lượng sử dụng vốn tín dụng đầu tư nhà nước, mặt khác cũng làm ảnh hưởng đến việc cung ứng vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

Minh Hùng