LỰA CHỌN KIỂM TOÁN TRỌNG ĐIỂM, CHUYÊN ĐỀ ĐỂ CÔNG KHAI VÀ GIÁM SÁT

12/09/2023

Tại Phiên thảo luận cho ý kiến về báo cáo công tác của KTNN sáng 12/9, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Kiểm toán Nhà nước lựa chọn kiểm toán trọng điểm, chuyên đề để công khai nhằm để cho công luận giám sát; Tiếp tục phiên giải trình thực hiện các kết luận kiểm toán để đưa ra những kiến nghị...

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO CÔNG TÁC CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

ỦY BAN TÀI CHÍNH, NGÂN SÁCH CỦA QUỐC HỘI SẼ TỔ CHỨC PHIÊN GIẢI TRÌNH VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 26, sáng 12/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN).

Thẩm tra Báo cáo của Tổng Kiểm toán nhà nước về công tác năm 2023 của Kiểm toán Nhà nước và dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2024, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà nhấn mạnh: Trong 8 tháng đầu năm 2023, KTNN đã có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện công tác năm 2023 và đạt được nhiều kết quả tích cực. Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách cơ bản nhất trí với báo cáo của KTNN về các kết quả đạt được trong 8 tháng đầu năm.

Toàn cảnh Phiên họp.

Đến 31/8/2023, KTNN đã xét duyệt 127 nhiệm vụ KHKT, triển khai 114/166 đoàn kiểm toán theo kế hoạch; kết thúc kiểm toán 93 cuộc, xét duyệt 94 dự thảo báo cáo kiểm toán; đã phát hành báo cáo kiểm toán của 61 cuộc kiểm toán. So với cùng kỳ các năm trước cho thấy, việc triển khai KHKT 8 tháng đầu năm 2023 chậm và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Đề nghị KTNN làm rõ lý do việc triển khai KHKT chậm hơn so với cùng kỳ các năm trước.

So với cùng kỳ năm 2022, số kiến nghị sửa đổi, bổ sung ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tương đương cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số kiến nghị xử lý 8 tháng đầu năm 2023 chỉ bằng 20,6% cùng kỳ năm 2021 và 48,7% cùng kỳ năm 2022. Đề nghị KTNN đánh giá làm rõ nguyên nhân kết quả khá thấp này.

Kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán có nhiều chuyển biến tích cực. Triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, KTNN đã tích cực đôn đốc, kiểm tra, rà soát việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán; phối hợp với Ủy ban Tài chính-Ngân sách tổ chức phiên giải trình việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN niên độ NSNN năm 2021 trở về trước. Tổng hợp sơ bộ kết quả 8 tháng đầu năm thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 về xử lý tài chính đạt 67,4%, cao hơn cùng kỳ năm trước (là 56,3%); sửa đổi, bổ sung ban hành mới 19/270 văn bản quy phạm pháp luật; có 33/183 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà.

Đề nghị KTNN tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các kiến nghị kiểm toán để kịp thời thu hồi, xử lý các vi phạm được phát hiện qua kết quả kiểm toán; làm rõ các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân các bộ, ngành, địa phương chậm hoặc không có khả năng thực hiện các kiến nghị của KTNN để sớm có giải pháp khắc phục.

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng và phổ biến pháp luật; xây dựng cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin, đa số ý kiến nhất trí với kết quả đã đạt được và các tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực này như đã nêu trong báo cáo của KTNN. Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị KTNN làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý của KTNN năm 2023; khẩn trương hoàn thành việc ban hành văn bản theo kế hoạch, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Báo cáo rõ kết quả, khả năng triển khai Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin của KTNN giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Về những tồn tại, hạn chế, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách cơ bản nhất trí với 5 nhóm tồn tại, hạn chế KTNN đã nêu. Tuy nhiên, các tồn tại, hạn chế này còn chung chung, chưa đánh giá được toàn diện các tồn tại, hạn chế trong công tác KTNN năm 2023. Đề nghị KTNN bổ sung đánh giá sâu sắc hơn các tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác, kế hoạch kiểm toán năm 2023 của KTNN. Khẩn trương xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong các tháng cuối năm và triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2024.

Các đại biểu, đại diện các cơ quan của Chính phủ tham dự Phiên họp.

Về Kế hoạch kiểm toán năm 2024, Thường trực Uỷ ban Tài chính-Ngân sách cơ bản nhất trí với các nguyên tắc, định hướng xây dựng KHKT năm 2024 đã nêu trong báo cáo. Đề nghị KTNN bổ sung nguyên tắc tiếp tục tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm 2024 cần tập trung lựa chọn các nội dung trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, bảo đảm quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tài chính công, tài sản công, không để thất thoát, lãng phí tiền, tài sản nhà nước.

Tiếp tục phiên giải trình thực hiện các kết luận kiểm toán để đưa ra những kiến nghị

Trong khuôn khổ Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận về nâng cao tính hiệu quả của KTNN tham gia vào các chuyên đề giám sát của Quốc hội; một số lĩnh vực; công tác phòng, chống lãng phí, tiêu cực; thực hiện các kết luận, kiến nghị của kiểm toán...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao các báo cáo của KTNN thể hiện tình thần trách nhiệm, sự chuẩn bị kỹ lưỡng để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Trong năm 2023, KTNN rà soát, ban hành các văn bản nhằm tăng cường chất lượng kỷ cương của KTNN, tạo điều kiện cho các ngành thực hiện. Công tác tổ chức điều hành của KTNN có nhiều đổi mới theo hướng coi trọng chất lượng, giảm số lượng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Để thực hiện hoạt động của KTNN trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu KTNN tiếp tục phát huy sự phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan trong công tác điều hành; phối hợp với Ủy ban Tài chính- Ngân sách thực hiện phiên giải trình thực hiện các kết luận kiểm toán để đưa ra những kiến nghị. Phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm tra để thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tham gia tích cực vào các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội; đồng thời tăng cường kiểm toán từ xa. Ngoài ra, KTNN có thể báo cáo thêm với Quốc hội về những tồn tại, hạn chế, bất cập; thực hiện hiệu quả các văn bản dưới luật để qua đó làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị...

Đồng thuận với quan điểm trên, liên quan đến việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của kiểm toán, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng, theo Luật Kiểm toán thì các kết luận và kiến nghị kiểm toán có giá trị bắt buộc thi hành. Do đó, để thực hiện nhiệm vụ trên, đề nghị KTNN nêu rõ trách nhiệm.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết 101 của Quốc hội nên Chính phủ sẽ rà soát để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 gồm 22 nội dung trọng tâm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cũng đề nghị KTNN cung cấp đầy đủ các kiến nghị liên quan đến hệ thống pháp luật để Chính phủ tổng hợp để báo cáo Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang.

Đóng góp ý kiến vào các báo cáo kiểm toán, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao kết quả các cuộc kiểm toán đã đảm bảo chất lượng và đã chỉ ra được nhiều tồn tại, thiếu sót cũng như yêu cầu cần chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2023 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo tổng hợp sơ bộ kết quả 8 tháng đầu năm, KTNN đã kiến nghị về xử lý đạt 67,4%, cao hơn cùng kỳ năm 2022.

KTNN đã có nhiều đổi mới trong hoạt động. Những tồn tại, hạn chế được chỉ ra cũng đã có nội hàm cụ thể hơn, có phụ lục chi tiết, đánh giá những khó khăn, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua và có lộ trình phân định trách nhiệm, kết quả khắc phục, kiến nghị tập trung vào những vấn đề mà dư luận và cử tri đang quan tâm như tái cơ cấu định giá ngân hàng, mua bắt buộc, vấn đề năng lượng, giá điện, điện mặt trời...

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.

Tuy nhiên, KTNN cần làm rõ hơn một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân cũng như là những kiến nghị chuyển ra các cơ quan chức năng để xử lý. Ngoài những nội dung dự kiến trong kế hoạch kiểm toán năm 2024 về chuyên đề đầu tư mua sắm, xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin tại các Bộ đã sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước lớn, kiểm toán chuyên đề về ngân sách Nhà nước, đầu tư xây dựng công trình, tài chính, ngân hàng, quốc phòng và an ninh thì cũng đề nghị KTNN cân nhắc tập trung vào một số chuyên đề trọng tâm như là giải ngân vốn đầu tư công, các dự án trọng điểm quốc gia, một số tồn tại của ngành điện; vấn đề về năng lượng, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Đây là những vấn đề mà cử tri rất quan tâm nên KTNN có thể nghiên cứu những nội dung đề xuất, cân nhắc để đưa vào nội dung kiểm toán năm 2024.

Lựa chọn kiểm toán trọng điểm, chuyên đề để công khai

Nêu quan điểm tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá KTNN có nhiều đổi mới tích cực. Thời gian tới, KTNN cần tiếp tục bám sát mục tiêu tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả để đáp ứng yêu cầu, phương châm “thà làm ít mà tốt”, do đó cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp thực hiện nhiệm vụ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm tại Phiên họp.

Nhấn mạnh việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, mỗi năm kết quả thanh tra, kiểm toán phát hiện và xử lý nhiều sai phạm cho thấy, công tác này được thực hiện đến nơi đến chốn, song cũng lo vì sao công cụ này hoạt động thường xuyên liên tục như thế mà sai phạm không giảm. Qua quyết toán hàng năm có nhiều vấn đề nói hết năm nọ đến năm kia vẫn cứ tiếp diễn.

Ủng hộ phương châm “làm ít nhưng chất”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan toả, cùng với đó đề cao tính công khai, minh bạc, khách quan, trung thực. Công khai, minh bạch là một trong những “vũ khí” quan trọng nhất của kiểm toán.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, KTNN phải tổ chức họp báo theo quy định. Riêng kiểm toán năm là phải họp báo công khai. Lựa chọn kiểm toán trọng điểm, chuyên đề để công khai. Một mặt cho thấy sức mạnh của kiểm toán, mặt khác để công luận giám sát cơ quan đã làm đúng chưa.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý kiểm toán tư vấn phải sâu sắc hơn, phản biện phải sắc bén hơn, xử lý sai phạm nghiêm khắc hơn, nhất là sai phạm trong ban hành văn bản. Năm nay tập trung đánh giá tác động của các văn bản ban hành sai để đề xuất xử lý nghiêm sai phạm vì thực tế ban hành ra rất nhiều “giấy phép con”, văn bản không đúng pháp luật.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Làm rõ hơn về những ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phát biểu tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo cơ quan liên quan tăng cường phối hợp với kiểm toán để tránh chồng chéo bởi “cơ sở cũng than phiền vì tiếp nhiều đoàn”. Cạnh đó, chỉ đạo tăng cường kết nối theo hướng chuyển đổi số, tiếp cận cơ sở dữ liệu quốc gia giúp kiểm toán thuận lợi hơn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng đề nghị quan tâm lựa chọn đối tượng kiểm toán có ảnh hưởng lớn, nguy cơ sai phạm cao. Chia sẻ với khó khăn của kiểm toán, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, đâu đó vẫn còn quy định chưa phù hợp nên có kiến nghị đúng luật nhưng khó khả thi khi thực hiện. Kiểm toán cũng là ngành nghề rất nhạy cảm nên cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ, triển khai kế hoạch phòng chống tham nhũng, tiêu cực một cách thực chất.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận những ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đánh giá cao những kết quả của KTNN trên các lĩnh vực; đồng thời yêu cầu KTNN tiếp thu tối đa các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu KTNN phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan hữu quan để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, KTNN và Ủy ban Tài chính-Ngân sách cần tiếp tục hoàn thiện báo cáo công tác năm 2023 để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6 tới. Còn kế hoạch kiểm toán năm 2024 của KTNN sẽ gửi xin ý kiến Quốc hội. Sau khi có ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có văn bản gửi KTNN. Trên cơ sở đó, Tổng KTNN quyết định kế hoạch kiểm toán theo quy định của Luật KTNN.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm tại Phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đóng góp ý kiến tại Phiên họp.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên họp./.

Bích Lan-Phạm Thắng