CẦN THIẾT SỬA ĐỔI LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023)
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi bám sát 05 nhóm chính sách được Quốc hội thông qua, bao gồm: Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt; Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội; Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Trên cơ sỏ các chính sách trên, dự thảo Luật đã cụ thể hóa quy định thành 11 nội dung lớn bao gồm: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; Giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu đẻ được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; Về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần; Bổ sung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội nhằm xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội;…
(Ảnh minh họa)
Tiếp cận và góp ý vào dự thảo luật, nhiều ý kiến chuyên gia đánh giá cao sự cần thiết phải kịp thời sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm xã hội nhằm giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành, tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn trong tham gia, thụ hưởng các quyền lợi về bảo hiểm xã hội (BHXH). Đồng thời, đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình tham gia và thụ hưởng các quyền lợi về BHXH, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng các yêu cầu về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực BHXH.
Tán thành với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo luật, TS. Đoàn Xuân Trường, Trường Đại học Luật Hà Nội lưu ý, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện một số vấn đề liên quan đến: giải thích từ ngữ, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc,…
Đồng thời, TS. Đoàn Xuân Trường cũng đề nghị đánh giá cụ thể, đầy đủ về mối quan hệ giữa Luật Bảo hiểm xã hội và các Luật có liên quan, làm rõ sự tương thích với các quy định có liên quan trong các hiệp định song phương, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đánh giá cụ thể hơn đối với từng chính sách mới để bảo đảm tính khả thi,…
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện khoa học lao động xã hội
Nêu quan điểm về dự luật, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện khoa học lao động xã hội cho rằng, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội thể hiện quyết tâm của Chính phủ về tăng cường mở rộng an sinh xã hội cho người lao động cả về diện bao phủ và các chế độ phúc lợi người lao động được hưởng khi tham gia chính sách BHXH, phù hợp với xu thế quốc tế và các đặc thù của Việt Nam.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, dự thảo được xây dựng dựa trên quyền của công dân, được khẳng định tại Hiến pháp năm 2013 (Điều 34), theo đó, “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”.
Thúc đẩy thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 về cải cách chính sách BHXH (NQ28-NQ/TW) và các chủ trương chính sách của Đảng về BHXH. Cụ thể: Từng bước khắc phục các yếu kém hiện tại của hệ thống BHXH: Diện bao phủ còn hẹp, chưa bình đảng giữa các nhóm, còn nhiếu bất cập trong việc triển khai thực hiện chính sách; Mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH; Hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.
“Dự thảo Luật BHXH lần này là bước sửa đổi khá căn bản, dần đáp ứng sự thay đổi của thị trường lao động, đáp ứng tốt hơn quyền lợi của nhóm người lao động, đặc biệt là lao động nữ, lao động trong khu vực phi chính thức, người cao tuổi. Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững "không bỏ ai lại phía sau" và củng cố vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ các nhóm lao động yếu thế…”, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia cao cấp về Thuế và Quản trị Doanh nghiệp
Nhấn mạnh quá trình thực tiễn thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, TS. Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia cao cấp về Thuế và Quản trị Doanh nghiệp cho rằng, việc kịp thời sửa đổi Luật là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Chia sẻ từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, TS. Nguyễn Văn Phụng cho biết, việc thu/đóng bảo hiểm xã hội là một trong những nội dung rất quan trọng của BHXH, là khâu công việc phải thực hiện đầu tiên trong việc bảo đảm nguồn lực, tạo dòng tiền để thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội.
Cơ quan BHXH với tư cách là “cơ quan nhà nước, có chức năng thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện; quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này”.
Trong khi đó, Quỹ BHXH là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước, Quỹ được hình thành từ đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và có sự hỗ trợ của Nhà nước. Quỹ BHXH được sử dụng để thực hiện chi trả các chế độ BHXH (bắt buộc tự nguyện cho người lao động), trợ cấp hưu trí xã hội và các nội dung khác theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Quỹ phải được quản lý, sử dụng theo nguyên tắc chặt chẽ, đúng mục đích, được bảo toàn và có tăng trưởng từ hoạt động đầu tư theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và các Luật liên quan.
Quan tâm tới quy định về phân công nhiệm vụ quản lý thu BHXH bắt buộc, TS. Nguyễn Văn Phụng chia sẻ: Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia trên thế giới, do vai trò của chính sách an sinh xã hội là rất lớn cho nên nguồn thu BHXH cũng được tính chung vào nghĩa vụ đóng góp thuế của công dân. Trong quản lý Quỹ BHXH, cũng có nhiều nước phân công nhiệm vụ quản lý, đôn đốc thu BHXH thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế. Sự phân công đó xuất phát từ mối quan hệ kinh tế giữa 2 khoản đóng góp của người dân và trách nhiệm tổ chức quản lý điều hành bộ máy nhà nước và hệ thống an sinh xã hội của mỗi quốc gia. Cơ quan quản lý thuế, với chức năng nhiệm vụ của mình có điều kiện thuận lợi trong việc nắm bắt thông tin về hoạt động của doanh nghiệp, về tiền lương và thu nhập của người dân thông qua cơ quan chi trả thu nhập.
Nhấn mạnh trong thực tế Việt Nam, trước khi có Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, công tác thu BHXH bắt buộc từ khu vực doanh nghiệp đã từng được cơ quan BHXH ủy nhiệm cho cơ quan quản lý thuế đảm trách (với chi phí thu là 0,6% số thu), TS. Nguyễn Văn Phụng cho rằng, đây cũng là một thực tế cần được xem xét, thảo luận để có những đề xuất với Đảng và Nhà nước vì mục tiêu tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý BHXH./.