HỘI NGHỊ ĐBQH CHUYÊN TRÁCH CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI): CỤ THỂ HÓA CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở, BẢO ĐẢM MỌI NGƯỜI DÂN CÓ CHỖ Ở HỢP PHÁP

29/08/2023

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu cho rằng cần có nghiên cứu thấu đáo, tiếp cận theo hướng nhà là để ở, không phải là để đầu cơ. Từ đó có các quy định cụ thể trong luật về nhằm cụ thể hóa chính sách Đảng và Nhà nước ta được quy định trong Hiến pháp về việc tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở; đồng thời cần quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, địa phương, cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 29/8: TIẾP TỤC XEM XÉT, CHO Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu ghi nhận và đánh giá cao việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Theo đó có nhiều nội dung trong dự thảo Luật đã được bổ sung hoàn thiện hơn trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Các đại biểu cũng nhấn mạnh đây là dự án có dự án luật có tác động lớn đến đời sống của Nhân dân và thu hút sự kỳ vọng, mong chờ của một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là trong các quy định về nhà ở xã hội và nơi lưu trú cho công nhân để giải quyết những khó khăn về nơi an cư, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của những đối tượng có thu nhập thấp.

Góp ý về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Lê Thanh Hoàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá nêu rõ, chính sách phát triển nhà ở và tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, được quy định trong Hiến pháp. Tuy nhiên, thực tế việc phát triển nhà ở còn hướng đến quyền sở hữu nhà ở dưới góc độ là tài sản hơn là vai trò mấu chốt của nhà là để ở.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị nghiên cứu thấu đáo, tiếp cận theo hướng nhà là để ở không phải là để đầu cơ. Từ đó có chính sách lớn về nhà ở nhằm ưu đãi những người mua nhà lần đầu; hạn chế cấp tín dụng với ngôi nhà thứ hai, đánh thuế chuyển nhượng tài sản và nhà ở theo các mức tăng dần, theo tỷ lệ nghịch với thời gian sở hữu; miễn thuế thu nhập từ cho thuê nhà ở xã hội; cần hạn chế đến mức tối đa tình trạng người mua nhà ở xã hội sau thời gian mua 5 năm và bán thì giá trị tăng 2 đến 3 lần so với lúc mua.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá

Cho rằng cần phải xác định rõ là Nhà nước có chính sách hỗ trợ để người có thu nhập thấp có chỗ ở, không phải để tạo ra thu nhập cao trong tương lai cho người mua nhà ở xã hội. Nhà ở xã hội là để ở, không phải cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ dưới mọi hình thức. Do đó, đại biểu Lê Thanh Hoàn tán thành với quy định là chỉ chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư ban đầu hoặc đối tượng thuộc diện mua nhà ở xã hội với nguyên giá mua ban đầu nếu không có nhu cầu về ở và mở rộng đối với thời gian là sau 5 năm kể từ khi mua.

Trước những thách thức đối với thị trường nhà ở là tỷ lệ di cư từ nông thôn ra thành thị tiếp tục tăng và già hóa dân số, đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia cũng như trong Chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh cần căn cứ về quy mô dân số, tỉ lệ di cư, dân di cư để phát triển nhà ở cho phù hợp, đặc biệt là nhà ở xã hội, từ đó xác định sẽ xây dựng nhà ở xã hội đến khi nào, đáp ứng cho ai và ai sẽ là người cung cấp. Cùng với đó, cần có chủ trương khuyến khích các tổ chức hoạt động phi lợi nhuận khác tham gia tích cực hơn vào việc phát triển nhà ở xã hội. Có chính sách cụ thể để chấm dứt tình trạng mua nhà xã hội kiểu “bốc thăm trúng thưởng” trong thời gian vừa qua. Có chính sách đồng bộ về giải quyết việc làm tại nông thôn để hạn chế tình trạng di dân về đô thị.

Đại biểu Lê Thành Hoàn cũng lưu ý nếu việc tiếp cận nguồn lực đất đai, đặc biệt các đô thị ngày càng khó khăn với đa số người dân thì mục tiêu mọi người có chỗ ở phù hợp vẫn còn rất xa. Vì vậy, trong sửa đổi Luật Đất đai lần này, các nội dung về quỹ đất dành cho phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội cần phải được quy định rõ ràng, ổn định, minh bạch, phù hợp trong các quy hoạch của sử dụng đất.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang dẫn chứng Điều 22 Hiến pháp 2013 đã quy định rõ công dân Việt Nam có quyền có nơi ở hợp pháp. Để thể chế hóa tinh thần của Hiến pháp, Luật Nhà ở năm 2014 tại Điều 4 và dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) hiện nay tại Điều 6 đã có hẳn một điều quy định về quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, sau quy định về quyền có chỗ ở tại khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật thì chưa có những quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, địa phương, cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo mỗi công dân đều có quyền có nơi ở hợp pháp.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Do vậy, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị tại Điều 4 về chính sách phát triển và quản lý sử dụng nhà ở và tại Điều 5 yêu cầu chung về phát triển quản lý, sử dụng nhà ở, bổ sung vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, địa phương, cơ quan có thẩm quyền nhằm đảm bảo công dân được thực hiện quyền này để thể hiện một cách xuyên suốt tinh thần của Hiến pháp và tương tự như vậy sẽ rà soát ở những điều liên quan. Đồng thời, các địa phương, cơ quan có thẩm quyền khi xây dựng, phê duyệt quy hoạch thì bên cạnh việc căn cứ vào nhu cầu về nhà ở cũng phải bổ sung thêm căn cứ về nhu cầu về chỗ. Vì trong thực tế nhu cầu sở hữu nhà ở và việc đảm bảo có chỗ ở là 2 phạm trù khác biệt cần được nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý nhìn nhận một cách độc lập.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, theo kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam có khoảng 26 triệu hộ gia đình, trong đó có 1244 hộ không có nhà, tức là tương đương với 4108 người. Như vậy, về cơ bản, công dân Việt Nam đã được bảo đảm về chỗ ở. Khó khăn, vướng mắc chủ yếu là điều kiện chỗ ở tại các đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, nơi tập trung nhiều dân cư.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Điều 83 dự thảo Luật đang thúc đẩy sự phát triển của nhà ở xã hội theo cách giảm chi phí đầu vào, đưa ra các ưu đãi đối với nhà đầu tư mà chưa tập trung vào việc tăng cầu. Tức là hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng nhưhỗ trợ tiền mua hỗ trợ tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, dài hạn. Khi số người có nhu cầu được hỗ trợ tăng cầu mua trả xe tăng và thị trường sẽ thu hút chủ đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội này. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung thêm một điều quy định về chính sách hỗ trợ cho người thuộc đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh đề nghị có một nguyên tắc là phát triển nhà ở đi theo với quy mô phát triển dân số và quá trình đô thị hóa, quy mô phát triển dân số. Đồng thời, phát triển nhà ở và cung cấp nhà ở cho người dân phải gắn với thu nhập thực tế của người dân. Trong xã hội, nhóm người thu nhập rất cao thì mua được nhà tốt. Những người thu nhập trung bình khá cũng tự mua được nhà. Còn lại những người thu nhập trung bình, một phần trung bình và người thu nhập thấp là không bao giờ mua được nhà đầy đủ, có chất lượng bằng thu nhập của mình. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước có chính sách hỗ trợ những người không mua được nhà hoặc thuê được nhà bằng thu nhập thực tế mình là nhà ở xã hội. Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh ý nghĩa hỗ trợ của nhà ở xã hội. Đồng thời, đại biểu cũng cho rằng nhà ở xã hội, chi phí thấp hay cao thì chất lượng vẫn là quan trọng.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh 

Với nguyên tắc trên, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng không nên sử dụng khái niệm “nhà lưu trú cho công nhân” mà dùng chung khái niệm nhà ở xã hội, nhà ở xã hội cho công nhân. Đại biểu cũng cho rằng không nên quy định nhà ở trong khu công nghiệp mà có thể khoanh vùng để bên cạnh, gần khu công nghiệp. Bởi khu công nghiệp là quản lý để sản xuất kinh doanh, còn ở ngoài là quản lý xã hội. Việc quy định nhà lưu trú trong khu công nghiệp vừa làm “rối loạn” ở khu công nghiệp, vừa không bình đẳng với người lao động ở các nhà máy không thuộc khu công nghiệp.

Quan tâm đến giải quyết nhà ở cho công nhân, đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam chia sẻ với những bức xúc về nhà ở của công nhân, người lao động trên toàn quốc. Nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất thì công nhân đều chịu hoàn cảnh là “5 không” là không nhà ở, không nhà trẻ, không công trình giáo dục, y tế, không có những điều kiện tối thiểu để sinh hoạt.

Đại biểu Trần Văn Khải nêu rõ mỗi một quyết định của Quốc hội sẽ ảnh hưởng đến chỗ ở, điều kiện sinh hoạt của hàng trăm nghìn công nhân, người lao động trong thời gian tới. Do đó nếu chỉ ngồi bàn thì công nhân bao năm vẫn thế. Đại biểu nhấn mạnh đã đến lúc để cân nhắc là hành động./.

Bảo Yến