ĐỀ XUẤT THÍ ĐIỂM GIAO TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM LÀ CHỦ ĐẦU TƯ NHÀ Ở XÃ HỘI, NHÀ LƯU TRÚ CÔNG NHÂN

29/08/2023

Tiếp tục chương trình làm việc tại hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, chiều 29/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 29/8: TIẾP TỤC XEM XÉT, CHO Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)

Hai loại ý kiến về việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà xã hội 

Tại khoản 3 Điều 78 dự thảo Luật quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội làm việc tại các khu công nghiệp thuê.

Báo cáo tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, vấn đề này có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại văn bản số 7177/TLĐ-BQLDA.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại phiên thảo luận.

Tuy nhiên, do đây là các dự án nhà ở xã hội cho công nhân để cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài nên cần bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực đầu tư và khả năng thu hồi vốn.

Đồng thời, cần chỉnh lý, bổ sung các quy định có liên quan của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và các luật có liên quan để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và thực hiện việc cho thuê nhà ở xã hội này.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) như nội dung Chính phủ trình. Đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua (theo Quyết định 655 của Thủ tướng Chính phủ) còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật.

Do đó, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.

Cho ý kiến về nội dung này, nhiều đại biểu cho rằng đây là quy định có mục đích nhân văn, góp phần tháo gỡ thực trạng việc phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được các nguồn đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ).

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ) bày tỏ tán thành với quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê theo đề xuất của Tổng Liên đoàn.

Đại biểu cho rằng, quy định này phù hợp với chủ trương, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho đối tượng công nhân.

Theo đại biểu, hệ thống công đoàn các cấp là cơ quan bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, nên hơn ai hết họ nắm rõ nhu cầu về chỗ ở cho người lao động, nhất là những người lao động có thu nhập thấp hay hoàn cảnh khó khăn.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia thực hiện dự án nhà ở xã hội với tư cách là cơ quan chủ quản mà không phải trực tiếp với vai trò là chủ đầu tư dự án, đồng thời chỉ thực hiện dự án nhà ở xã hội để cho thuê. Các dự án sử dụng nguồn vốn là tài chính công đoàn, nhà ở cho thuê vận hành như đối với các nhà ở do nhà nước đầu tư.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) cũng đề nghị giữ quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một trong các chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân và coi đây là trách nhiệm của Công đoàn.

“Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có thể thành lập pháp nhân phi lợi nhuận để đầu tư, quản lý hệ thống nhà lưu trú công nhân. Nhà lưu trú chỉ cho thuê với giá ưu đãi cho đối tượng là thành viên công đoàn đang có quan hệ lao động với những tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể”, đại biểu Nghĩa đề xuất.

Đề xuất thí điểm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội

Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật Nhà ở.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ không đồng tình giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Lý do, đây là tổ chức chính trị, không có chức năng kinh doanh.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp).

Đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật. Do đó, đại biểu đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án xem xét cho thực hiện thí điểm trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.

“Nhà ở xã hội cho công nhân sẽ được đầu tư để cho thuê, nên nếu giao Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư thì sẽ phải thông qua doanh nghiệp trực thuộc. Nếu vậy thì nên giao UBND tỉnh, chủ đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất thực hiện”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân “khó khả thi”.

Theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không có chức năng kinh doanh. Nếu quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sẽ gây ra những lo ngại. Thêm nữa, nguồn lực tài chính của công đoàn, lấy chính từ kinh phí doanh nghiệp đóng (2%) và 1% công đoàn viên. “Cần đánh giá tính bền vững, quy định thu - chi, đánh giá lại tác động, hiệu quả công đoàn khi làm nhà ở xã hội”.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Tổng Liên đoàn là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) là rủi ro, chậm thu hồi vốn. “Quản lý không tốt gây ra hệ luỵ khó lường”, bà nói.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy nhất trí với ý kiến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong luật./.

Trọng Quỳnh