DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): CẦN LÀM RÕ CƠ CHẾ QUẢN LÝ, CHẾ ĐỘ SỬ DỤNG ĐẤT LẤN BIỂN

09/08/2023

Góp ý hoàn thiện dự án luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu, chuyên gia, nhà nghiên cứu đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của các Luật về hoạt động lấn biển, đất hình thành từ hoạt động lấn biển, làm rõ khái niệm đất lấn biển, cơ chế quản lý, chế độ sử dụng đất lấn biển, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khu vực biển khi đất lấn biển chưa hình thành.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: TUYỆT ĐỐI KHÔNG CHỦ QUAN, NỖ LỰC KHÔNG NGỪNG NGHỈ ĐỂ CÓ ĐƯỢC DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) TỐT NHẤT

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật quan trọng, đóng vai trò trung tâm trong các nhiệm vụ lập pháp của Quốc hội khóa XV, tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của mọi người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, dự án luật nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước, đặc biệt là các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Qua tiếp thu ý kiến nhân dân, dự án luật đã được Quốc hội thảo luận, xem xét tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, dự kiến sẽ được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới.

Còn băn khoăn về quy định thời hạn giao đất với dự án lấn biển

Nhằm hoàn thiện dự án luật đạt chất lượng cao, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đang tích cực lắng nghe, xin ý kiến tham vấn, góp ý về nhiều vấn đề, nội dung quan trọng trong dự án luật, trong đó có nội dung quy định liên quan đến hoạt động lấn biển. Bàn về vấn đề này, đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết, qua tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và trên cơ sở rà soát, dự thảo Luật Đất đai đã sửa đổi theo hướng quy định rõ về ba loại dự án liên quan đến hoạt động lấn biển, bao gồm: dự án sử dụng vốn của nhà đầu tư, dự án đầu tư công và dự án lấn biển đơn thuần tạo quỹ đất. Trong đó riêng loại dự án lấn biển gắn với một dự án đầu tư cụ thể sử dụng vốn ngoài ngân sách đang có quan điểm khác nhau về thời điểm giao đất.

Đại biểu Phan Đức Hiếu cho biết, đối với loại dự án này đang có hai luồng ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất cho rằng cần xác định rõ các giai đoạn thực hiện khi nhà đầu tư trúng thầu thì giao khu vực biển để nhà đầu tư thực hiện lấn biển, khi hoàn thành lấn biển thì giao đất, cho thuê đất không đấu giá, không đấu thầu để thực hiện dự án. Trong khi đó, ý kiến còn lại đề nghị giao đất luôn từ thời điểm giao khu vực biển để nhà đầu tư trúng thầu thực hiện lấn biển.

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế 

Đối với dự án đầu tư trên đất lấn biển là dự án đầu tư công, dự luật quy định Nhà nước đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện hoạt động lấn biển, sau khi hoàn thành lấn biển, đất lấn biển được dùng để thực hiện dự án đầu tư trên đất lấn biển đã được xác định khi phê duyệt dự án đầu tư công đó. Đối với dự án lấn biển đơn thuần, tạo quỹ đất, Nhà nước đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện hoạt động lấn biển, sau khi hoàn thành lấn biển, đất lấn biển giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý để giao, cho thuê thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.

Đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng quy định như vậy để tạo cơ sở pháp lý về đất đai, cùng với các quy định khác có liên quan về đầu tư, cho phép thực hiện dự án lấn biển tạo quỹ đất, phù hợp với điều kiện thực tế về địa chất nơi thực hiện lấn biển và ngân sách cho việc thực hiện.

Cần làm rõ cơ chế quản lý, chế độ sử dụng đất lấn biển

Tham gia đóng góp ý kiến về nội dung liên quan đến hoạt động lấn biển, TS.Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lí nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, tại Khoản 3, Điều 9 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có quy định, Nhà nước khuyến khích đầu tư vào sử dụng đất đai: “khai hoang, phục hồi đất bị thoái hóa, lấn biển, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước hoang hóa vào sử dụng theo quy định của Luật này”.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi mới chỉ ghi nhận hình thức “dự án lấn biển đầu tư bằng nguồn vốn của Nhà nước” để tạo lập quỹ đất (Chương VIII - Phát triển quỹ đất, Khoản d) điểm 3) Điều 111). Trên thực tế, các dự án lấn biển yêu cầu vốn đầu tư vô cùng lớn, cần huy động tốt nguồn lực từ khối tư nhân để triển khai có hiệu quả. Nếu pháp luật quy định nhà đầu tư tự bỏ vốn để thực hiện lấn biển nhưng vẫn phải đấu giá quyền sử dụng đất để được giao đất, cho thuê đất thì sẽ không tạo động lực cho nhà đầu tư, không phù hợp với chính sách khuyến khích khai hoang, phục hóa, lấn biển tại Điều 9 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

TS.Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lí nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Theo TS.Nguyễn Song Tùng, cơ quan soạn thảo cần bổ sung các hình thức khác: Dự án lấn biển bằng nguồn vốn ngoài đầu tư công; dự án lấn biển sử dụng vốn hỗn hợp; dự án lấn biển theo phương thức đối tác công - tư… để tạo khung khổ pháp lý triển khai. Như vậy, với các dự án có hạng mục lấn biển sử dụng vốn tư nhân là: Sau khi nhà đầu tư tự bỏ vốn để thực hiện lấn biển, làm thay đổi hiện trạng (từ mặt biển trở thành mặt đất) thì việc quản lý, sử dụng đất như thế nào? Nhà đầu tư bỏ vốn lấn biển đương nhiên được giao đất, cho thuê đất để tiếp tục thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh hay Nhà nước thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất?

Để đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và nội dung của Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên, môi trường biển hải đảo và các Luật liên quan, TS.Nguyễn Song Tùng đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của các Luật về hoạt động lấn biển, đất hình thành từ hoạt động lấn biển (đất lấn biển) như: khái niệm đất lấn biển, cơ chế quản lý, chế độ sử dụng đất lấn biển, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khu vực biển khi đất lấn biển chưa hình thành, việc đưa khu vực biển để lấn biển vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quản lý, sử dụng khu vực biển để lấn biển theo chế độ quản lý, sử dụng đất, và các vấn đề liên quan khác…); bổ sung các quy định của Luật Đất đai về đất có mặt nước ven biển (khái niệm, phạm vi, ranh giới và các vấn đề liên quan khác…).

TS.Nguyễn Song Tùng đề nghị Ban soạn thảo xem xét và bổ sung nội dung này vào Dự thảo (trong đó, có thể chia ra các dự án lấn biển theo mục đích sử dụng theo hướng thu tiền sử dụng đất phù hợp: như nhà ở, khu đô thị, công trình công cộng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hạu, đất nông nghiệp...). Việc bổ sung quy định này phù hợp với Điều 183, điểm 3 của Dự thảo: “Việc sử dụng đất có mặt nước ven biển để thực hiện dự án lấn biển phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Chính phủ. Chế độ sử dụng đất của loại đất hình thành sau hoạt động lấn biển thực hiện loại đất tương ứng theo quy định của Luật này”.

Minh Hùng