CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ HỘI KIẾN TỔNG THỐNG IRAN EBRAHIM RAISI
Việt Nam và Iran thời gian qua đã ký một số thỏa thuận hợp tác như “Thỏa thuận chung về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật”, Hiệp định về thương mại và thành lập Ủy ban hỗn hợp, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư…
Sau nhiều năm, kim ngạch thương mại hai chiều có xu hướng tăng lên. Nếu năm 2001, tổng kim ngạch thương mại hai chiều mới đạt mức 6,5 triệu USD, thì sau 20 năm - đến năm 2021 đã đạt 124,5 triệu USD. Trong năm 2022, kim ngạch hai chiều đạt hơn 100 triệu USD, 3 tháng đầu năm 2023 đạt 21 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu sang Iran chủ yếu các loại nông sản như hạt tiêu, hạt điều, chè, cà phê, ngoài ra là một số mặt hàng cao su tự nhiên, rau củ quả, thủy hải sản, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ... và nhập khẩu từ Iran các mặt hàng như sản phẩm chất dẻo, dầu mỏ, cao su, kim loại thường, tân dược...
Ông Nguyễn Thành Long, Bí thư thứ ba, Phụ trách thương vụ Việt Nam tại Iran
Theo ông Nguyễn Thành Long, Bí thư thứ ba, Phụ trách thương vụ Việt Nam tại Iran, việc Iran bị tái áp đặt lệnh cấm vận từ năm 2018 do Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân có ảnh hưởng trực tiếp tới quan hệ thương mại giữa hai nước Việt Nam và Iran, có nhiều loại hàng hóa hai nước có thể xuất khẩu sang lẫn nhau, nhưng do nằm trong danh mục cấm vận nên chưa thể tiến hành được, ví dụ là dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu. Việc kim ngạch hai nước thường chỉ đạt 100- 200 triệu USD là con số hết sức khiêm tốn so với tiềm năng của thị trường Iran cũng như mối quan hệ về chính trị, ngoại giao và quan hệ hợp tác giữa hai nước. Tuy nhiên cũng do cấm vận, một số hàng hóa của Việt Nam vào Iran phải thông qua một nước thứ 3 như Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), Oman hay Thổ Nhĩ Kỳ. Vậy nên kim ngạch thực tế sẽ nhiều hơn con số được thống kê chính thức từ các cơ quan hải quan giữa hai nước. Hai nước đang phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên khoảng 2 tỷ USD trong thời gian tới, khi vẫn còn nhiều cơ hội hợp tác thương mại chưa được khai thác.
Trong bối cảnh đó, Diễn đàn “Pháp luật, Chính sách thúc đẩy hợp tác Kinh tế, Thương mại và Đầu tư” chính là một trong những điểm nhấn của chuyến thăm Iran lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Với sự tham dự của lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương hai nước, đặc biệt là sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp hai nước thuộc các lĩnh vực từ thương mại, nông nghiệp đến công nghệ cao, hóa chất, ngân hàng…, diễn đàn sẽ là cơ hội giao thương tốt cho doanh nghiệp hai bên, cũng như để cho các cơ quan quản lý nhà nước hai bên nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, cùng hợp tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và địa phương hai bên.
“Hiện dân số Iran đạt gần 90 triệu người, xếp thứ 17 trên thế giới, trong đó cơ cấu độ tuổi từ 25-50 tuổi chiếm phần lớn, do đó đây là thị trường tiêu thụ lớn. Iran không chỉ là thị trường tiềm năng mà còn là cửa ngõ trung chuyển cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Đông, Trung Á với vài trăm triệu dân. Hiện tại các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Iran bao gồm các nông sản như café, hạt tiêu, hạt điều, các loại gia vị, một số hoa quả. Các mặt hàng này đã được người dân Iran ưa chuộng từ rất lâu, trong thời gian tới thì hàng Việt có cơ hội xuất khẩu sang Iran, nhờ cơ cấu bổ trợ lẫn nhau không cạnh tranh. Cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang Iran đặc biệt là hàng nông sản còn nằm ở chỗ, nhu cầu nhập khẩu của Iran rất lớn, do đất nước này thường xuyên bị hạn hán, mất mùa, chỉ tính riêng một số hoa quả nhiệt đới, mỗi năm Iran nhập khẩu khoảng 470.000 tấn, trị giá tương đương 700 triệu USD. Tại Iran, mỗi người dân tiêu thụ 120 kg hoa quả mỗi năm, hoa quả nhiệt đới là mặt hàng rất được ưa chuộng tại Iran, điển hình như dứa, xoài. Nếu làm tốt công tác thị trường, doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể xuất khẩu các loại hoa quả khác như thanh long, chanh leo, ổi, đu đủ, măng cụt, bưởi sang thị trường Iran. Trong tháng 8 này, Việt Nam với Iran sẽ tổ chức kỳ hợp lần thứ 10 Ủy ban hỗn hợp giữa hai nước, đây là dịp hết sức quan trọng để hai bên nghiên cứu, đánh giá toàn diện các mặt hợp tác, chỉ ra giải pháp và đề ra phương hướng tương lai. Ngoài ra tại kỳ hợp này, hai bên sẽ chính thức ký bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch động vật, thực vật. Điều này cũng giúp hàng hóa thế mạnh của hai nước được xuất khẩu sang nhau nhiều hơn.” - ông Nguyễn Thành Long, Bí thư thứ ba, Phụ trách thương vụ Việt Nam tại Iran cho biết.
Ông Hamed Majidi Tehrani, Tổng Giám đốc Công ty Asia Window
Trong khi đó, ông Hamed Majidi Tehrani, Tổng Giám đốc Công ty Asia Window, công ty đang nhập khẩu chè và cafe từ Việt Nam khẳng định, người dân Iran rất yêu thích hàng hóa Việt Nam với chất lượng rất tốt, việc nhập khẩu với công ty Việt Nam cũng diễn ra thuận lợi và đúng thời hạn. “Việt Nam trong những năm qua đã nổi lên ở châu Á như một thị trường năng động với các sản phẩm chất lượng, và nếu phát triển theo chiều hướng này đây sẽ là một thị trường hết sức cạnh tranh”, ông Tehrani khẳng định.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Iran, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Mỏ và Thương mại Iran Abbas Aliabadi. Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định hợp tác kinh tế, thương mại là lĩnh vực luôn được lãnh đạo hai nước hết sức quan tâm. Dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên sẽ ký một số văn kiện hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực xúc tiến thương mại, nông nghiệp, tư pháp... Việc ký kết các văn kiện hợp tác này sẽ tạo cơ sở cho việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Iran trong thời gian tới./.