THỂ CHẾ HÓA NGHỊ QUYẾT 29 PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON

09/08/2023

Sau 10 năm triển khai thực hiện, tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về giáo dục mầm non đã được thể chế hóa tương đối đầy đủ, góp phần đem lại những thành tựu rất đáng ghi nhận.

CHỦ NHIỆM ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC NGUYỄN ĐẮC VINH CHỦ TRÌ BUỔI GẶP GỠ TRẺ EM THAM DỰ DIỄN ĐÀN TRẺ EM QUỐC GIA LẦN THỨ VII 2023

Đây là một trong những nội dung đánh giá tại Hội nghị chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giáo dục mầm non do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức chiều 08/8, tại Hải Dương.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì hội nghị

Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” đặt ra một số mục tiêu cơ bản, riêng cho giáo dục mầm non (GDMN): Giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1; Hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015; Từng bước chuẩn hóa hệ thống các trường mầm non; Phát triển GDMN dưới 5 tuổi có chất lượng phù hợp với điều kiện của từng địa phương và cơ sở giáo dục.

Thực hiện Nghị quyết 29, năm 2019, Quốc hội sửa đổi Luật Giáo dục, trong đó quy định chính sách nhà nước cho GDMN, nhấn mạnh vai trò nhà nước trong đầu tư cho GDMN vùng khó khăn, quan tâm địa bàn có khu công nghiệp và chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển GDMN; giữ quy định Luật Giáo dục 2009 về việc thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Đây được đánh giá là những chính sách đặc biệt quan trọng tạo nên chuyển biến mạnh mẽ đối với sự phát triển GDMN.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh khẳng định, việc thể chế hóa Nghị quyết 29 thành các chính sách, chuẩn, quy chuẩn đã được thực hiện tích cực, đồng bộ và bám sát thực tiễn

Luật Giáo dục cũng đã sửa đổi nhiều nội dung quan trọng giải quyết được những vấn đề cốt yếu của đổi mới giáo dục mầm non như: Hoàn thiện hệ thống GDMN, quy định loại hình cơ sở GDMN khác (nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập); sửa đổi, bổ sung Chương trình GDMN; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; đổi mới quản lý giáo dục; trong đó có GDMN.

Trong giai đoạn 2011 - 2023, Chính phủ đã ban hành 12 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 15 quyết định, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 16 thông tư liên quan đến GDMN, trong đó Chính phủ ban hành các đề án khá quan trọng cho GDMN.

Qua giám sát, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận thấy, về cơ bản, các văn bản pháp luật của Chính phủ, bộ, ngành ban hành đã tạo hành lang pháp lý góp phần thực hiện được mục tiêu phát triển GDMN; trong đó đặc biệt chú ý đến đối tượng trẻ em và giáo viên mầm non vùng khó khăn, và vùng dân tộc thiểu số. Các chính sách thúc đẩy mở rộng mạng lưới cơ sở GDMN; chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết 29.

Nhiều đại biểu đề nghị nghiên cứu có chính sách cho GDMN vùng khó khăn, cho trẻ em yếu thế

Các văn bản pháp luật do Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đã phân định rõ công tác quản lý nhà nước với quản trị của cơ sở giáo dục. Công tác thanh tra giáo dục được đổi mới, nâng cao tính chuyên nghiệp. Đẩy mạnh triển khai chính phủ điện tử, hiện nay 100% cơ sở GDMN đã được kết nối Internet, 80% trường học đã dùng phần mềm quản trị trường học.

Thực hiện đổi mới giáo dục mầm non theo tinh thần Nghị quyết 29, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Chương trình GDMN. Chỉ đạo các các cơ sở GDMN đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, chú trọng vận dụng kiến thức, kỹ năng, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực vào việc tổ chức hoạt động giáo dục theo quan điểm “Lấy trẻ làm trung tâm”.

Theo Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Tuyết Nga, về cơ bản, các văn bản pháp luật của Chính phủ, bộ, ngành ban hành đã tạo hành lang pháp lý góp phần thực hiện được mục tiêu phát triển GDMN

Kết quả là toàn quốc đã hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2017, “tuy chậm 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết số 29 nhưng đã thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ và các địa phương và ngành giáo dục”, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Tuyết Nga nhấn mạnh.

PGS. TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục mầm non, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam dẫn chứng thêm về thành công của GDMN: Tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường tăng mạnh, đến 2020 vượt mục tiêu của Chiến lược về tỷ lệ trẻ mẫu giáo đến trường. Không có cách biệt về giới và dân tộc đáng kể. Tỷ lệ bé trai đi học mầm non đạt 53% (2019 - 2020) gần tương đồng với tỷ lệ bé trai trong nhóm dân số cùng độ tuổi, tỷ lệ trẻ mầm non dân tộc thiểu số đi học cao hơn tỷ lệ người dân tộc thiểu số/dân số Việt Nam.

Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng được cải thiện, cơ bản bảo đảm quyền học tập và vui chơi của trẻ em, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các độ tuổi giảm; công tác y tế học đường được quan tâm. Các cơ sở GDMN ngoài công lập chất lượng cao đã ứng dụng chương trình, phương pháp giáo dục tiên tiến, điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, tạo sự cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng giáo dục trẻ ở các trường mầm non công lập.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương thực hiện hiệu quả nguồn kinh phí từ các Chương trình MTQG để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phát triển giáo dục mầm non

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, trẻ em đi học ở cơ sở GDMN ngoài công lập chiếm tỷ lệ thấp và có xu hướng giảm. Tỷ lệ huy động trẻ mầm non đi học (ngoại trừ nhóm trẻ 5 tuổi) vẫn còn thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra. Thấp nhất là nhóm trẻ dưới 36 tháng được tiếp cận với cơ sở GDMN, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số, trong khi không có dịch vụ GDMN có chất lượng ở gia đình và cộng đồng. “Nhóm trẻ mầm non có nhu cầu giáo dục đặc biệt có tỷ lệ đi học mầm non thấp và chưa được công bằng”, PGS. TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh thông tin.

Về mặt chính sách, các chuyên gia đánh giá, chính sách tài chính thiếu và chưa đủ mạnh; chính sách phát triển GDMN ngoài công lập chưa hiệu quả. chính sách khuyến khích tự chủ ở các cơ sở GDMN công lập chưa thực tế; chính sách phát triển đội ngũ còn bất cập...

Các đại biểu cho rằng, thời gian tới, cần nghiên cứu sâu các đặc thù GDMN; đánh giá cụ thể điều kiện thực tiễn của nước ta để có cách tiếp cận đúng GDMN và đề ra giải pháp đúng, chính sách phù hợp, khả thi. Hoàn thiện chính sách pháp luật GDMN, Đặc biệt quan tâm hoàn thiện các chính sách cho đội ngũ nhà giáo, đẩy mạnh xã hội hóa; chính sách cho các nhóm trẻ độc lập tự thục; chính sách cho GDMN vùng khó khăn, cho trẻ em yếu thế. Đổi mới giáo dục mầm non phải theo hướng bảo đảm “chất lượng, công bằng và hòa nhập”...

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)