NGHIÊN CỨU CÁCH TÍNH GIÁ ĐIỆN HỢP LÝ ĐỂ VỪA ĐẢM BẢO AN NINH NĂNG LƯỢNG NHƯNG VẪN THÚC ĐẨY DOANH NGHIỆP PHÁT TRIỂN

08/08/2023

Các chuyên gia, đại diện EVN mong muốn các Bộ ngành, cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ lưỡng tính giá điện một cách hợp lý để vừa đảm bảo an ninh năng lượng, không tác động lớn đến cuộc sống của người dân nhưng vẫn thúc đẩy doanh nghiệp phát triển trong khi nguồn tài nguyên là thủy điện, nhiệt điện than không còn nhiều.

PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: CẦN NGHIÊN CỨU MÔ HÌNH PHÙ HỢP CỦA EVN VÀ CÓ SỰ ĐIỀU TIẾT VỀ GIÁ ĐIỆN

ĐBQH TẠ ĐÌNH THI: CẦN LÀM RÕ ĐẤU THẦU LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ TRÊN CƠ SỞ GIÁ ĐIỆN VÀ CÁC TIÊU CHÍ KHÁC

Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội ngày một gia tăng. Điều này cũng chính là thách thức rất lớn cho ngành điện trong bối cảnh nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước như than đá, dầu khí… đang cạn kiệt không đủ đáp ứng cho nhu cầu trong nước. Do vậy, việc phát triển năng lượng tái tạo đang là xu thế chung của thế giới và Việt Nam.

Nghiên cứu cách tính giá điện một cách hợp lý để vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhưng không tác động lớn đến cuộc sống của người dân là bài toán cần được nghiên cứu kỹ lưỡng (ảnh minh họa).

Mặc dù năng lượng tái tạo mang lại nhiều lợi ích, góp phần tích cực giảm thiểu tác động đến môi trường, biến đổi khí hậu; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng; phát triển kinh tế - xã hội đất nước; giải quyết việc làm; nâng cao trình độ cho người lao động trong nước nhưng phát triển năng lượng tái tạo hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, tài chính và kỹ thuật.

Để tháo gỡ các vấn đề trên, theo nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ từ các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là cần nghiên cứu kỹ lưỡng việc thực hiện chính sách giá điện bảo đảm tính đúng, tính đủ và cơ chế giá điện phù hợp…

Điều tiết phát điện, cách tính giá điện cần quan tâm đến hiệu quả kinh tế

PGS.TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam nêu quan điểm: Giá bán điện lâu nay chưa được điều tiết theo cơ chế thị trường, thường là giá cố định do Chính phủ quyết định, được thực hiện trong một hoặc vài năm, gần như không được điều chỉnh khi có biến động lớn về giá nhiên liệu như trong thời gian vừa qua. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia khác, họ điều chỉnh thường xuyên, kịp thời và thậm chí theo từng vùng.

PGS.TS Trương Duy Nghĩa cho rằng, giá bán điện có ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế và đời sống của đất nước, càng ổn định giá càng tốt, nhưng khi có biến động lớn thì cũng cần có điều chỉnh kip thời, đặc biệt không thể để tồn tại lâu tình trạng giá mua cao hơn giá bán, doanh nghiệp thực hiện chức năng mua và bán bị lỗ, cho dù đó là doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp cũng phải có tích lũy để tái đầu tư. Cho đến nay hầu như việc xây dựng mới các nhà máy điện đều phải dựa vào vốn vay nước ngoài. Để đối diện với khó khăn thì chúng ta đã tính đến việc chào bán điện cạnh tranh.

PGS.TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam.

Tuy việc điều tiết có căn cứ vào chào giá bán điện cạnh tranh, song hiệu quả chưa là bao, chủ yếu việc điều tiết là để bảo đảm an ninh năng lượng. Nước ta có địa hình rất dài, đường dây 500 KV dài trên 1500 km, tổn thất trên đường dây rất lớn. Nếu tổn thất trên đường dây tăng thêm 1% thì chi phí nhiên liệu tăng thêm 3-3,5 % đối với nhiệt điện than, 2-2,5 % đối với nhiệt điện khí. Trong những điều kiện địa hình đất nước như vậy, các nước thường tổ chức thành các mạng điện khu vực. Tại mỗi mạng điện khu vực sẽ thực hiện việc cân đối hoàn toàn giữa sản xuất và tiêu thụ điện. Việc định giá mua bán điện cũng được thực hiện trong phạm vi mạng điện khu vực. Khi ấy đường dây 500 KV chỉ là đường dây liên lạc và chỉ thực hiện chuyên tải điện năng khi cần cấp cứu mạng điện khu vực.

Khi cần điều tiết điện năng từ Nam ra Bắc hay ngược lại thì cần xét đến tổn thất điện năng trên đường dây. Đây là điều rất khó đối với cơ quan điều độ, song vẫn có thể thực hiện được nếu có sẵn các barem tính tổn thất điện năng trên đường dây.

Các nước đi đầu trong việc chống nhiệt điện than là các nước Tây Âu, là những nước mà các nguồn năng lượng sơ cấp như thủy năng, nhiên liệu đều không có nhiều, hầu hết phải nhập khẩu, lại là những nước rất giàu, có thể chấp nhận giá mua và bán điện với giá rất cao. Họ muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào các nước có nhiều nhiên liệu, chuyển sang đốt hydro và amoniac, là loại chất đốt có thể cho giá thành sản xuất điện cao hơn các loại nhiên liệu truyền thống.

Nhiệt điện than của Trung Quốc chiếm 2/3 tổng sản lượng điện quốc gia và riêng nhiệt điện than của Trung Quốc  chiếm 1/6 tổng sản lượng của thế giới, nhiều hơn tổng sản lượng điện của nước Mỹ, phát thải trên 31% lượng khí CO2 của thế giới, cũng tuyên bố sẽ giảm nhiệt điện than nhưng thực tế có lẽ không phải như vậy vì riêng năm 2022 Trung quốc đã xây dựng 82 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 86 triệu KW, bằng công suất của 36 nhà máy Thủy điện Sơn la (công suất 2,4 triệu KW, hiện là nhà máy thủy điện công suất lớn nhất Đông Nam Á).

Theo PGS.TS Trương Duy Nghĩa, ở Việt Nam sau thủy điện, nhiệt điện than cho giá thành điện thấp nhất, đáp ứng được nhu cầu sản lượng điện lớn, là nhà máy chạy nền của hệ thống. Giá điện ở Việt Nam thuộc loại thấp nhất của thế giới. Sau điều chỉnh tăng 3% vừa qua, giá điện mới có 9 cent /KWh, trong khi giá bình quân của thế giới là 17 cent/KWh, của Philipines là 17,5, Singapore là 23,8, Mỹ là 18, Anh là 47,9, Đức là 53, Đan mạch là 57,1.

Trung Quốc có nhiều điện than và thủy điện nên giá bán điện cũng thấp như Việt Nam. Việt Nam là nước đang phát triển, giá điện tăng cao sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế. Vì vậy, Việt Nam muốn có giá điện thấp, trong khi thủy điện hầu như đã khai thác hết các nguồn thủy năng thì chỉ có thể xây dựng nhiệt điện than và đẩy mạnh điện tái tạo với giá điện khoảng 5-6 cent/KWh, phát triển vừa phải điện khí để bù đắp thiếu hụt khi không phát được điện tái tạo và đáp ứng cung cấp điện cấp bách. Bên cạnh đó là sử dụng tối đa nguồn khí nội địa, hạn chế nguồn khí LNG nhập khẩu.

Lượng phát thải CO2 ở Việt Nam còn rất nhỏ (dưới  0,8%), nghĩa là còn dưới hạn ngạch, chi phí xử lý môi trường cho các nhiệt điện than ở Việt Nam chiếm tới 10% tổng chi phí đầu tư (khoảng 200 triệu USD cho một nhà máy 1.200 MW), nghĩa là đã được xử lý triệt để các phát thải độc hại ra môi trường, đạt các yêu cầu quốc tế về xử lý môi trường. Nếu thực hiện được như vậy thì mới có thể giảm giá thành sản xuất điện và đáp ứng yêu cầu giảm giá bán điện.

Ông Nguyễn Đình Phước - Trưởng Ban Tài chính Kế toán (Tập đoàn EVN).

Đứng ở góc độ là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)- tập đoàn kinh tế hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam và khu vực, đóng vai trò chủ đạo trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ông Nguyễn Đình Phước - Trưởng Ban Tài chính Kế toán đề nghị xem xét điều chỉnh giá điện kịp thời với sự biến động của giá các loại nhiên liệu (than, khí) để ngành điện có thể cân đối tài chính, đảm bảo cung cấp điện, thu hút đầu tư.

Theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, giá điện được điều chỉnh khi có sự biến động của giá nhiên liệu (than, khí). Giá khí do cơ quan nhà nước quy định, biến động theo giá dầu HFSO, Brent thế giới. Giá than biến động theo thị trường than nhập. Tuy nhiên, giá điện hiện nay chưa được điều chỉnh đầy đủ và kịp thời (thực tế qua năm 2022 không được điều chỉnh giá điện và năm 2023 chỉ được điều chỉnh ở mức tối thiểu).

Trường hợp nếu giá điện không điều chỉnh kịp thời trong khi giá các nhiên liệu đầu vào than, khí vẫn neo ở mức cao hoặc tăng lên thì EVN sẽ gặp rất nhiều khó khăn về tình hình tài chính, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an ninh năng lượng. Do đó, đề nghị Nhà nước, Chính phủ xem xét các chính sách hỗ trợ miễn giảm các khoản thuế, phí; chỉ đạo các nhà cung cấp giảm giá than, khí.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đình Phước, việc đưa điện lưới quốc gia về các vùng nông thôn, bản, làng vùng cao, vùng sâu, vùng hải đảo xa xôi là hành trình đầy gian nan, vất vả. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, được Đảng, Nhà nước giao phó, những năm qua, EVN luôn nâng cao trách nhiệm, nỗ lực thực hiện thành công nhiều dự án đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo. Vì vậy đề nghị cần xem xét việc tách bạch chi phí hoạt động công ích và chi phí sản xuất kinh doanh để làm căn cứ đánh giá hiệu quả hoạt động của EVN.

Với những quan điểm, ý kiến đóng góp, đề xuất như trên, các chuyên gia, đại diện EVN mong muốn các Bộ ngành, cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ lưỡng về cách tính giá điện một cách hợp lý. Việc làm này hết sức cần thiết nhằm vừa đảm bảo an ninh năng lượng, cung cấp đủ điện, không tác động lớn đến cuộc sống của người dân nhưng cũng vừa thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong khi nguồn tài nguyên là thủy điện, nhiệt điện than không còn nhiều./.

Bích Lan