ĐBQH TẠ ĐÌNH THI: CẦN LÀM RÕ ĐẤU THẦU LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ TRÊN CƠ SỞ GIÁ ĐIỆN VÀ CÁC TIÊU CHÍ KHÁC

15/11/2022

Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng, trong dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần làm rõ việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện điện gió ngoài khơi sau khảo sát; có tổ chức đấu giá hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở giá điện và một số tiêu chí khác về kinh tế - xã hội, môi trường hay không?

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI)

Sáng ngày 15/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Đại biểu Tạ Đình Thi thành sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước.

Dự thảo Luật đã được xây dựng trên cơ sở 05 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua trong đề nghị xây dựng Luật. Trong đó, có những quy định nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục và xóa bỏ các khâu trung gian phê duyệt trong quá trình đấu thầu; nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động đấu thầu, khắc phục tình trạng gian lận, tiêu cực, tham nhũng; xử lý những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và áp dụng ưu đãi cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hàng hóa sản xuất trong nước, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ…


Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Đại biểu Tạ Đình Thi cũng tán thành việc bổ sung hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất và dự án đầu tư phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành vào phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu. Việc bổ sung quy định này sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, khắc phục được khoảng trống pháp luật hiện nay trong lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật chuyên ngành, trong đó có lĩnh vực năng lượng. Để góp phần hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật về vấn đề này, đại biểu Tạ Đình Thi tham gia một số ý kiến sau:

Một là, dự thảo Luật đã lược bỏ quy định của Luật Đầu tư về thủ tục đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư và thủ tục chấp thuận nhà đầu tư trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng sơ bộ yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm. Quy định như vậy sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư, bảo đảm tính thống nhất trong quy định về lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị Chính phủ đánh giá thêm tác động của việc lược bỏ quy định nêu trên tại Luật Đầu tư, trong đó cần rà soát toàn diện quy định của pháp luật đầu tư, đấu thầu và pháp luật có liên quan, đồng thời đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung (nếu có) để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa pháp luật về đầu tư và pháp luật về đấu thầu.

Hai là, đối với dự án đầu tư phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện các quy định tại dự thảo Luật để phù hợp với điều kiện, yêu cầu quản lý nhà nước đối với từng ngành, lĩnh vực, bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.


Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội.

Đối với lĩnh vực năng lượng, như chúng ta đều biết phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, trong đó có điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác là một trong 6 ngành kinh tế biển được ưu tiên theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ở đây, đại biểu Tạ Đình Thi đặc biệt nhấn mạnh đến các dự án điện gió ngoài khơi.

Theo các chuyên gia, Việt Nam có một nguồn tài nguyên điện gió ngoài khơi dồi dào, nằm gần các trung tâm đông dân cư và trong khu vực biển tương đối nông. Điện gió ngoài khơi có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng bền vững nhu cầu điện đang gia tăng nhanh chóng của Việt Nam và có tiềm năng cung cấp 12% điện năng của Việt Nam vào năm 2035, tạo ra hàng nghìn việc làm có tay nghề cao và xuất khẩu sang các thị trường điện gió ngoài khơi khác trên toàn cầu.

Tuy vậy, đây là lĩnh vực mà Việt Nam chưa có kinh nghiệm phát triển do tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ, quy mô đầu tư lớn, quy trình, thủ tục đầu tư cũng khác biệt so với các loại công trình điện khác. Theo dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) do Bộ Công Thương đã trình Chính phủ thì đến năm 2030, tổng công suất phát điện cho điện gió ngoài khơi khoảng 7 GW, nhưng theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 31/8/2022, Bộ đã nhận được 55 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi, trong đó có 06 đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài (10,9%); có 13 đề xuất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (23,6%); có 36 đề xuất của nhà đầu tư trong nước (65,5%) và tổng công suất đề xuất là trên 100 GW, đề xuất có công suất nhỏ nhất là 0,5 GW, đề xuất có công suất lớn nhất là 6,0 GW.

Tổng diện tích đề xuất khảo sát trên biển xấp xỉ 30.000 km2; một số đề xuất có diện tích khảo sát lên tới trên 3.000 km2. Ngoài ra, theo thống kê từ các địa phương có biển, có khoảng 40 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi (100% là của nhà đầu tư trong nước, có phạm vi vùng biển từ 06 hải lý trở vào) thuộc thẩm quyền thẩm định, chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật chưa có quy định về hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trong lĩnh vực này, cụ thể là chưa làm rõ có tổ chức đấu giá hay đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để giao khu vực biển, phục vụ cho việc nghiên cứu, khảo sát hay không? Việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện điện gió ngoài khơi sau khảo sát được thực hiện như thế nào, có tổ chức đấu giá hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở giá điện và một số tiêu chí khác về kinh tế - xã hội – môi trường hay không? Đó là những nội dung cần nghiên cứu làm rõ trong dự án Luật này hay trong các luật khác liên quan để vừa tạo được môi trường đầu tư minh bạch đối với lĩnh vực này, vừa thúc đẩy thực hiện cam kết tại COP26 một cách hiệu quả.

Mục 2 Chương VI của Dự thảo Luật đã bổ sung quy trình lựa chọn nhà đầu tư, phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá trong lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung các quy định riêng về quy trình, thủ tục đầu tư, phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá áp dụng đối với lĩnh vực điện gió ngoài khơi, bảo đảm tháo gỡ được các rào cản để phát triển lĩnh vực năng lượng đầy tiềm năng này./.

Bích Lan