HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI TIẾP TỤC THỂ HIỆN TINH THẦN ĐỔI MỚI, VÌ LỢI ÍCH NHÂN DÂN

07/08/2023

Cùng với quá trình đổi mới trong hoạt động của Quốc hội nói chung, hoạt động giám sát của Quốc hội nói riêng tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước.

LAN TỎA TINH THẦN ĐỔI MỚI TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI TỚI HĐND CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII 

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định “việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội nêu rõ yêu cầu đổi mới: “Hoạt động giám sát tối cao nói riêng và tổng thể hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung cần bám sát các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong Nghị quyết, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là về các vấn đề lớn, được quan tâm như mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế, việc thực hiện các dự án quan trọng quốc  gia, cải cách hành chính, sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, các vấn đề về văn hóa, an sinh xã hội, hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Hoạt động giám sát của Quốc hội vừa phải bám sát, đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội, tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của Nhân dân và cử tri, đồng thời phải gắn với công tác lập pháp, cung cấp thông tin thực tiễn để hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, các nhân trong thực hiện quy định của pháp luật, tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát”.

Quốc hội khóa XV

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của các nhiệm kỳ Quốc hội  trước, quán triệt sâu sắc Cương lĩnh, quan điểm, đường lối của Đảng, trước yêu cầu nhiệm vụ phát triển đất nước thời kỳ mới, Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao.

Thông qua giám sát, Quốc hội đã kịp thời phát hiện và có các kiến nghị nhằm điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật; phát huy tính tích cực, giảm thiểu những hệ lụy nảy sinh từ chính sách; chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm, thúc đẩy các cơ quan hữu quan thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luât. Nội dung giám sát đã tập trung vào nhiều vấn đề bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực từ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đến văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, quốc phòng an ninh, đối ngoại, hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát có tác động tích cực đến hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và toàn bộ hoạt động của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn trật tự kỷ cương của đất nước. Việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện hiệu quả, có ý nghĩa quan trọng đối với việc kiểm soát quyền lực nhà nước trong hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và 4 Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Hình thức chất vấn và trả lời chất vấn có nhiều đổi mới, hoàn thiện theo hướng “hỏi nhanh – đáp gọn”; tăng thời gian dành cho hoạt động chất vấn. Từ năm 1994, Quốc hội đã công khai các phiên chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội để Nhân dân biết và theo dõi, đánh giá thông qua phát thanh và truyền hình trực tiếp. Quốc hội khóa XII lần đầu tiên ban hành nghị quyết về chất vấn và từ đó hoạt động này trở nên thường xuyên sau mỗi phiên chất vấn ở kỳ họp Quốc hội.

Tiếp đó, tại Quốc hội khóa XV, tiếp tục ghi nhận những cải tiến đã được thử nghiệm và phát huy hiệu quả tại các kỳ họp gần đây về phương thức tiến hành phiên chất vấn. Theo đó, việc đặt và trả lời câu hỏi chất vấn được tiến hành theo cách thức hỏi nhanh, đáp gọn: đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi không quá 01 phút; tranh luận mỗi lần không quá 02 phút; người được chất vấn trả lời không quá 03 phút đối với mỗi câu hỏi. Các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành liên quan tham gia giải trình theo điều hành của Chủ tọa để làm rõ hơn những vấn đề chất vấn của đại biểu Quốc hội hoặc trả lời trực tiếp các câu hỏi thuộc nhóm vấn đề chất vấn.

Cũng tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, kết thúc các phiên chất vấn, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều ban hành nghị quyết về hoạt động chất vấn, trong đó đặt ra yêu cầu, giải pháp cụ thể và thời hạn hoàn thành để các cơ quan thực hiện. Đặc biệt, tại phiên họp thứ 9 (tháng 3/2022), lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về hoạt động chất vấn; đây cũng là một trong những đổi mới quan trọng, giúp cho việc giám sát thực hiện lời hứa sau chất vấn được kịp thời, khả thi và có căn cứ.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngay sau đó, Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã triển khai nhiều biện pháp, có nhiều chỉ đạo cụ thể để thực hiện nghị quyết chất vấn cũng như các vấn đề đã hứa tại phiên chất vấn. Kết quả các phiên chất vấn cho thấy tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đối với cử tri và Nhân dân; đồng thời, giúp các đại biểu Quốc hội đánh giá được năng lực thực thi nhiệm vụ của người trả lời chất vấn.

Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục được hoàn thiện và có nhiều đổi mới theo hướng tinh gọn, có chiều sâu, Quốc hội trực tiếp thành lập các đoàn giám sát thay vì ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập như trước đây. Nhiều chuyên đề giám sát đi vào những vấn đề lớn, “nóng” được cử tri đặc biệt quan tâm.

Việc triển khai hoạt động của các Đoàn giám sát chuyên đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao và có nhiều đổi mới như: Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo; xác định cụ thể hơn đối tượng, nội dung giám sát tại Kế hoạch chi tiết trước khi các Đoàn giám sát chuyên đề triển khai hoạt động; Giao Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức giám sát và chịu trách nhiệm bước đầu về kết quả giám sát, tính xác thực của báo cáo tại địa phương; đồng thời, khuyến khích Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức giám sát và có báo cáo kết quả giám sát độc lập gửi đến Đoàn giám sát; Chú trọng đến việc sử dụng tối đa, có hiệu quả các kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Bên cạnh đó, một số Đoàn giám sát đã tổ chức các tổ công tác đến làm việc trước với một số cơ quan chức năng của Bộ, ngành, địa phương để làm rõ một số nội dung thuộc phạm vi giám sát, giúp Đoàn giám sát nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát;

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành, tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” 

Ngoài ra, các Đoàn giám sát còn huy động sự phối hợp tham gia rộng rãi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tổng hợp thông tin về tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân; Các cơ quan truyền thông đã tích cực tham gia và phản ánh kịp thời các hoạt động của Đoàn giám sát đến cử tri, Nhân dân... Việc kết hợp giữa báo cáo với việc trình chiếu các video cũng tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực.

Hoạt động "hậu giám sát" được chú trọng và đẩy mạnh tại các nhiệm kỳ Quốc hội gần đây. Việc xem xét văn bản quy phạm pháp luật cũng được tăng cường, bảo đảm các văn bản pháp luật được ban hành kịp thời, phù hợp với Hiến pháp, luật.

Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri ngày càng được tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên. Ủy ban Thường vụ Quốc hội định kỳ xem xét, thảo luận báo cáo về công tác dân nguyện tại phiên họp hằng tháng, đây là một đổi mới quan trọng được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước đánh giá cao. Thông qua hoạt động này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ban Dân nguyện báo cáo, tham mưu việc giám sát những vụ việc nổi cộm; việc phân loại, xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài ở Trung ương và địa phương; theo dõi, đôn đốc và đánh giá việc trả lời, kiến nghị cử tri của các Bộ, ngành trung ương.

Cùng với giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác dân nguyện, cũng như chỉ đạo, phối hợp giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài.

Hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến rõ rệt, hiệu quả được nâng cao, nhất là trong việc giám sát chuyên đề, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết kiến nghị của cử tri. Hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban được tăng cường, có nhiều đổi mới, đã kịp thời  xem xét, giải quyết những vấn đề nổi cộm của xã hội, đáp ứng yêu cầu của Nhân dân và cử tri,…

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.

Các phiên giải trình tạo cơ hội đối thoại trực tiếp giữa các đại biểu Quốc hội với các cơ quan quản lý nhà nước; nhiều câu hỏi, ý kiến phản biện thẳng thắn, chất lượng; góp phần làm rõ những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm. Kết thúc các phiên giải trình, các Ủy ban đã xây dựng báo cáo kết quả để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thông qua hoạt động giải trình, góp phần nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc tổ chức thực thi Hiến pháp, pháp luật và nâng cao tính minh bạch, công khai trong hoạt động của Nhà nước.

Hoạt động giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội được tiến hành chủ động, tích cực và đạt hiệu quả. Mặc dù khối lượng công việc lớn, yêu cầu cao, nguồn nhân lực còn hạn chế, nhưng các Đoàn đại biểu Quốc hội đã triển khai đầy đủ các giám sát chuyên đề theo yêu cầu của các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm tiến độ, chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề. Cùng với đó, các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng đã kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề nóng, bức xúc về kinh tế - xã hội, giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thêm cơ sở để lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn “đúng” và “trúng” tại các kỳ họp, phiên họp.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang làm việc với UBND Tp. Tuyên Quang về thực hiện Nghị quyết số 88/2013/NQ-H13 và Nghị quyết số 51/2017/NQ-QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trong phạm vi địa phương, các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng lựa chọn nhiều nội dung giám sát chuyên đề gắn với tình hình thực tế của địa phương, thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri địa phương; giám sát thông qua hoạt động tiếp công dân, theo dõi giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Tích cực phối hợp với Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố để thực hiện nhiệm vụ giám sát bảo đảm khách quan, toàn diện, đúng chức năng. 

Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu thực tế, tích cực tham gia hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; chủ động tiếp xúc cử tri, nắm bắt thông tin, tích cực theo dõi, giám sát việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ; định kỳ tổ chức tiếp công dân, xử lý, đôn đốc và theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; chủ động chất vấn tại các phiên họp thể hiện tinh thần trách nhiệm, phản ánh được tình hình thực tiễn, tâm tư nguyện vọng của cử tri và Nhân dân./.

Lê Anh