HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI (PHẦN 3): THẨM QUYỀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI

28/07/2023

Tiếp tục nội dung giới thiệu về hoạt động Giám sát của Quốc hội, trong phần 3, Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu khái quát về thẩm quyền giám sát của Quốc hội và vai trò, trách nhiệm của ĐBQH trong hoạt động giám sát.

HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI (PHẦN 1): GIÁM SÁT TỐI CAO

HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI (PHẦN 2): GIÁM SÁT CỦA UBTVQH, HỘI ĐỒNG DÂN TỘC, CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI, ĐOÀN ĐBQH VÀ ĐBQH

THẨM QUYỀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI

Về thẩm quyền giám sát, theo quy định của pháp luật hiện hành, Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH giám sát các việc sau đây:

a) Quốc hội giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; GS tối cao hoạt động của Chủ tịch nước, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Hội đồng Bầu cử quốc gia, kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập.

Giám sát tối cao văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước; giám sát tối cao nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH hoặc Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao;

b) UBTVQH giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước; giám sát nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; giúp Quốc hội tổ chức thực hiện quyền giám sát tối cao theo sự phân công của Quốc hội;

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” chủ trì buổi làm việc với với Chính phủ.

c) Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH; giám sát hoạt động của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước; giám sát nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao thuộc lĩnh vực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban phụ trách; giúp Quốc hội, UBTVQH thực hiện quyền giám sát theo sự phân công của Quốc hội, UBTVQH;

d) Đoàn ĐBQH tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn và tổ chức để ĐBQH trong Đoàn thực hiện nhiệm vụ giám sát tại địa phương; tham gia giám sát với Đoàn Giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tại địa phương;

đ) ĐBQH chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước; trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát văn bản quy phạm pháp luật, việc thi hành pháp luật; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; tham gia Đoàn Giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tại các bộ, ngành, địa phương khi có yêu cầu.

Ngoài ra, khi xét thấy cần thiết, Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tiến hành giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

ĐBQH TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT

Khi tham gia thực hiện chức năng giám sát, ĐBQH có thể tự mình tiến hành một số hoạt động giám sát hoặc cũng có thể tham gia thực hiện giám sát chung của Quốc hội.

Trong quá trình thực hiện các hoạt động giám sát, ĐBQH phải tuân thủ nghiêm túc những nguyên tắc của hoạt động này, bao gồm: “Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; Bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả; Không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự GS”.

Bên cạnh đó, “ĐBQH phải chịu trách nhiệm về quyết định, yêu cầu, kiến nghị giám sát; chịu trách nhiệm và báo cáo về hoạt động giám sát của mình trước cử tri tại địa phương thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri”.

Trọng Quỳnh