Giám sát là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Cùng với chức năng lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát là một trong ba chức năng cơ bản của Quốc hội nước ta. Chất lượng của hoạt động giám sát có tác động lớn đến chất lượng của hoạt động lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Hoạt động giám sát của Quốc hội không chỉ nhằm mục đích đưa pháp luật vào cuộc sống, bảo đảm cho luật pháp được thi hành nghiêm và thống nhất mà còn đề cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, tại các kỳ họp, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước theo các phương thức như xem xét báo cáo công tác, chất vấn, giám sát văn bản, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra... Giám sát của Quốc hội là các hoạt động bao gồm giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và các ĐBQH.
Hoạt động giám sát của Quốc hội.
Trong phần 1 của loạt bài, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu về hoạt động Giám sát tối cao của Quốc hội.
Theo đó, Giám sát tối cao là hoạt động được tiến hành tại kỳ họp Quốc hội với sự tham gia của toàn thể ĐBQH nhằm “theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý”.
Theo Điều 69 của Hiến pháp năm 2013, Quốc hội có quyền “giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội đã quy định cụ thể trong Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015.
Giám sát tối cao của Quốc hội được thể hiện qua một số nội dung sau:
Về chủ thể thực hiện quyền giám sát: Chủ thể duy nhất thực hiện quyền giám sát tối cao là Quốc hội. Quốc hội ở đây được hiểu là toàn thể các ĐBQH tại các kỳ họp Quốc hội.
Về đối tượng giám sát: Đối tượng chịu sự giám sát tối cao của Quốc hội là các cơ quan và cá nhân do Quốc hội thành lập, bầu hoặc phê chuẩn, bao gồm: Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập.
Về nội dung giám sát tối cao: Về cơ bản, nội dung giám sát tối cao của Quốc hội bao gồm:
- Giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội;
- Giám sát tối cao hoạt động của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập;
- Quốc hội còn tiến hành giám sát tối cao Văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước; giám sát tối cao nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao.
Về hình thức giám sát: Quốc hội giám sát tối cao thông qua các hoạt động sau:
1. Xem xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan khác do Quốc hội thành lập và các báo cáo khác như: báo cáo hằng năm, báo cáo công tác nhiệm kỳ của các cơ quan do Quốc hội thành lập; báo cáo của Chính phủ về Kinh tế - xã hội, về việc thực hiện ngân sách nhà nước, về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội…; báo cáo về việc thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực và báo cáo khác theo nghị quyết của Quốc hội hoặc theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
2. Xem xét văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội;
3. Xem xét việc trả lời chất vấn của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước;
4. Xem xét Báo cáo giám sát chuyên đề;
5. Xem xét Báo cáo của Ủy ban lâm thời do Quốc hội thành lập để điều tra về một vấn đề nhất định;
6. Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;
7. Xem xét Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH.
(còn tiếp)