DIỄN ĐÀN NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2023: HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN
TS. Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: Diễn đàn cần quan tâm đến lao động phi chính thức
Theo tôi được biết, đây là lần đầu tiên diễn đàn được tổ chức với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội và khoảng 500 đại biểu đại diện cho công nhân, người lao động cả nước tham dự.
Việc tổ chức diễn đàn có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt về mặt hoạch định chính sách, hoàn thiện thể chế cho người lao động. Người lao động cũng có cơ hội phản ánh thực tiễn thi hành các luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của họ cũng như đóng góp ý kiến trong tiến trình sửa đổi các luật này.
TS. Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Cá nhân tôi mong muốn diễn đàn tập trung làm rõ bức tranh toàn cảnh về tình hình việc làm, thu nhập - hai vấn đề người lao động quan tâm nhất; về mối quan hệ giữa người sử dụng lao động với lao động. Từ đó, xây dựng kế hoạch bảo vệ người lao động thiết thực.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong tương lai sẽ có những tổ chức đại diện của người lao động không nằm trong Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Điều này đặt ra bài toán Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phải tiếp tục cải cách hiệu quả quản lý, hoạt động. Việc cải thiện chất lượng cán bộ, công chức trong các tổ chức công đoàn cơ sở cũng cần được đặt ra.
Đặc biệt, trong khu vực người lao động có lao động chính thức và không chính thức. Diễn đàn cần đề cập, quan tâm hơn đến lực lượng lao động không chính thức - nhóm dễ bị tổn thương, khó tiếp cận với các chính sách của Nhà nước, yếu thế trong thỏa thuận tiền lương, không được hưởng các chế độ phúc lợi và không được bảo đảm đầy đủ các điều kiện lao động. Mong rằng những thảo luận tại Diễn đàn sẽ góp phần xây dựng các chính sách thiết thực, giúp duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Bà Nguyễn Thị Thủy Tiên, Bộ phận Nghiên cứu tổ chức sản xuất Công ty TNHH S&D Quảng Bình: Trông đợi những chính sách giúp nâng cao thu nhập, đời sống
Là doanh nghiệp may mặc chuyên xuất khẩu sang châu Âu, S&D Quảng Bình đang phải xoay xở với tình trạng thị trường thu hẹp, đơn hàng sụt giảm. Ngoài ra, chi phí nguyên liệu không ổn định, điện tăng giá, khó tiếp cận tín dụng càng khiến doanh nghiệp khó khăn.
Do công ty phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động là việc khó tránh. Kéo theo đó, thu nhập của đại bộ phận công nhân, người lao động sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, công nhân có nhu cầu cao về nhà ở xã hội nhưng đến nay cung không đáp ứng được cầu…
Bà Nguyễn Thị Thủy Tiên, Bộ phận Nghiên cứu tổ chức sản xuất Công ty TNHH S&D Quảng Bình.
Trong bối cảnh như vậy chúng tôi trông đợi rất nhiều ở Diễn đàn này. Thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, người lao động cũng có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ với các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, Diễn đàn này là cơ hội để đại diện công nhân và người lao động trực tiếp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là những khó khăn hiện nay cũng như đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Quốc hội về chính sách, pháp luật liên quan đang được sửa đổi. Chẳng hạn vấn đề rút bảo hiểm một lần khi sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội chúng tôi hết sức quan tâm.
Có lẽ, người lao động nói chung và cá nhân tôi nói riêng đều hy vọng các ý kiến tại Diễn đàn sẽ góp phần xây dựng các chính sách thiết thực, giúp nâng cao thu nhập, đời sống và cải thiện điều kiện làm việc của người lao động. Xét đến cùng, điều chúng tôi quan tâm nhất hiện nay là có việc làm và thu nhập ổn định. Tiếp đến là các chính sách phát triển nhà ở, nơi vui chơi, giải trí, trường học cho con em chúng tôi cũng như hoàn thiện chính sách về bảo hiểm xã hội, phúc lợi. Tôi cũng mong rằng kết quả của Diễn đàn sẽ có sức lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực đối với công nhân và người lao động, từ đó tạo động lực để chúng tôi tiếp tục làm việc và cống hiến cho công ty, cho đất nước.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước: Người lao động có thể nói hết trăn trở, khó khăn của mình
Người lao động là cốt lõi của sự phát triển, là tài sản mà doanh nghiệp phải bảo vệ. Với lực lượng quan trọng này, Quốc hội và Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ thiết thực để tháo gỡ khó khăn; tuy nhiên, việc triển khai vẫn chưa được như mong đợi.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước.
Khó khăn hiện hữu là tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Công nhân rất cần nhà ở, nhưng bây giờ tại các thành phố lớn muốn mua nhà, dù xa trung tâm, giá cũng tầm 1 tỷ đồng. Đây vẫn là số tiền rất lớn với công nhân. Hơn nữa, nguồn cung của thị trường chỉ mới đáp ứng được 30% nhu cầu. Ngoài ra, phí công đoàn 2% là quá cao, các ngành hàng, doanh nghiệp kiến nghị giảm xuống 1% hoặc miễn đóng. Hoạt động công đoàn dù đã nỗ lực nhưng vẫn chưa thực sự sâu sát, bám sát hỗ trợ công nhân, người lao động.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói rằng, việc tổ chức Diễn đàn này có ý nghĩa quan trọng để lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trực tiếp lắng nghe ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của người lao động và công nhân - đối tượng cử tri hết sức đặc biệt.
Vì vậy, tôi mong rằng tại diễn đàn này, người lao động có thể nói hết những trăn trở, khó khăn của mình và các đại biểu sẽ đề xuất được giải pháp trúng, đúng để giải quyết những khó khăn mà doanh nghiệp cũng như người lao động đang gặp phải. Thời gian qua, Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội đã dành mối quan tâm lớn cho người lao động. Ngay trong Kỳ họp thứ Năm vừa qua, Quốc hội tiếp tục có thêm các chính sách nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Hy vọng tới đây, Quốc hội sẽ có thêm nhiều cuộc gặp gỡ với người lao động trong quá trình xây dựng luật pháp để bảo đảm lợi ích cho lực lượng quan trọng này.