KHẮC PHỤC TỒN TẠI TRONG QUÁ TRÌNH CƠ CẤU LẠI TỔ CHỨC TÍN DỤNG, XỬ LÝ TỔ CHỨC TÍN DỤNG YẾU KÉM

27/07/2023

Dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đã được trình Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua. Đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, dự thảo luật sẽ có những quy định chặt chẽ, để khắc phục tồn tại trong quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng, xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI)

Tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, dự án Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi đã được trình Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, về các quy định nhằm tạo cơ sở thúc đẩy quá trình cơ cấu lại TCTD và xử lý TCTD yếu kém, việc triển khai thực hiện vẫn còn một số vướng mắc bất cập.

Luật các TCTD đã hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý để xử lý TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Luật các TCTD (đã được sửa đổi, bổ sung) đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện cơ cấu lại và xử lý TCTD yếu kém.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Luật các TCTD sửa đổi năm 2017 đã bổ sung Điều 130a quy định về việc áp dụng can thiệp sớm đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong một số trường hợp nhưng chưa được đặt vào kiểm soát đặc biệt. Luật các TCTD có quy định về can thiệp sớm nhưng chưa quy định về các biện pháp hỗ trợ TCTD khắc phục các tồn tại, yếu kém dẫn đến việc áp dụng can thiệp sớm; điều này ảnh hưởng tới hiệu quả của biện pháp can thiệp sớm. Quá trình xử lý vừa qua và kinh nghiệm các nước cho thấy, giai đoạn can thiệp sớm là giai đoạn quan trọng để có các biện pháp xử lý kịp thời, từ sớm từ xa, nâng cao khả năng phục hồi của TCTD có vấn đề.

Theo đó cần xem xét đẩy sớm các phương án phục hồi, sáp nhập, hợp nhất từ giai đoạn kiểm soát đặc biệt lên giai đoạn can thiệp sớm cùng các biện pháp xử lý, hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp để huy động nguồn lực từ nội tại hệ thống TCTD tham gia vào quá trình xử lý, cơ cấu lại TCTD, nâng cao trách nhiệm của cổ đông, người điều hành TCTD, cho phép Bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Hợp tác xã tham gia vào việc áp dụng biện pháp can thiệp sớm.

Quy định về khoản vay đặc biệt tại Luật Các TCTD chưa đề cập đến vấn đề tài sản bảo đảm khi cho vay (không có quy định việc cho vay đặc biệt phải có tài sản bảo đảm nhưng chưa có quy định cụ thể về việc cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm). Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 146d Luật các TCTD và ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, NHNN đã ban hành Thông tư quy định về cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt (hiện nay là Thông tư số 08/2021/TT-NHNN ngày 06/7/2021 và Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư này), trong đó quy định khoản vay đặc biệt của TCTD do NHNN xem xét, quyết định phải có tài sản bảo đảm.

Tuy nhiên, trên thực tế có thể xảy ra trường hợp TCTD có nhu cầu vay đặc biệt nhưng không có hoặc không đủ tài sản bảo đảm theo quy định trong khi đó việc cho vay đặc biệt đối với các trường hợp này là cần thiết để bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Như vậy, cần bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng trong Luật các TCTD về việc cho vay đặc biệt đối với trường hợp có tài sản bảo đảm, trường hợp không có tài sản bảo đảm và thẩm quyền quyết định trong từng trường hợp.

Vấn đề lãi suất cho vay đặc biệt 0% được quy định từ Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều Luật các TCTD năm 2017 trên cơ sở đánh giá tình trạng, điều kiện TCTD tại thời điểm được vay đặc biệt. Tuy nhiên tại Luật năm 2017 quy định lãi suất “cho vay đặc biệt … với lãi suất ưu đãi đến mức 0%” dẫn đến nhiều cách hiểu: cho vay ở mức 0% hay là cho vay với mức lãi suất ưu đãi hơn mức lãi suất cho vay theo quy định của NHNN từng thời kỳ. Bên cạnh đó, đối tượng vay đặc biệt là TCTD trong giai đoạn khó khăn về khả năng thanh khoản, tài chính, cần các biện pháp khác nhau để sớm ổn định, phục hồi hoặc hạn chế tổn thất nghiêm trọng hơn. Trong đó, biện pháp cho vay đặc biệt nhằm mục tiêu chính là bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền, bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội, bên cạnh việc hỗ trợ một phần đối với TCTD vay đặc biệt. Vì vậy, lợi ích của biện pháp cho vay đặc biệt với lãi suất 0% cần được xét trên tổng thể, dài hạn về mặt kinh tế, xã hội, an ninh, an toàn.

Ngoài ra, trong quá trình xử lý TCTD thời gian qua cũng phát sinh khó khăn vướng mắc liên quan đến việc thuê tổ chức kiểm toán độc lập để rà soát, đánh giá thực trạng tài chính và xác định giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của TCTD được kiểm soát đặc biệt; về hình thức tổ chức của TCTD: Điểm a khoản 4 Điều 151d quy định NHTM được kiểm soát đặc biệt sau chuyển giao bắt buộc được thực hiện thủ tục để chuyển đổi hình thức pháp lý (nếu có); đồng thời, điểm a và điểm d khoản 1 Điều 151e quy định bên nhận chuyển giao là TCTD có quyền sở hữu 100% vốn điều lệ của NHTM được chuyển giao bắt buộc, được góp vốn, mua cổ phần tại NHTM chuyển giao bắt buộc theo tỷ lệ quy định tại phương án chuyển giao bắt buộc... Do vậy, để đảm bảo thống nhất giữa các quy định, cần bổ sung quy định để khắc phục khó khăn, vướng mắc.

Minh Hùng