ĐỀ XUẤT CÓ QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH TRONG GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ

25/07/2023

Nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động giám sát, nhiều ĐBQH đề xuất có quy định cụ thể về trách nhiệm giải trình việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề để bảo đảm việc triển khai đồng bộ, thống nhất…

GIÁM SÁT THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43: CẦN ĐỀ XUẤT NHỮNG GIẢI PHÁP KHẢ THI TẬP TRUNG THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI

GIÁM SÁT VỀ NHÀ Ở XÃ HỘI: CẦN ĐỊNH HÌNH RÕ HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG, HẠN CHẾ TỐI ĐA VIỆC TRỤC LỢI

Hoạt động giám sát tối cao là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội nhằm đảm bảo việc thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao hoạt động của Quốc hội.

Toàn cảnh Quốc hội thông qua Chương trình giám sát năm 2024 tại kỳ họp thứ 5.

Với mục tiêu không ngừng đổi mới, nâng cao hoạt động của Quốc hội nên việc đẩy mạnh công tác giám sát của Quốc hội là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XV đã chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, góp phần tạo cơ sở pháp lý và định hướng hoạt động giám sát cho cả nhiệm kỳ. Ngoài ra, Quốc hội khóa XV cũng đã xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát và Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành kết luận về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội và Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp.

Thời gian qua, hoạt động giám sát đã có nhiều đổi mới trong cách thức triển khai, chú trọng lựa chọn vấn đề giám sát, vừa đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội. Các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiều đổi mới và đạt được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động giám sát chuyên đề. Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và năm 2023 đã triển khai thực hiện có hiệu quả với nhiều đổi mới và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực Nhà nước, được Nhân dân và cử tri cả nước đánh giá cao, góp phần đưa hoạt động của Quốc hội ngày càng sát với thực tiễn cuộc sống.

Các đại biểu Quốc hội thông qua Chương trình giám sát năm 2024.

Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu Quốc hội, bên cạnh những kết quả đạt được thì quy định của pháp luật về công tác giám sát của Quốc hội hiện nay vẫn còn một số vấn đề chưa phù hợp, cần được xem xét sửa đổi, bổ sung. Việc triển khai một số hoạt động giám sát có thời điểm, có nội dung chưa hiệu quả, chưa đi đến cùng vấn đề, tính phản biện chưa cao; phương pháp, cách thức thực hiện giám sát còn chưa thống nhất; việc triển khai công tác giúp việc của một số đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện chưa thống nhất, một số kết luận, kiến nghị sau giám sát còn chung chung, thiếu cụ thể, tính khả thi thấp.

Đóng góp ý kiến vào việc triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 nói riêng và giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói chung trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, đại biểu Phạm Đình Thanh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho rằng, hiện nay, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm giải trình việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề. Quy định về việc thành lập Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố theo quy định tại Điều 52 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân thì Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, địa phương có ít đại biểu Quốc hội rất khó thành lập Đoàn giám sát. Những vấn đề này cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung sớm trong thời gian tới.

Đại biểu Phạm Đình Thanh – Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum.

Nhằm đẩy mạnh nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc Hội chỉ đạo đẩy mạnh và thực hiện chặt chẽ hơn hoạt động giám sát việc chấp hành pháp luật về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở cả cấp Trung ương và địa phương. Việc văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng ban hành không đúng trình tự quy định, không phù hợp, thiếu tính khả thi, thậm chí còn sai sót đang là những khó khăn, cản trở lớn cho hoạt động của doanh nghiệp. Đây cũng là cản trở rất lớn liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong thời gian vừa qua. Đề nghị tiếp tục quan tâm giám sát việc thực hiện lời hứa của các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành, các thành viên Chính phủ. Đây là vấn đề mà cử tri và Nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm.

Ngoài ra, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị các cơ quan chuyên môn của Quốc hội cần quan tâm hơn nữa về điều kiện vật chất, nhất là việc bố trí kinh phí để Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương và các vị đại biểu Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, khảo sát của mình theo quy định của pháp luật. Vừa qua kinh phí cấp cho công tác giám sát ở địa phương mới chỉ đảm bảo phục vụ cho các cuộc giám sát theo chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề, giám sát, khảo sát của cá nhân đại biểu Quốc hội hiện nay chưa được quan tâm, bố trí kinh phí phù hợp để phục vụ cho các hoạt động này nên rất mong các cơ quan chuyên môn của Quốc hội quan tâm hơn trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên.

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quy định cụ thể về hoạt động giải trình để bảo đảm việc triển khai đồng bộ, thống nhất và cần nghiên cứu để sửa đổi khoản 1 Điều 52 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Vì quy định tối thiểu phải có 3 đại biểu Quốc hội để thành lập Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội là bất cập, không phù hợp với thực tiễn. Thực tế số lượng đại biểu Quốc hội công tác tại tỉnh là rất ít, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách hoặc kiêm nhiệm ở Trung ương do bận công việc nên ít có điều kiện để tham gia hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội. Do đó, khi đồng thời triển khai nhiều nội dung giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ gặp khó khăn trong việc thành lập đoàn cũng như rất khó khăn để bảo đảm chất lượng giám sát theo yêu cầu đề ra.

Theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng, trong quá trình triển khai chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phân bổ thời gian triển khai phù hợp trong năm giữa các cuộc giám sát, tránh tập trung các cuộc giám sát vào những tháng đầu năm, tạo điều kiện để các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các địa phương có thời gian để chuẩn bị triển khai giám sát bảo đảm chất lượng./.

Bích Lan