TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU KIẾN NGHỊ ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI BỐ TRÍ VỐN ĐẦU TƯ CHO DỰ ÁN ĐIỆN LƯỚI CÔN ĐẢO
PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI CHỦ TRÌ CUỘC HỌP GIỮA ĐOÀN GIÁM SÁT VỚI BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG
Sáng 25/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát với Công ty Xăng dầu Khu vực II , Tp.HCM. Cùng dự có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát.
Chủ tịch HĐQT Công ty Xăng dầu Khu vực II Võ Văn Tân báo cáo với Đoàn giám sát về tình hình hoạt động của Công ty.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Chủ tịch HĐQT Công ty Xăng dầu Khu vực II Võ Văn Tân cho biết, là đơn vị tuyến đầu của Tập đoàn cung cấp xăng dầu cho các đơn vị tuyến sau khu vực phía Nam, công ty thực hiện tiếp nhận, bảo quản, giữ hộ các mặt hàng xăng dầu và bảo quản hàng xăng dầu dự trữ quốc gia cũng như cung cấp các sản phẩm, dịch vụ Petrolimex ngoài xăng dầu mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng.
Ông Võ Văn Tân cũng thông tin nếu như doanh thu năm 2022 đạt đỉnh trong giai đoạn 2016 – 2022, vượt mốc 30.000 tỷ đồng do sản lượng tăng và giá xăng dầu ở mức đỉnh lịch sử, nhưng lợi nhuận trước thuế lại chạm đáy do khó khăn chung của ngành xăng dầu cả nước. Công ty cũng ghi nhận 3 năm liên tiếp lỗ xăng dầu, nhưng nhờ kênh kinh doanh dịch vụ và hoạt động khác đạt hiệu quả, đã giúp lợi nhuận chung của Công ty vẫn thực dương trong giai đoạn khó khăn này. Còn đối với Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè, ông Võ Văn Tân chia sẻ, đơn vị này trực thuộc Công ty Xăng dầu Khu vực II, có vai trò quan trọng đảm bảo nguồn xăng dầu để đáp ứng, bình ổn thị trường và an ninh năng lượng đối với khu vực phía Nam cũng như cả nước. Tổng kho còn cung cấp dịch vụ nhập, xuất, tồn chứa, phối trộn và phân phối các sản phẩm dầu mỏ cho thị trường nội địa và tái xuất cũng như trực tiếp cung cấp xăng dầu, phục vụ cho nền kinh tế và nhu cầu dân sinh khu vực phía Nam (các tỉnh từ Bình Thuận trở vào), tái xuất cho các khu công nghiệp, khu chế xuất và nước bạn Campuchia.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu.
Công ty Xăng dầu Khu vực II cũng kiến nghị đến Đoàn giám sát, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 được đầu tư thêm khoảng 40 cửa hàng xăng dầu; xem xét điều chỉnh đơn giá bảo quản cho phù hợp với chi phí của doanh nghiệp; xem xét chuyển đổi mặt hàng xăng 92-II trong cơ cấu hàng dự trữ quốc gia thành xăng M95-III để phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và mức độ phổ biến của mặt hàng M95-III trong xã hội cũng cao hơn.
Trước thông tin Công ty đưa ra, nhiều đại biểu cho rằng, tác động của thị trường trong nước và quốc tế và ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19, nhưng công ty đã rất năng động, bám sát thị trường. Tuy nhiên, dự trữ xăng dầu là nhiệm vụ chiến lược quan trọng, công ty cần làm rõ việc có hay không các phương án dự phòng, công tác phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo an toàn năng lượng.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đỗ Thành Trung đề nghị Công ty báo cáo chi tiết về vấn đề quy hoạch và phát triển hệ thống mới, giải trình rõ nguồn vốn, đơn vị sử dụng vận hành nếu được giao vốn để xây dựng hệ thống kho chứa mới, nếu trong trường hợp nhà nước đầu tư thì đơn vị nào sẽ phụ trách, vận hành, luân chuyển.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc với Công ty Xăng dầu Khu vực II.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần làm rõ vai trò của Tổng kho xăng dầu trong việc cung cấp các loại nhiên liệu theo tiêu chuẩn mới, theo Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ để tăng cường kiểm soát và giảm thiểu phát thải không khí. Liên quan đến kế hoạch phát triển thêm 40 cửa hàng, nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế để triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi nếu đất của nhà nước quản lý thì đề xuất như thế nào để xin thuê hay giao mặt bằng, còn nếu là đất tư nhân thì công tác bồi thường cũng cần phải rõ.
Đối với cơ chế dự trữ quốc gia, Nhà nước đầu tư nhưng doanh nghiệp vận hành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đặt câu hỏi: Cơ chế bàn giao như thế nào, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp ra sao?
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, cần xác định vai trò to lớn trong việc đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu, dự trữ chiến lược và dẫn dắt thị trường của doanh nghiệp Nhà nước, cụ thể là Công ty Xăng dầu Khu vực II. Tuy nhiên, nhiều vấn đề đã đặt ra trong bối cảnh hiện nay như chiết khấu, đầu tư, chi phối thị trường cần phải xem xét cụ thể, cũng như phải khẩn trương xem xét sửa đổi các Thông tư, nghị định, đặc biệt là những vấn đề thích ứng trong hiện tại.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát thực tế tại Công ty Xăng dầu Khu vực II, Tp.HCM.
Các Bộ, ngành và đơn vị cần tính toán có những phương án tính toán phù hợp nhất là vấn đề chi phí dự trữ, làm sao đảm bảo hài hòa, cân đối: “doanh nghiệp Nhà nước được giao vốn và tài sản quốc gia nên việc dự trữ ngoài tính kinh tế còn là nhiệm vụ bắt buộc, nhiệm vụ chính trị nên không thể tính quá chi tiết, chi li nhưng phải đảm bảo hoạt động bình thường của tổng kho, phải bù đắp được chi phí và đảm bảo tái sản xuất, tránh để tình trạng tài sản Nhà nước xuống cấp, không đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ dự trữ quốc gia”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng nhấn mạnh, phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu đối với các đơn vị chủ lực. Tp.HCM là thành phố trọng điểm, đầu tàu kinh tế của cả nước nên việc quản lý nhà nước đối với xăng dầu cần được chú trọng. Đoàn ghi nhận những đổi mới, nghiên cứu có giá trị trong việc đầu tư nâng cấp hệ thống kho, hệ thống dự trữ thích hợp với địa bàn rộng lớn như Tp.HCM. Do đó, Tp.HCM phải tạo điều kiện trong phát triển và quản lý Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè phù hợp với quy hoạch các khu đô thị và công tác phòng, chống thiên tai, chống ngập úng, triều cường.
Liên quan đến lộ trình để áp dụng xăng sinh học, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, đây là trách nhiệm của Bộ Công thương và phải đánh giá đúng thực trạng, tình hình hình vừa qua trong chiến lược phát triển xăng sinh học. Những thành công, thất bại sẽ được đề cập cụ thể trong báo cáo của Đoàn Giám sát, nguyên nhân chủ quan, khách quan, việc quản lý như thế nào để Việt Nam bảo đảm các mục tiêu và các cam kết quốc tế tại Cop 26./.