HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ THU HỒI TÀI SẢN BỊ THẤT THOÁT, CHIẾM ĐOẠT KHÔNG QUA THỦ TỤC KẾT TỘI

25/07/2023

Sáng 25/7, tại Hà Nội, triển khai kế hoạch hoạt động của Đề tài cấp bộ “Pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội – Thực trạng và giải pháp hoàn thiện” do TS. Hoàng Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội làm Chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu lập pháp và Ban Chủ nhiệm đề tài tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề lý luận về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội”

HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO

Toàn cảnh Hội thảo

TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và TS. Hoàng Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội - Chủ nhiệm Đề tài đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có: TS. Lê Hải Đường – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Nguyễn Đình Quyền - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; một số vị đại biểu Quốc hội khóa XV; đại diện các bộ, ngành có liên quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học;...

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Hoàng Nam Hải – Chủ nhiệm Đề tài cho biết, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội đang nổi lên là phương thức rất hữu hiệu trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản tăng thêm mà người có chức vụ, quyền hạn không giải trình được nguồn gốc hợp pháp, qua đó góp phần tăng cường công tác đấu tranh chống tham nhũng. Đây cũng là nội dung được khuyến nghị trong Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng và ngày càng được nhiều quốc gia trên thé giới áp dụng.

TS. Hoàng Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội - Chủ nhiệm Đề tài

Cũng theo TS. Hoàng Nam Hải, ở Việt Nam, vấn đề thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội tuy đã được đặt ra từ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí (Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 21/8/2006) và được cụ thể hóa hơn tại Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; pháp luật cũng đã có một số quy định trong việc xử lý tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thu hồi tài sản vô chủ...

Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật cho thấy, hầu hết tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế được thu hồi thông qua thủ tục tố tụng hình sự đối với người bị kết tội có hành vi tham nhũng hoặc xâm phạm trật tự quản lý kinh tế dẫn đến nhiều trường hợp không thể thu hồi được tài sản như bị can, bị cáo chết trước khi bản án có hiệu lực pháp luật; bị can, bị cáo bỏ trốn mà không có căn cứ xét xử, tuyên án vắng mặt; không chứng minh được tội phạm... đồng thời, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong thời gian qua thực hiện còn hình thức, thiếu hiệu quả dẫn đến tài san bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế thu hồi đạt tỷ lệ thấp do bị chuyên dịch, tàu tán.

Một số vị Đại biểu Quốc hội khóa XV cùng các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên xuất phát từ các quy định của pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội còn nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm khác nhau và chưa đầy đủ, nhất là thiếu cơ chế cụ thể trong việc thu hồi tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp hay thu hồi tài sản trong trường hợp người có hành vi vi phạm đã chết trước khi xét xử, bỏ trốn...

Để có thêm thông tin khoa học cũng như cái nhìn bao quát, đầy đủ hơn làm cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo của Đề tài, TS. Hoàng Nam Hải mong muốn các chuyên gia tập trung làm rõ những vấn đề lý luận về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội.

Cho ý kiến tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, để tăng cường hiệu quả công tác thu hồi tài sản, đặc biệt là tài sản liên quan đến tội phạm tham nhũng, kinh tế, trong những năm qua, Đảng và nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản đề cập vấn đề này.

TS. Nguyễn Đình Quyền  - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Thực tiễn nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam cho thấy, thu hồi tài sản dựa trên kết án hình sự là biện pháp cơ bản nhất, phổ biến nhất mà các quốc gia đã và đang áp dụng để thu hồi tài sản liên quan đến tội phạm, nhưng hiệu quả thu hồi tài sản qua phương thức này chưa thực sự đạt được như kỳ vọng. Vì vậy, nếu tiếp tục lệ thuộc vào bản án kết tội để thu hồi tài sản sẽ đồng nghĩa với việc tài sản do phạm tội mà có, đặc biệt là tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng sẽ tiếp tục bị thất thoát, chiếm đoạt và bị tẩu tán, ngụy trang bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau và công tác thu hồi tài sản theo thời gian sẽ ngày càng khó khăn.

Cũng theo ý kiến chuyên gia, mặc dù nền tảng pháp luật ban đầu về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt ở Việt Nam đã được hình thành từ rất sớm, tuy nhiên trong một thời gian dài không có sự phát triển đáng kể. Về cơ bản, những thay đổi trong pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt đến năm 2005 chủ yếu là ở hình thức thể hiện. Đến nay, ở Việt Nam vẫn chưa có hệ thống pháp luật quy định về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội.

Nhấn mạnh thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội là quy trình đặc biệt của cơ quan nhà nước, các chuyên gia cho biết, đây là cách tiếp cận mới trong thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án về kinh tế, tham nhũng, nảy sinh từ yêu cầu thực tiễn khi những biện pháp thu hồi tài sản theo cách thức truyền thống không giải quyết được những bất cập đang phát sinh trong thực tiễn.

Chuyên gia góp ý tại Hội thảo

Khẳng định cơ chế này có ưu điểm là có thể tiến hành tịch thu tài sản của người phạm tội ngay cả khi họ không bị kết án, khắc phục được khó khăn lớn nhất của công tác tịch thu tài sản là phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp do phạm tội mà có, các chuyên gia khuyên nghị, cơ chế này hoàn toàn có thể vận dụng vào Việt Nam để khắc phục nhược điểm của biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế thông qua hình thức kết án, đã và đang gặp nhiều trở ngại.

Để hình thành nên cơ chế thu hồi tài sản không qua kết tội với những quy định cụ thể về phạm vị, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, các điều kiện bảo đảm đảm thi hành, các ý kiến kiến nghị cần tập trung nghiên cứu chuyên sâu, riêng biệt đối với từng mô hình thu hồi tài sản không qua kết tội cụ thể trên cơ sở phân tích, đánh giá một cách thật chuyên sâu, kỹ lưỡng từng thiết chế cũng như từng quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và đề xuất hướng sửa đổi. Bổ sung cụ thể làm cơ sở, nền tảng cho việc thực hiện cơ chế thu hồi tài sản không qua kết tội.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng kiến nghị, hoàn thành pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng không qua thủ tục kết tội cần đặt trong nỗ lực chung nhằm cải cách tổng thể, toàn diện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và cả hệ thống pháp luật nói chung. Theo đó, cần hoàn thiện pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, tiến tới kiểm soát được tài sản, thu nhập của toàn xã hội để triệt tiêu ngay từ đầu nguy cơ hình thành tài sản, thu nhập bất minh;... Đồng thời, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội phải bảo đảm những nguyên tắc, nguyên lý phổ quát của nhà nước pháp quyền; nội luật hóa toàn diện các quy định của Công ước mà Việt Nam là thành viên; thâm khảo, học tập có chọn lọc kinh nghiệm nước ngoài phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam,...

Kết thúc Hội thảo, TS. Hoàng Nam Hải – Chủ nhiệm Đề tài nêu rõ, với tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương, Hội thảo đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Ghi nhận và đánh giá cao ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, TS. Hoàng Nam Hải cho biết, Ban Chủ nhiệm Đề tài sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, làm cơ sở tiếp tục triển khai và hoàn thiện Đề tài với chất lượng cao nhất đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu đề ra.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Quang cảnh Hội thảo

TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và TS. Hoàng Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội - Chủ nhiệm Đề tài đồng chủ trì hội thảo

TS. Hoàng Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội - Chủ nhiệm Đề tài phát biểu khai mạc Hội thảo

Một số vị Đại biểu Quốc hội khóa XV cùng các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo

Hội thảo “Một số vấn đề lý luận về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội”

TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp phát biểu tại Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo

TS. Lê Hải Đường – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp phát biểu tại Hội thảo

TS. Nguyễn Đình Quyền  - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Chuyên gia phát biểu tại Hội thảo

Ths. Đặng Minh Đạo - Phó Giám đốc Trung tâm NCPLKTXH - Viện Nghiên cứu lập pháp

TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ

Tại hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung làm rõ những vấn đề lý luận về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội./.

Lê Anh - Trọng Quỳnh