GIÁM SÁT THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43: CẦN ĐỀ XUẤT NHỮNG GIẢI PHÁP KHẢ THI TẬP TRUNG THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI
GIÁM SÁT VỀ NHÀ Ở XÃ HỘI: CẦN ĐỊNH HÌNH RÕ HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG, HẠN CHẾ TỐI ĐA VIỆC TRỤC LỢI
Thực hiện Kế hoạch số 355/KH-ĐGS ngày 28/10/2022 của Đoàn Giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021”, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đang cùng với các địa phương, đơn vị liên quan tiến hành giám sát tại một số địa phương. Một trong những nhiệm vụ của Đoàn Giám sát cũng là tiếp nhận những ý kiến đóng góp, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học đối với việc sửa đổi luật pháp, chính sách liên quan đến lĩnh vực năng lượng.
Đề cập về Hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), TS.Phạm Cảnh Huy - Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh: Trong thời gian vừa qua, các cơ quan Nhà nước đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chú trọng tới phát triển NLTT.
TS.Phạm Cảnh Huy - Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, mặc dù chưa có luật riêng về NLTT như nhiều nước khác trên thế giới nhưng việc khuyến khích, hỗ trợ phát triển NLTT được quy định trong các nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Cụ thể là Luật Điện lực, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Bên cạnh đó, Đảng và Chính phủ đã xây dựng, ban hành nhiều nghị quyết, quy định, chương trình, đề án nhằm cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng vào đời sống thực tiễn, với mục tiêu là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như phát triển NLTT vì sự phát triển bền vững của đất nước.
TS.Phạm Cảnh Huy cho rằng, hiện nay nhiều chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được ban hành nhằm khuyến khích và hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, cũng như tạo những điều kiện thuận lợi nhất để có thể khai thác, phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Nhiều chính sách tích cực đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia việc khai thác, sử dụng năng lượng tái tạo.
Tác động của cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Quyết định 11 và cơ chế khuyến khích phát triển điện gió tại Quyết định số 39, đã thúc đẩy các dự án điện gió và mặt trời phát triển rất mạnh trong thời gian vừa qua.
Đoàn đại biểu ở một số Ủy ban của Quốc hội khảo sát thực tế tại Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2, tỉnh Quảng Ninh.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 69.297 MW, tăng hơn 14.000 MW so với năm 2019, trong đó tổng công suất các nguồn điện NLTT (không tính thuỷ điện) là 17.539 MW (tăng 11.888 MW so với năm 2019) và chiếm tỷ trọng 25,3% so với tổng công suất đặt và 48% so với công suất đỉnh của hệ thống.
Còn thiếu quy hoạch chi tiết cho phát triển từng loại hình năng lượng tái tạo
Mặc dù đã có những chính sách pháp luật để thúc đẩy phát triển NLTT nhưng cơ chế khuyến khích thông qua giá điện FIT ở nước ta trong thời gian qua chưa đưa ra được định hướng lâu dài. Do đó, theo TS.Phạm Cảnh Huy, để thị trường NLTT phát triển cần có các chính sách đủ dài và tương đối ổn định với thủ tục pháp lý rõ ràng để tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Đối với điện mặt trời, trong khoảng thời gian từ 2017 – 2020, Việt Nam đã 3 lần điều chỉnh bằng các Quyết định 11; Quyết định 03 và Quyết định 13. Hơn nữa Quyết định 13 cũng chỉ áp dụng cho các dự án đưa vào vận hành thương mại đến ngày 31/12/2020. Như vậy, từ đầu năm 2021 đến nay, các dự án điện mặt trời không được áp dụng biểu giá FIT, trong khi cơ chế mới chưa được ban hành.
Đối với điện gió, ngày 10/9/2018 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 39 áp dụng cơ chế giá điện FIT cho các dự án điện gió có ngày vận hành thương mại trước ngày 01/11/2021. Các dự án điện gió sau ngày 01/11/2021 cũng chưa có cơ chế áp dụng.
Một góc của Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2, tỉnh Quảng Ninh.
Theo TS.Phạm Cảnh Huy, cơ chế hỗ trợ với biểu giá điện FIT được áp dụng thống nhất trong cả nước, không phân biệt quy mô dẫn đến hiện tượng tập trung phát triển tại các khu vực có tiềm năng kinh tế lớn (bức xạ điện mặt trời cao, tốc độ gió bình quân lớn). Hệ quả là quá tải lưới điện một số khu vực hoặc do đầu tư tại những nơi có nhu cầu điện thấp, phải truyền tải điện đi xa. Cơ chế giá điện FIT đối với các dự án điện mặt trời áp mái quy định hệ thống điện mặt trời mái nhà có công suất không quá 1MW, áp dụng chung cho các hộ gia đình và các doanh nghiệp. Điều này dẫn đến nhiều cơ quan, doanh nghiệp có diện tích mái công trình xây dựng lớn, có thể xây dựng điện mặt trời với công suất lớn hơn để cấp điện cho nhu cầu của mình cũng không được xây dựng, gây nên lãng phí tài nguyên và nguồn lực.
Phát triển nhanh trong thời gian ngắn của các dự án điện NLTT đã vượt xa quy hoạch theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016. Điều đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển không đồng bộ giữa các dự án nguồn điện từ NLTT với lưới điện truyền tải đã gây ra các điểm nghẽn về truyền tải và ảnh hưởng lớn đến quá trình vận hành hệ thống điện. Công tác lập, theo dõi và quản lý quy hoạch phát triển NLTT trong tổng thể phát triển năng lượng quốc gia và phát triển điện lực còn có những hạn chế, thiếu quy hoạch chi tiết cho phát triển từng loại hình NLTT, dẫn tới có giai đoạn đầu tư ồ ạt điện mặt trời tập trung vào một số khu vực, gây khó khăn trong truyền tải điện, giải toả công suất các nhà máy điện, ảnh hưởng đến công tác vận hành hệ thống điện quốc gia và gây ảnh hưởng đến quyền lợi các nhà đầu tư.
TS.Phạm Cảnh Huy khẳng định: Trong Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg có nêu “Đơn vị phát điện và đơn vị phân phối điện cần đáp ứng các tiêu chuẩn tỷ lệ năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương quy định mức tỷ lệ tối thiểu các nguồn năng lượng tái tạo của các đơn vị sản xuất điện, phân phối điện hàng năm)”. Tuy nhiên, hiện chưa có những quy định cụ thể để triển khai thực hiện nội dung này.
Theo Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, một trong những giải pháp để hỗ trợ tài chính cho phát triển và sử dụng NLTT đó là “Thành lập Quỹ phát triển năng lượng bền vững”. Quỹ này sử dụng các nguồn vốn từ ngân sách, nguồn thu từ phí môi trường đối với năng lượng sơ cấp, các nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm hỗ trợ tài chính cho các hoạt động khuyến khích phát triển ngành năng lượng trên phạm vi toàn quốc. Hiện nay, Quỹ này chưa được thành lập, mặc dù vậy cũng cần phải xem xét sự trùng lặp với Quỹ Bảo vệ môi trường thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường hiện cũng có chức năng hỗ trợ đối với các dự án khai thác, sử dụng năng lượng sạch và có sản phẩm thân thiện với môi trường.
6 giải pháp trọng tâm để phát triển năng lượng tái tạo
Trong thời gian gần đây nhiều quốc gia cũng đã có những điều chỉnh, sửa đổi về chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển NLTT để bắt kịp với sự thay đổi của điều kiện thị trường. Qua những nội dung phân tích, TS.Phạm Cảnh Huy có một số khuyến nghị, đề xuất như sau:
Thứ nhất: Việt Nam cần có mục tiêu cụ thể, chính sách ổn định và dài hạn nhằm thu hút đầu tư cho các dự án phát triển NLTT. Một trong những chính sách quan trọng duy trì sự phát triển của thị trường điện tái tạo là cơ chế đấu giá đối với giá bán điện NLTT để không chỉ minh bạch hóa mà còn tạo nền móng phát triển bền vững cho thị trường NLTT.
Cần xây dựng chính sách ổn định và dài hạn nhằm thu hút đầu tư cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo (ảnh minh họa).
Thứ hai: Hiện nay, Việt Nam chưa ban hành Luật Năng lượng tái tạo, các quy định về khuyến khích, hỗ trợ phát triển NLTT đã được hình thành và nằm rải rác tại các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, do nhiều Bộ, ngành trực tiếp soạn thảo, theo dõi. Do vậy, cần tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong quá trình hoàn thiện pháp luật để phát triển năng lượng tái tạo. Qua đó sớm cụ thể hoá chủ trương trong Nghị quyết 140/NQ-CP năm 2020 ngày 02/10/2020 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 về xây dựng Luật năng lượng tái tạo.
Thứ ba: Cơ chế khuyến khích phát triển NLTT cần được thiết kế linh hoạt theo từng loại dự án cụ thể cũng như quy mô của các dự án để có thể điều chỉnh, nhằm đảm bảo hiệu quả của chính sách cũng như khuyến khích phát triển các công nghệ phát điện từ NLTT. Hơn nữa, cơ chế phải kiểm soát được sự phát triển tại từng khu vực, từng vùng, miền theo từng giai đoạn. Tránh việc chỉ tập trung tại các vị trí thuận lợi cho việc kết nối lưới. Điều này có thể dẫn đến việc không đảm bảo tối ưu, không sử dụng hiệu quả và ảnh hưởng đến độ tin cậy của lưới điện như đã xảy ra trong thời gian qua.
Thứ tư: Hoàn thiện pháp luật về các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ phát triển NLTT giải quyết được các vấn đề liên quan đến biện pháp kích thích lợi ích kinh tế, đi đôi với trách nhiệm bảo vệ môi trường, tạo ra lợi thế cạnh tranh giữa NLTT và NLSC là điều kiện cho NLTT được phát triển.
Thứ năm: Đề nghị sớm cụ thể hoá để triển khai việc thực hiện các chính sách, pháp luật về phát triển NLTT đối với các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng; nghiên cứu tích hợp Quỹ bảo vệ môi trường và Quỹ phát triển năng lượng bền vững, đồng thời xây dựng các cơ chế chính sách để tạo nguồn và sử dụng quỹ này để hỗ trợ, trợ cấp cho dự án phát điện từ NLTT.
Thứ sáu: Các cơ quan hữu quan phải phối hợp chặt chẽ, thực chất trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật về phát triển NLTT; thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là dự báo, đánh giá tác động của chính sách. Cần có những quy định cụ thể trong đánh giá việc thực hiện chính sách, các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan quản lý đối với phát triển NLTT./.