Báo cáo với Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), đại diện lãnh đạo huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) cho biết, kết quả sau 3 năm triển khai chương trình, công tác quản lý, điều hành các CTMTQG được thực hiện thống nhất, đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Bộ máy quản lý được kiện toàn, hoạt động đi vào nề nếp, có sự phân công, phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Tập trung sự chỉ đạo trong điều hành tổ chức thực hiện các CTMTQG thông qua hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp. Hệ thống cơ chế, chính sách quản lý, điều hành và hướng dẫn thực hiện các CTMTQG đã dần được hoàn thiện. Chuyển đổi từ cơ chế lập kế hoạch thực hiện các CTMTQG theo từng năm sang cơ chế lập kế hoạch theo trung hạn giai đoạn 5 năm. Đồng thời, chú trọng giải pháp thông tin, truyền thông; tăng cường hoạt động theo dõi, kiểm tra, giám sát trong thực hiện các CTMTQG theo chiều sâu, trọng tâm vào chất lượng, hiệu quả.... Sự thay đổi công tác quản lý, điều hành đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân; xây dựng được hệ thống dữ liệu, bộ công cụ theo dõi giám sát, đánh giá quá trình thực hiện.
Đại diện lãnh đạo huyện Chư Păh nhấn mạnh, hiệu quả của các CTMTQG góp phần quan trọng vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội: Kinh tế nông thôn tăng trưởng; ngành nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; hợp tác xã đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, liên kết hộ nông dân với hộ nông dân, kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp, là tác nhân liên kết trong chuỗi giá trị.
Đồng thời, hoàn thiện các thiết chế hạ tầng kinh tế-xã hội cơ bản ở nông thôn, khu vực khó khăn vùng đồng bào DTTS, tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng đồng bộ, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, tạo cơ hội việc làm và ổn định thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận ngày càng tốt hơn đến các dịch vụ cơ bản của xã hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn; củng cố vững chắc hệ thống chính trị, quốc phòng - an ninh ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, tạo niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Nhà nước trong quản lý, phát triển kinh tế-xã hội.
Đánh giá kết quả thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới, đại diện lãnh đạo huyện Chư Păh cho biết, nhận thức của người dân vùng nông thôn về vai trò chủ thể của mình từng bước được nâng cao, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần,thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn được nâng lên. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực nông thôn từng bước được đầu tư nâng cấp, hệ thống trường học, trạm y tế, văn hóa ngày càng khang trang đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn trục xã, liên xã ngày càng được hoàn thiện đã tạo điều kiện cho người dân đi lại, vận chuyển, lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất thuận lợi. Công tác an sinh xã hội được quan tâm, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; công tác phát triển ngành nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo việc làm tại chỗ được quan tâm chú trọng. Đến nay, đã giải ngân đạt 38,1%.
Bên cạnh những kết quả tích cực, lãnh đạo huyện Chư Păh đã chỉ rõ những tồn tại, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình như một số cán bộ trong Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của một số xã còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, năng lực còn hạn chế, lúng túng trong việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới của địa phương mình. Công tác rà soát, đánh giá 19 tiêu chí xã xây dựng nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và thôn, làng nông thôn mới của một số xã chưa đảm bảo theo Quyết định số 710/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 16/11/2022 về việc Ban hành Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 áp dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Quyết định số 826/QĐ-UBND ngày 28/12/2022 của UBND tỉnh Gia Lai về việc ban hành Bộ tiêu chí thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới thực hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025.
Đời sống nhân dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số một số xã còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn vốn ngân sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, nhu cầu xây dựng hạ tầng nông thôn mới cao, khả năng đóng góp của người dân thôn có hạn đã ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Nguyên nhân của một số hạn chế nêu trên là do địa bàn xã xây dựng nông thôn mới rộng, nguồn vốn đầu tư trực tiếp của Chương trình chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Trong khi nguồn thu ngân sách của huyện còn thấp. Đời sống của đại bộ đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Nhận thức về xây dựng nông thôn mới của một bộ phận người dân là đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước.
Ngoài ra, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường và giá cả các sản phẩm nông nghiệp không ổn định, xuống thấp, đặc biệt là dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến đời sống, thu nhập của người dân. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của một số xã chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; chưa phát huy tốt vai trò của chủ thể của đại đa số người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Đối với CTMTQG giảm nghèo bền vững, theo kết quả điều tra, cuối năm 2022, tổng số hộ nghèo toàn huyện còn 1.842 hộ, chiếm 9,84%. Trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 16,41%. Tổng số hộ cận nghèo cuối năm 2022 chiếm tỷ lệ 15,83%. Về kết quả giải ngân, hiện tại các đơn vị được giao chủ đầu tư đang hoàn tất các thủ tục để giải ngân theo quy định.
Nêu rõ khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện, lãnh đạo huyện Chư Păh cho biết, một số văn bản hướng dẫn chưa cụ thể, rõ ràng nên khó khăn cho việc triển khai thực hiện. Đối tượng thụ hưởng theo Chương trình này chồng chéo về đối tượng. Đối tượng đã thụ hưởng theo các chương trình đã được đào tạo thì không được đào tạo lại nên khó khăn cho việc vận động, chiêu sinh (Mỗi đối tượng chỉ được thụ hưởng đào tạo 01 lần của chương trình).
Phần lớn các đối tượng đăng ký tham gia rơi vào hộ thu nhập thấp, theo Công văn số 964/SLĐTBXH-CSLĐ ngày 12/6/2023 của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh về triển khai thực hiện các nội dung về giáo dục nghề nghiệp đối với hộ thu nhập thấp chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ thì tạm dừng lại.
Bên cạnh đó, chưa có định mức hướng dẫn cụ thể cho Tiểu dự án 2 - Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, số định mức cho từng hộ được hỗ trợ con giống, trang thiết bị để thực hiện dự án.
Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm đạt kế hoạch giao hàng năm nhưng vẫn còn thấp hơn so mức bình quân chung của cả tỉnh; tỷ lệ giảm nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn chưa đạt chỉ tiêu đề ra; Năng lực cán bộ giảm nghèo ở một số xã còn hạn chế, chưa ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, thực hiện chính sách giảm nghèo.
Đại diện lãnh đạo huyện Chư Păh đã chỉ rõ nguyên nhân của một số tồn tại, hạn chế nêu trên trong triển khai thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững. Nguyên nhân khách quan là do điều kiện tự nhiên, điều kiện sản xuất, năng lực và trình độ nhận thức, tập quán sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số; giá các mặt hàng nông sản giảm sâu, các điều kiện tạo sinh kế cho người dân không thuận lợi. Hộ nghèo thường tập trung nhiều ở các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số do ảnh hưởng về thói quen, tập quán sinh hoạt, trình độ dân trí còn thấp; thiếu kiến thức kỹ thuật sản xuất, vốn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, thiếu tư liệu sản xuất, việc tiếp cận các dịch vụ còn nhiều hạn chế dẫn đến hiệu quả thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân chủ quan là do thiếu việc làm có thu nhập thấp, ngày công lao động nông thôn giá trị đạt thấp. Số lượng lao động qua đào tạo còn hạn chế, trình độ, kỹ thuật của người lao động thấp. Ngoài ra, nhận thức và trách nhiệm trong công tác giảm nghèo của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể ở một số xã, thôn, làng cấp xã chưa sâu sát, toàn diện, công tác phối hợp, điều hành chưa chặt chẽ, nhiều khi còn lúng túng, chưa có định hướng và giải pháp cụ thể. Hiệu quả dạy nghề, tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo chưa cao, công tác hướng nghiệp, chuyển đổi việc làm cho thanh niên lao động nghèo tại các vùng sâu, vùng xa triển khai còn hạn chế.
Trung tâm huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai
Đối với CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, đến nay, đã giải ngân đạt 19,22%. Về Dự án 1 - giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, năm 2023, UBND huyện Chư Păh đã giao vốn cho UBND các xã, thị trấn. Hiện đang rà soát lập danh sách các hộ thụ hưởng. Tuy nhiên khó khăn, vướng mắc là việc lập các thủ tục hồ sơ thiết kế, dự toán, phê duyệt dự toán, thủ tục thanh quyết toán về nội dung nhà ở theo đầu tư công còn phức tạp, khó thực hiện; đến nay làm nhà phân bổ nguồn vốn năm 2022 xong nhưng chưa có thông báo kinh phí nguồn ngân sách tỉnh để thực hiện thanh, quyết toán. Đo dó, lãnh đạo huyện Chư Păh đề nghị UBND tỉnh Gia Lai xem xét, cấp kinh phí nguồn ngân sách tỉnh về UBND huyện Chư Păh để thực hiện thanh, quyết toán cho các hộ nghèo.
Về Dự án 2 - Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, hiện nay các đơn vị đang triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Đề xuất giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong thực hiện các CTMTQG
Nhìn chung, đại diện lãnh đạo huyện Chư Păh cho rằng, tồn tại, hạn chế của các CTMTQG hiện chủ yếu là do nguồn kinh phí huy động của các CTMTQG chưa đáp ứng được nhu cầu dẫn đến một số mục tiêu của Chương trình được triển khai thực hiện với lượng vốn nhỏ, không tương xứng với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của Chương trình. Đây là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của CTMTQG.
Cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội tuy đã được nâng lên một bước song vẫn còn nhiều khó khăn. Một bộ phận nhân dân còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào vốn đầu tư của nhà
nước; Hoạt động truyền thông ở một số cơ sở còn mang tính hình thức và chưa thường xuyên; Công tác đào tạo nghề, nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu sử dụng lao động công nghiệp trên địa bàn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị sử dụng lao động.
Lãnh đạo huyện Chư Păh nhận thấy, do CTMTQG giảm nghèo bền vững và CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN có nhiều dự án với nhiều lĩnh vực của nhiều ngành nên còn lúng túng trong công tác triển khai thực hiện thời gian đầu.
Một bộ phận cán bộ cơ sở còn hạn chế về năng lực, trình độ, nhất là năng lực tổ chức triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Công tác chuẩn bị đầu tư đã được triển khai và thực hiện qua nhiều năm, song nhiều chủ đầu tư đến nay vẫn còn lúng túng trong việc lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư để trình phê duyệt dẫn tới việc thực hiện các dự án chậm so với kế hoạch.
Từ những bất cập nêu trên, lãnh đạo huyện Chư Păh đề xuất giải pháp khắc phục một số tồn tại, hạn chế, trong đó nhấn mạnh cần tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tranh thủ huy động và lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các mô hình, dự án nhằm nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí sản xuất để tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo so với tỷ lệ bình quân của tỉnh.Tăng cường công tác tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân cùng góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, huy động nguồn vốn xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đồng thời nâng cao năng lực quản lý nhà nước về kinh tế, tài chính, đất đai và năng lực tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của cán bộ quản lý ở cơ sở, nhất là các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện./.