ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG TIẾP XÚC CỬ TRI CẦN BÁM SÁT TINH THẦN CỦA HIẾN PHÁP, LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI

14/07/2023

Tại Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về việc tổng kết, rà soát việc thực hiện Nghị quyết liên tịch 525 về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, có nhiều ý kiến cho rằng, cần sửa đổi Nghị quyết theo hướng đổi mới trong hoạt động tiếp xúc cử tri, bám sát tinh thần của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 12/7: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 24 

Hơn 27 nghìn cuộc tiếp xúc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng cử tri trong 10 năm

Phát biểu tại phiên họp, Trưởng Ban Dân Dương Thanh Bình trình bày báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu, rà soát Nghị quyết liên tịch số 525. Kết quả cho thấy, 10 năm qua đã có 27.071 cuộc tiếp xúc cử tri, với nhiều hình thức khác nhau được tổ chức; 42.455 kiến nghị của cử tri được tổng hợp, chuyển tới 72 đầu mối các cơ quan, đơn vị, tổ chức ở Trung ương có thẩm quyền giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; 650 văn bản quy phạm pháp luật khác nhau được các cơ quan có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của cử tri.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Dân nguyện cũng chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc trong Nghị quyết liên tịch 525 cần được sửa đổi, bổ sung. Nghị quyết này được được ban hành trên cơ sở quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2007; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1999 và Nghị quyết số 27/2012/QH13 của Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ ba về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật này đều đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Trưởng Ban Dân Dương Thanh Bình

Thời gian qua, việc triển khai hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội chủ yếu tập trung dưới hình thức tiếp xúc cử tri định kỳ, trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng được tổ chức còn ít và chủ yếu theo hình thức hội nghị.

Hoạt động tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội thường ít hơn trước kỳ họp. Thời gian, địa điểm tiếp xúc cử tri chưa linh hoạt, chủ yếu trong giờ hành chính, hoặc thời giờ lao động chính của người dân, nên cử tri khó tiếp cận với người đại diện của mình.

Bên cạnh đó, Nghị quyết liên tịch số 525 chưa quy định hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến; nhiều địa phương khó khăn trong việc đầu tư xây dựng hệ thống trực tuyến do ngân sách, nguồn lực chưa bảo đảm…

Từ Phiên họp thứ 2 (tháng 8-2021), lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét Báo cáo công tác dân nguyện về tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri… Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh bình cho rằng, đây là một bước đổi mới quan trọng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo công tác dân nguyện hằng tháng chưa được thể chế hóa trong một văn bản quy phạm pháp luật cụ thể.

Thực tiễn đã có hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến để thích ứng với tình hình dịch bệnh nhưng chưa được thể chế hóa. Công tác tiếp xúc cử tri, tập hợp, tổng hợp kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp bất thường cũng cần được quy định bổ sung, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai đồng bộ, thống nhất.

Cần sửa đổi, đổi mới công tác tiếp xúc cử tri

Qua thảo luận tại phiên họp, các ý kiến đều nhất trí với những kết quả đã đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525 cũng như những vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để tiếp tục đổi mới công tác tiếp xúc cử tri, thích ứng với sự thay đổi của thực tiễn và quy định của pháp luật liên quan.

Các đại biểu tại phiên họp

Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị bổ sung các hình thức tiếp xúc cử tri cho phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là sau đại dịch Covid-19. Khi yêu cầu về quy mô tiếp xúc cử tri ngày một lớn, nhưng cơ sở vật chất bảo đảm cho hoạt động tiếp xúc cử tri còn hạn chế, thì cần quy định rõ về việc thực hiện tiếp xúc cử tri qua hình thức.

Bám sát tinh thần của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội

Cho ý kiến vào nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị có thêm các đánh giá sơ kết, tổng kết, đánh giá và giám sát thực hiện nghị quyết; đánh giá tính sâu sát, phù hợp, thực chất, thiết thực, hiệu quả của công tác tiếp xúc cử tri. Có những cuộc, cử tri chỉ nói về vụ việc giải quyết khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền địa phương, không liên quan gì đến thể chế chính sách chung thì nên chăng chỉ để ở các cuộc tiếp xúc cử tri của Hội đồng nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội nhất trí với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành kết luận sau phiên họp; đồng ý chủ trương tổng kết, sửa đổi bổ sung Nghị quyết liên tịch 525 và chậm nhất quý 1-2024 phải ban hành để áp dụng cho đợt tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tách thành hai nghị quyết là Nghị quyết liên tịch về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và Nghị quyết liên tịch về tiếp xúc cử tri đại biểu Hội đồng nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ 

Về mặt nội dung, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc sửa đổi nghị quyết phải bám sát tinh thần của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội để xác định phạm vi tiếp xúc cử tri, không chỉ tại nơi bầu ra mình mà còn ở phạm vi rộng hơn. 

Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ nội dung và có hướng dẫn cụ thể việc đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri theo chương trình tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội; tiếp xúc cử tri tại nơi cư trú, nơi làm việc; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm. 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu công tác tiếp xúc cử tri cần vừa bảo đảm sâu sát, phù hợp, vừa bảo đảm tính linh hoạt thích ứng, sáng tạo của từng địa phương, vừa bảo đảm tính thống nhất trong đa dạng theo quy định của pháp luật.

Lưu ý thêm về mặt nội dung, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc phải sửa đổi, bổ sung nghị quyết tới đây phải quán triệt đầy đủ Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… Trong đó, nêu rõ Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, hoạt động Quốc hội được đảm bảo bằng hiệu quả của kỳ họp Quốc hội, hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội. Luật cũng quy định đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước, chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội.  Chủ tịch Quốc hội cho rằng tới đây việc sửa đổi nghị quyết cũng cần xác định rõ hình thức tiếp xúc cử tri để có hướng dẫn cụ thể./.

Thu Phương