PHÓ CHỦ NHIỆM VPQH, TRỢ LÝ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI PHẠM THÁI HÀ CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP TRIỂN KHAI CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN HỘI NGHỊ NGHỊ SĨ TRẺ TOÀN CẦU LẦN THỨ 9

13/07/2023

Sáng 13/7, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà, Trưởng Tiểu ban Thông tin - Tuyên truyền về Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 chủ trì phiên họp triển khai công tác tuyên truyền Hội nghị.

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN CHỦ TRÌ CUỘC HỌP CỦA BAN TỔ CHỨC HỘI NGHỊ NGHỊ SĨ TRẺ TOÀN CẦU LẦN THỨ 9

Tham dự có Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung - Trưởng ban Thư ký Quốc gia Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9; các thành viên Tiểu ban đại diện cho các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi những nội dung cụ thể liên quan đến công tác thông tin, tuyên truyền cho Hội nghị, trong đó nhấn mạnh công tác này phải khẳng định đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng về tăng cường đối ngoại đa phương, các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Ban Bí thư về hội nhập quốc tế, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, góp phần bảo đảm môi trường quốc tế, khu vực về hòa bình, ổn định, phục vụ mục tiêu phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Toàn cảnh phiên họp

Các hoạt động thông tin, tuyên truyền tập trung tuyên truyền đậm nét, nổi bật về mục đích, ý nghĩa của việc Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị. Trong đó nêu rõ, đây là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với thanh niên và giới trẻ Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng, nhất là nghị sĩ, lãnh đạo trẻ của các quốc gia; quảng bá đến bạn bè quốc tế hình ảnh thanh niên Việt Nam, phong trào thanh niên Việt Nam năng động, sáng tạo. Ngoài ra, cần chú trọng tuyên truyền về sự chủ động, tích cực, trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị. Tăng cường công tác thông tin đối ngoại về Hội nghị, nêu bật thông điệp đất nước, con người Việt Nam luôn thân thiện, năng động, sáng tạo đến các thành viên IPU và bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền đầy đủ, kịp thời các hoạt động chính thức và bên lề của Hội nghị, như: Phiên khai mạc, các phiên thảo luận chuyên đề; Phiên bế mạc, thông qua “Tuyên bố Hà Nội về vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; các hoạt động thăm song phương và tiếp xúc cấp cao, các sự kiện bên lề Hội nghị.

Các đại biểu tại phiên họp

Tuyên truyền đậm nét, nổi bật thông điệp của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tại Hội nghị; các tham luận, sáng kiến của Đoàn Việt Nam tại Hội nghị. Tuyên truyền sâu rộng, đậm nét về kết quả nổi bật của Hội nghị, nhấn mạnh Tuyên bố Hội nghị với thông điệp mạnh mẽ, có dấu ấn của Việt Nam.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến liên quan đến Logo, nhận diện của Hội nghị; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thông tấn, báo chí nước chủ nhà; sự kết nối với IPU để phối hợp trong việc truyền tải thông tin, hình ảnh, video... về Hội nghị trên các trang web của IPU.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan đến công tác thông tin, tuyên truyền của Hội nghị. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lưu ý, công tác thông tin, tuyên truyền bảo đảm cung cấp thông tin thường xuyên, liên tục, không gián đoạn về công tác chuẩn bị trước, trong và sau Hội nghị; về kết quả đạt được của Hội nghị; tập trung nhấn mạnh các hoạt động nổi  bật, đa dạng của ngoại giao nghị viện năm 2023, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam với các nước và thể hiện vai trò tích cực, trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam tại các diễn đàn nghị viện đa phương.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ, cần tập trung tuyên truyền đậm nét về chương trình chính thức, kết quả Hội nghị, nhất là nêu bật được ý nghĩa, nội dung Tuyên bố Hà Nội. Phát huy hiệu quả các phương tiện và công cụ truyền thông (sử dụng các nền tảng truyền thông mới; các phương tiện truyền thông đại chúng: báo chí, truyền hình, phát thanh, các công cụ trực tuyến; tổ chức họp báo trước và sau Hội nghị) bảo đảm phù hợp với các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác thông tin đối ngoại và theo thông lệ tổ chức các hội nghị quốc tế tại Việt Nam cũng như thông lệ của IPU. Chú trọng tuyên truyền thông qua các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước, các hãng truyền thông quốc tế thường trú tại Việt Nam; tuyên truyền thông qua mạng xã hội như Tik Tok, Zalo, Metta, Twitter…; tuyên truyền thông qua Website của Hội nghị…

Năm 2010, Đại hội đồng IPU-122 tổ chức tại Bangkok, Thái Lan đã thông qua một Nghị quyết mang tính bước ngoặt về “sự tham gia của thanh niên trong tiến trình dân chủ” với tuyên bố rằng, để đạt được nền dân chủ có ý nghĩa đòi hỏi sự tham gia đầy đủ và tích cực của thanh niên và các tổ chức thanh niên trong các quá trình dân chủ ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế. Trên tinh thần đó, vào năm 2013, IPU đã thiết lập Diễn đàn Nghị sĩ trẻ, một cơ chế chính thức và thường trực trong IPU nhằm góp phần tăng cường số lượng và chất lượng tham gia của thanh niên trong các nghị viện và trong IPU.

Tiếp theo, năm 2014, IPU đã thiết lập cơ chế Hội nghị toàn cầu nhằm: Tăng cường vai trò của nghị sĩ trẻ và sự tham gia của thanh niên vào hoạt động nghị viện và đưa ra những khuyến nghị dưới góc nhìn của giới trẻ về các hoạt động cũng như nội dung nghị sự của IPU. Xây dựng mạng lưới, đoàn kết và nâng cao năng lực, mở rộng cách tiếp cận của giới trẻ đối với các vấn đề cùng quan tâm. Đến nay, 8 hội nghị toàn cầu đã được tổ chức về các chủ đề khác nhau, gồm: Sự tham gia của giới trẻ và hoạt động chính trị và dân chủ (Thụy Sĩ, 2014); Hòa bình và thịnh vượng (Nhật Bản, 2015); Các Mục tiêu phát triển bền vững (Zambia, 2016); Kinh tế, xã hội và chính trị bao trùm (Canada, 2017); Thúc đẩy tính bền vững, bảo vệ lợi ích của các thế hệ tương lai (Azerbaijan, 2018); Đạt được các SDGs và trao quyền cho thanh niên thông qua phúc lợi xã hội (Paraguay, 2019); Cách tiếp cận của thanh niên hậu Covid-19 (2021, tổ chức trực tuyến); Ứng phó với biến đổi khí hậu (Ai Cập, 2022). Mỗi Hội nghị có sự tham gia của khoảng 200-300 đại biểu, trong đó có 130 - 190 nghị sĩ trẻ. 

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Thời gian qua, Quốc hội Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ IPU, trong đó có các kỳ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu. Tại các Hội nghị này, Đoàn Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, chủ trương, chính sách của Việt Nam liên quan đến các vấn đề trao đổi tại Hội nghị; đồng thời, đưa ra những đề xuất cụ thể nhằm tăng cường vai trò của các Nghị sĩ trẻ trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Việc Quốc hội Việt Nam đăng cai Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 là hoạt động thiết thực triển khai đường lối của Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng”, Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Tiếp nối thành công Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng IPU-132 (năm 2015), Hội nghị APPF lần thứ 26 (năm 2016) và Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 (năm 2020), việc Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ lần này tiếp tục khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm, chủ động của Việt Nam trong IPU; đồng thời cho thấy sự chú trọng, quan tâm của Việt Nam đối với thanh niên và các vấn đề chung toàn cầu của giới trẻ hiện nay.

Hội nghị góp phần thúc đẩy các lợi ích của Việt Nam qua kênh nghị viện, đáp ứng yêu cầu phát triển và xu thế phát triển trong giai đoạn mới, trong đó có chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững; tuyên truyền, quảng bá rộng rãi với bạn bè quốc tế về truyền thống văn hóa, đất nước, con người, chính sách đối ngoại và thành quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; tăng cường quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với nhiều đối tác quan trọng, nhất là các nghị sĩ, thế hệ lãnh đạo trẻ của các quốc gia cũng như tranh thủ sự ủng hộ của IPU, các nghị viện thành viên đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Một số hình ảnh phiên họp:

Quang cảnh phiên họp

Các đại biểu tại phiên họp

Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại - Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn tham gia phát biểu ý kiến tại phiên họp

Vụ trưởng Vụ Thông tin Hoàng Thị Lan Nhung đóng góp ý kiến về công tác thông tin, tuyên truyền cho Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9

Các đại biểu đã đóng góp ý kiến liên quan đến Logo, nhận diện của Hội nghị; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thông tấn, báo chí nước chủ nhà; sự kết nối với IPU để phối hợp trong việc truyền tải thông tin, hình ảnh, video... về Hội nghị trên các trang web của IPU

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan đến công tác thông tin, tuyên truyền của Hội nghị./.

Minh Hùng - Nghĩa Đức