VIỆT NAM CẦN CÓ NHỮNG LỘ TRÌNH TRONG VIỆC GIẢM DẦN NĂNG LƯỢNG HÓA THẠCH

13/07/2023

Tại Hội thảo đào tạo chuyên sâu về biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng diễn ra ngày 13/7 tại tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam được phía Đại học Australia khuyến nghị cần có những lộ trình trong việc giảm dần năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm môi trường và nên được thay thế dần bằng các các dạng năng lượng sạch và tái tạo...

ĐOÀN CÔNG TÁC GỒM CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI LÀM VIỆC VÀ KHẢO SÁT THỰC TẾ TẠI NHÀ MÁY GE HẢI PHÒNG

ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRONG VIỆC CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG HIỆU QUẢ TẠI VIỆT NAM

Toàn cảnh Hội thảo đào tạo chuyên sâu về biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng.

Sáng 13/7, tại tỉnh Quảng Ninh, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức cho Đoàn Đại biểu Quốc hội ở các Ủy ban của Quốc hội tham gia Hội thảo đào tạo chuyên sâu về biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng.

Tham dự Hội thảo có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cùng đại diện lãnh đạo, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại các Ủy ban của Quốc hội; Ngài Ben Davis – Quyền tham tán Kinh tế Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cùng các giảng viên của Đại học Quốc gia Australia.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nhấn mạnh: Năng lượng và biến đổi khí hậu là chủ đề được nhiều quốc gia quan tâm bởi đây là những nội dung liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của người dân. Tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Việt Nam đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu tại Hội thảo.

Chính vì vậy, việc tổ chức Hội thảo đào tạo chuyên sâu về biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng sẽ góp phần hỗ trợ cho các ĐBQH có thêm kiến thức, sự nghiên cứu về việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam cũng như việc thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ này ở Australia nói riêng và nhiều nước trên thế giới nói chung. Thông qua đó, các ĐBQH có thể đóng góp ý kiến, đề xuất vào những chính sách, sửa đổi các luật liên quan đến lĩnh vực này một cách hiệu quả hơn, phù hợp với thực tế. Ngoài ra, Hội thảo cũng được tổ chức nhằm nâng cao mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Australia cũng như hướng tới nâng cấp quan hệ song phương lên thành đối tác chiến lược toàn diện.

Tại Hội thảo, các ĐBQH đã được GS.Frank Jotzo chuyên về năng lượng và biến đổi khí hậu - Đại học Quốc gia Australia truyền đạt những kiến thức về xu hướng toàn cầu về biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng; những kinh nghiệm của Australia trong việc chuyển dịch năng lượng tái tạo và đề xuất cho Việt Nam…

GS.Frank Jotzo khẳng định: Nguồn cung năng lượng của thế giới vẫn chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch nhưng tỷ trọng năng lượng tái tạo đang tăng nhanh nhờ chi phí giảm đáng kể. Đáp ứng các chỉ tiêu về biến đổi khí hậu toàn cầu đòi hỏi hệ thống năng lượng đạt phát thải ròng bằng 0. Điều này đồng nghĩa với việc giảm phát thải các-bon cho các hệ thống năng lượng, cũng như các hệ thống công nghiệp, giao thông và xây dựng. Quá trình chuyển dịch năng lượng hướng tới phát thải ròng bằng 0 sẽ đòi hỏi những khoản đầu tư rất lớn để có thể xây dựng một hệ thống năng lượng sạch và bền vững.

GS.Frank Jotzo chuyên về năng lượng và biến đổi khí hậu - Đại học Quốc gia Australia.

Tuy nhiên, những thách thức trong quá trình chuyển dịch năng lượng phát thải các-bon thấp đối với tất cả các quốc gia là làm thế nào để huy động đầu tư, phát triển nguồn cung năng lượng phát thải các-bon thấp, giải pháp để duy trì giá năng lượng hợp lý và đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng. Ngoài ra, vấn đề đặt ra với các nền kinh tế giàu năng lượng là quản lý quá trình chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch một cách hợp lý cũng như làm thế nào để tối đa hóa cơ hội từ các ngành năng lượng sạch.

Còn thách thức tổng thể đối với các Chính phủ trong quá trình chuyển dịch năng lượng là làm thế nào để hỗ trợ điều chỉnh dần cho các ngành hiện có, đồng thời giảm thiểu rủi ro bị cuốn vào các ngành và công nghệ đang mất dần cạnh tranh; có giải pháp để đảm bảo rằng các khoản đầu tư bổ sung vào năng lượng sạch mang lại lợi ích cho xã hội so với các ưu tiên khác; đảm bảo các khoản đầu tư mới được đưa vào các lựa chọn “năng lượng sạch”

Theo GS.Frank Jotzo, các Chính phủ có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng như tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, giúp quản lý quá trình chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch và hỗ trợ các cơ hội kinh tế mới.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Nhiệm vụ của các Chính phủ trong quá trình chuyển dịch năng lượng là hỗ trợ điều chỉnh dần cho các ngành phát thải cao (ví dụ như than đá), giảm thiểu rủi ro tài sản mắc kẹt; Đảm bảo rằng các khoản đầu tư mới được đưa vào các lựa chọn “năng lượng sạch”; Đảm bảo rằng các khoản đầu tư bổ sung vào năng lượng sạch sẽ mang lại lợi ích kinh tế và xã hội; Tích hợp biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng trong khung chính sách quốc gia tổng thể.

GS.Frank Jotzo cho rằng, từ những kinh nghiệm trong việc chuyển dịch năng lượng của Austrlia và các nước khác trên thế giới, Việt Nam có thể đưa ra các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trên cơ sở nguồn ngân sách Nhà nước và thu hút nguồn vốn từ khối doanh nghiệp tư nhân, Việt Nam cần có những lộ trình trong việc giảm dần năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm môi trường và nên được thay thế dần bằng các các dạng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Ngoài ra, Việt Nam cần có cơ chế chính sách hơn nữa để thu hút nguồn tài chính ngoài ngân sách Nhà nước…

Trong khuôn khổ Hội thảo, các ĐBQH còn trao đổi trực tiếp với GS.Frank Jotzo xung quanh các nội dung: Đảm bảo cung cấp năng lượng sạch với giá cả phải chăng, phù hợp với nền kinh tế và thu nhập của người dân Việt Nam; Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về giảm phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng tái tạo, thực hiện mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững phù hợp với thực tiễn Việt Nam; Các giải pháp bảo vệ môi trường khi Việt Nam chuyển dần từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, năng lượng sạch…

Hội thảo đào tạo chuyên sâu về biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng sẽ còn tiếp diễn trong chiều 13/7./.

Bích Lan