HOÀN THIỆN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN VÀ QUẢN LÝ CHẶT CHẼ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN

11/07/2023

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 11-NQ/TW nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, quyền sử dụng đất. Đồng thời, khắc phục được tình trạng đầu cơ đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

ĐẢM BẢO THỐNG NHẤT, ĐỒNG BỘ GIỮA LUẬT KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN VỚI LUẬT NHÀ Ở, LUẬT ĐẤT ĐAI

Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015 có vị trí rất quan trọng, điều chỉnh một lĩnh vực rộng, tác động đến rất nhiều ngành, nhiều thành phần kinh tế, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Sau khi được ban hành, Luật Kinh doanh bất động sản đã hoàn thiện hơn về khuôn khổ pháp lý cho các chủ thể tham gia thị trường bất động sản, đưa ra các quy tắc kinh doanh, giao dịch cho các chủ thể trong hoạt động kinh doanh bất động sản; thiết lập nền tảng, cơ sở pháp lý cho thị trường bất động sản vận hành. Tuy nhiên, sau gần 08 năm triển khai thực hiện, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được thì pháp luật về kinh doanh bất động sản cũng đã xuất hiện những tồn tại, hạn chế cần được sửa đổi bổ sung.

Dự án Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận tại Kỳ họp thứ 6. Việc xây dựng dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực bất động sản, hoạt động kinh doanh bất động sản, đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch. Sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 để phù hợp tình hình thực tế hiện nay, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Kinh doanh bất động sản với các luật khác có liên quan. 

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước

Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 gồm 10 Chương với 92 Điều. Để góp phần hoàn thiện dự luật, đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 11-NQ/TW nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, quyền sử dụng đất. Kiến tạo để phát triển thị trường trên cơ sở quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn, lành mạnh, ổn định. Cùng với đó, vận hành thông suốt cho thị trường bất động sản và các thị trường có liên quan như thị trường vốn, tiền tệ, tín dụng. Cơ cấu lại thị trường bất động sản, sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả; xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai, phát triển đô thị. Các dự án bất động sản gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hợp lý và có tính đến thời điểm thực hiện quy hoạch, kế hoạch để cân đối cung cầu và tạo mặt bằng giá bất động sản phù hợp. Đồng thời, khắc phục được tình trạng đầu cơ về đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tăng cường thực hiện giao dịch không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản.

Bên cạnh đó, đại biểu Tạ Đình Thi – Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội nêu rõ, Quốc hội đồng thời xem xét, thảo luận thông qua 03 dự án Luật có mối quan hệ mật thiết là dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5 và Kỳ họp thứ 6. Đại biểu nhận thấy, một trong những nội dung xuyên suốt của 03 dự luật trên là hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu, đây là nội dung quan trọng trong công tác quản lý nhà nước. Mặt khác, Nghị quyết số 18-NQ/TW đề ra mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông.

Do đó, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cần rà soát kỹ lưỡng nội dung về xây dựng, quản lý hệ thống thông tin dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, cần lấy hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về đất đai làm gốc và làm cơ sở để thiết kế, vận hành, quản lý hệ thống thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản. Đồng thời, cần rà soát 03 dự án Luật trên để có các quy định về nguyên tắc, cơ chế phối hợp giữa ngành tài nguyên và môi trường với ngành xây dựng trong việc thiết kế, xây dựng, vận hành hai hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu trên, từ khâu điều tra cơ bản, đánh giá đến khâu khai thác, sử dụng, công khai để đảm bảo tính liên thông, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm kinh phí cũng như nhân lực. 

Đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam

Còn theo đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, trên thực tiễn, thị trường bất động sản luôn rình rập tình trạng sốt nóng hoặc đóng băng và thường xuyên xảy ra theo chu kỳ từ những năm 1990 đến nay. Hậu quả nghiêm trọng của hai trường hợp trên đều gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Nếu chính sách của Nhà nước không điều tiết kịp thời, không có giải pháp hữu hiệu sẽ có thể ảnh hưởng khủng hoảng đến tài chính, kinh tế, cao hơn nữa là khủng hoảng kinh tế. Thậm chí,có thể thấy rằng, hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang đứng trước bờ vực phá sản, người dân khốn đốn. Do đó, việc xây dựng chính sách của Nhà nước đối với thị trường bất động sản rất quan trọng. 

Nghị quyết 18-NQ/TW cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng XIII cũng nêu rõ phải quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất và các tài nguyên khác. Tuy nhiên hiện nay, dự thảo Luật chưa thể chế cụ thể và chưa điều tiết được thị trường bất động sản, cơ cấu lại thị trường bất động sản. Cử trimong muốn việc sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản lần này cần xóa bỏ được tư duy “không buôn gì lãi bằng buôn đất” và có giải pháp để người nghèo không nghèo hơn vì bất động sản, giúp thế hệ sau không vô vọng với ước mơ có được căn nhà của mình.

Ý Đảng, lòng dân và thực tiễn là như vậy, do đó, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị cơ quan soạn thảo có sự đầu tư nhiều hơn đối với Điều 8 dự thảo Luật quy định về Chính sách của Nhà nước đối với đầu tư kinh doanh bất động sản; cần phải xây dựng dày dặn hơn, đầy đủ hơn nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng cũng như thực tiễn đang yêu cầu. Để đảm bảo luật hóa cụ thể các chính sách của Nhà nước đối với thị trường này, đại biểu cho rằng phải đảm bảo được tính ổn định của chính sách, tạo được sự thuận lợi, thông thoáng và tạo được động lực sau khi sửa luật, các nhà đầu tư có thể đầu tư mạnh mẽ vào thị trường bất động sản. Đồng thời phải điều tiết lại cơ cấu phân khúc nhà ở. Hiện nay đang bị mất cân đối bởi phân khúc nhà ở cao cấp đang được đầu tư quá nhiều và “cục máu đông”cũng đang nằm ở tại khu vực này. Phải quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, ứng phó kịp thời, chủ động với tình trạng nóng lạnh của thị trường bất động sản.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình

Ngoài ra, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc chỉ rõ, dự thảo Luật đã được tiến hành rà soát với một bộ luật và 03 luật khác. Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bất động sản liên quan đến rất nhiều các luật khác như Luật Phá sản, Luật Thi hành án dân sự, Luật Tố tụng hình sự,… vẫn chưa được rà soát. Mặt khác, Tờ trình của Chính phủ cũng như hồ sơ trình chưa đề cập tới tính tương thích và sự phù hợp của dự thảo Luật đối với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các luật, các hiệp định có liên quan để khắc phục sự chồng chéo, bất cập trong dự thảo Luật.

Mặt khác, đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình nhận thấy, việc sửa đổi luật nhằm thể chế pháp luật về kinh doanh bất động sản, phát triển thị trường bất động sản trên cơ sở quản lý chặt chẽ, an toàn, lành mạnh, ổn định, vận hành thống thông suốt, cơ cấu lại thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay với mục tiêu khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai nhằm đảm bảo hài hòa giữa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Các quy định đảm bảo chặt chẽ sẽ giúp thị trường bất động sản có tính ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, đại biểu đề nghị rà soát kỹ lưỡng các quy định liên quan đến Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) để các nội dung đảm bảo sự tương thích phù hợp.

Đại biểu Huỳnh Thành Chung – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước nêu rõ, Luật Kinh doanh bất động sản đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động đầu tư phát triển và kinh doanh trong nền kinh tế hiện nay. Bất động sản tác động tới khoảng hơn 30 ngành nghề và là một ngành có đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội rất lớn. Cùng với đó, bất động sản cũng tích hợp nhiều loại hình tài sản khác nhau như nhà ở, công trình về công nghiệp, dịch vụ, du lịch,… Do đó, để “con thuyền” bất động sản phát triển và là bệ đỡ cho nền kinh tế thì cần tạo điều kiện cho hoạt động giao dịch bất động sản có hiệu quả, đảm bảo an toàn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia./.

Minh Thành