NGHIÊN CỨU KỸ VIỆC ÁP THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT ĐỐI VỚI KINH DOANH GAME ONLINE VÀ GIẢI PHÁP QUẢN LÝ CHẶT CHẼ NỘI DUNG GAME XUYÊN BIÊN GIỚI VÀO VIỆT NAM

07/07/2023

Đóng góp vào việc xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhiều doanh nghiệp, hiệp hội lo ngại, nếu áp dụng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, các doanh nghiệp game trong nước sẽ hoạt động khó khăn và thị trường game sẽ nở rộ game lậu, khó kiểm soát nội dung. Thay vì áp dụng thêm thuế này, cần giải pháp quản lý game online xuyên biên giới vào nước ta.

CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG CÓ THỂ KIỂM SOÁT NỘI DUNG, THỜI GIAN VÀ QUẢN LÝ GAME ONLINE BẰNG MÃ ĐỊNH DANH ĐIỆN TỬ

ĐỀ XUẤT CÓ THÊM ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG NHIỀU CHIỀU KHI ĐƯA KINH DOANH DỊCH VỤ TRÒ CHƠI ĐIỆN TỬ TRỰC TUYẾN VÀO CHỊU THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

Khác với hàng hoá thông thường, các sản phẩm trên môi trường Internet rất khó quản lý theo phạm vi biên giới, lãnh thổ. Một người dùng Việt Nam rất dễ dàng trả tiền cho 1 dịch vụ trò chơi của nước ngoài chỉ bằng vài thao tác đơn giản. Trước đây, khi thẻ tín dụng còn chưa nhiều thì việc này còn tương đối khó khăn. Còn hiện nay, khi thanh toán điện tử ngày càng đa dạng thì việc thanh toán dịch vụ ra nước ngoài này là rất phổ biến. Mặc dù các cơ quan quản lý đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng để ngăn chặn tình trạng này nhưng thực sự là chưa có được các giải pháp khả thi.

Toàn cảnh Hội thảo Góp ý đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Theo các doanh nghiệp sáng lập, sản xuất, kinh doanh game Việt Nam, họ đang thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước, phải cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chỉ còn khoảng 15% số doanh nghiệp game Việt Nam đã đăng ký còn hoạt động. Bởi có tới 85% doanh nghiệp game đã ngừng hoặc chuyển hoạt động ra nước ngoài để được hưởng các cơ chế ưu đãi toàn diện từ thủ tục, hạ tầng cho đến thuế suất.

Tuy nhiên, dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với nhiều sửa đổi quan trọng, sẽ có tác động lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật và cả người tiêu dùng. Một trong những điểm mới được đưa vào dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là mở rộng đối tượng chịu thuế là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến trên mạng Internet (game online).

Vấn đề trên đã nhận được những ý kiến đa chiều từ phía các doanh nghiệp, hiệp hội tại Hội thảo Góp ý đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức ở Hà Nội. Theo đó, nhiều doanh nghiệp lo ngại, nếu áp dụng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, các doanh nghiệp game trong nước sẽ hoạt động khó khăn và thị trường game sẽ nở rộ game lậu, khó kiểm soát được về nội dung, đặc biệt là những game online xuyên biên giới xâm nhập vào Việt Nam. 

Ông Đỗ Việt Hùng - Tổng Thư ký Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam.

Ông Đỗ Việt Hùng - Tổng Thư ký Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam nêu quan điểm, dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) bổ sung kinh doanh game online vào chịu thuế là chưa phù hợp về thời điểm trong bối cảnh chung là doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn; đồng thời các chính sách này sẽ tác động đa chiều đến doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội.

Cũng theo ông Đỗ Việt Hùng, khi thể thao điện tử là lĩnh vực mũi nhọn mà Việt Nam đang có nhiều tiềm năng phát triển, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ khiến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt giảm. Bởi lẽ, để hoạt động, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ game online luôn cần đảm bảo các quy định cấp phép về nội dung. Việc hình thành công cụ kiểm soát với những sản phẩm này sẽ không đồng bộ với các sản phẩm game xuyên biên giới. Trong khi đó, chưa ghi nhận quốc gia nào áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên ngành game online.

Với lý lẽ nêu trên, thay mặt Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam, ông Đỗ Việt Hùng kiến nghị cơ quan soạn thảo luật thuế và các tổ chức liên quan cân nhắc toàn diện đầy đủ, thận trọng và việc đưa game online vào áp thuế tiêu thụ đặc biệt là không nên.

Bà Nguyễn Thùy Dung - Giám đốc Công ty SohaGame.

Đồng thuận với quan điểm trên, bà Nguyễn Thùy Dung - Giám đốc Công ty SohaGame nhấn mạnh việc ủng hộ mục tiêu của Bộ Tài chính trong việc bảo vệ sức khỏe trẻ em, định hướng người tiêu dùng. Tuy nhiên, mục tiêu là đúng đắn nhưng giải pháp không hề giải quyết được mục tiêu mong muốn.

Dẫn một thống kê của Apple Store và Google Play, bà Nguyễn Thùy Dung cho hay chỉ có 2,4% người chơi trả phí trong tổng số người chơi game tại thị trường Việt Nam đối với hệ điều hành iOS và chỉ 1,7% người chơi trả phí đối với hệ điều hành Android. Nghĩa là chưa đến 2% số người chơi game tại thị trường Việt Nam có trả phí trong game.

Như vậy, đối tượng tác động được vào chỉ chiếm dưới 2% tổng số lượng người chơi mà chúng ta muốn kiểm soát thông qua việc áp thuế. Ngoài ra, trong tổng số 100.000 game phát hành tại Việt Nam hiện nay, hàng năm chỉ cấp phép dưới 500 game, tức là chưa đến 1% game mà người chơi Việt Nam có thể tiếp cận là game được quản lý. Như vậy, chỉ có 2% người chơi trong 1% game trên các chợ trực tuyến sẽ chịu tác động bởi thuế tiêu thụ đặc biệt.

Mặt khác, theo bà Nguyễn Thùy Dung, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt thì thị trường game sẽ nằm trong tay các công ty nước ngoài và game lậu, game xuyên biên giới vào Việt Nam nhưng khó kiểm soát được về nội dung. Trong khi đó, những nước xung quanh như Singapore có ưu đãi thuế với những doanh nghiệp game. Ngành game Việt Nam đã có 1 Nguyễn Hà Đông, nhưng sau đó bạn Nguyễn Hà Đông đi đâu mặc dù bạn vẫn làm game? Phải chăng những người làm game, doanh nghiệp game phải ra nước ngoài để phát triển? Thay vì áp dụng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt với doanh nghiệp sản xuất, phát hành, kinh doanh game online, cần có giải pháp quản lý game xuyên biên giới vào nước ta.

Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn.

Đại diện cho cộng đồng các doanh nghiệp, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế của VCCI Đậu Anh Tuấn ghi nhận những ý kiến, đề xuất của các đại biểu, doanh nghiệp, hiệp hội đối với dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); đồng thời khẳng định, tất cả những ý kiến, đề xuất tại Hội thảo đều rất thiết thực, đại diện cho quyền lợi, lợi ích của các doanh nghiệp, hiệp hội và là cơ sở để cơ quan soạn thảo dự án Luật nghiên cứu, xem xét trong quá trình sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Chính vì vậy, VCCI mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp từ nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân hơn nữa đối với các nội dung của dự án Luật này.

Về phía đại diện cho đại biểu Quốc hội trong việc tiếp thu ý kiến của các đối tượng chịu tác động của việc sửa đổi dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung đánh giá cao sự đóng góp của đại diện các đại biểu, doanh nghiệp, hiệp hội trong việc góp ý vào dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Cho đến nay, công tác lập pháp của Quốc hội đã đạt nhiều kết quả tích cực, có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong phương thức hoạt động, phát huy dân chủ, đề cao tinh thần trách nhiệm với tinh thần lập pháp chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa.

 Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung.

Chính vì vậy, những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, doanh nghiệp, hiệp hội đối với dự án Luật sẽ là rất kịp thời để các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội xem xét, nghiên cứu trong quá trình xây dựng pháp luật một cách khoa học, có căn cứ, dựa trên đóng góp từ nhiều phía, có sự tính toán đến các đối tượng chịu sự tác động và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội ở trong nước và bối cảnh nền kinh tế thế giới. Những ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp, tiếp thu một cách đầy đủ trong quá trình sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt./.

Bích Lan