NHIỀU Ý KIẾN XUNG QUANH VIỆC ĐƯA NƯỚC UỐNG CÓ ĐƯỜNG VÀO CHỊU THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT
GÓP Ý ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT (SỬA ĐỔI)
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 đã qua 04 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, 2016 và năm 2022 để phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay cho thấy cần sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.
Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với nhiều sửa đổi quan trọng, sẽ có tác động lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật và cả người tiêu dùng. Một trong những điểm mới được đưa vào dự án Luật Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là mở rộng đối tượng chịu thuế là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến trên mạng Internet (game online).
Với điểm mới trên, tại Hội thảo Góp ý đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 05/7, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội kinh danh trò chơi điện tử trực tuyến đã có những ý kiến, đề xuất với các cơ quan chức năng.
Ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến, VNG Games.
Ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến, VNG Games cho biết, trên thực tế, tại Việt Nam, kinh doanh trò chơi điện tử trực tuyến là 1 ngành kinh doanh có điều kiện. Tất cả các game muốn kinh doanh đều phải được thẩm định nội dung bởi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cụ thể ở đây là Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông. Bên cạnh việc phải đảm bảo các yêu cầu về yếu tố nội dung, trò chơi trực tuyến khi đưa ra thị trường luôn có sự phân loại độ tuổi rất rõ ràng và khuyến cáo người dùng trước khi sử dụng. Hầu hết những nội dung không lành mạnh, lệch chuẩn đều đến từ các game được phát hành trái phép trên lãnh thổ Việt Nam. Những game này không bị quản lý bởi các cơ quan quản lý chuyên ngành, đồng thời cũng không đóng bất cứ khoản thuế nào cho nhà nước Việt Nam.
Khác với hàng hoá thông thường, các sản phẩm trên môi trường Internet rất khó quản lý theo phạm vi biên giới, lãnh thổ. Một người dùng Việt Nam rất dễ dàng trả tiền cho 1 dịch vụ trò chơi của nước ngoài chỉ bằng vài thao tác đơn giản. Trước đây, khi thẻ tín dụng còn chưa nhiều thì việc này còn tương đối khó khăn. Còn hiện nay, khi thanh toán điện tử ngày càng đa dạng thì việc thanh toán dịch vụ ra nước ngoài này là rất phổ biến. Mặc dù các cơ quan quản lý đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng để ngăn chặn tình trạng này nhưng thực sự là chưa có được các giải pháp khả thi.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước, phải cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chỉ còn khoảng 15% số doanh nghiệp game Việt Nam đã đăng ký còn hoạt động. 85% đã ngừng hoặc chuyển hoạt động ra nước ngoài để được hưởng các cơ chế ưu đãi toàn diện từ thủ tục, hạ tầng cho đến thuế suất.
Nếu chồng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, với những ý kiến đã nêu ở phần trên, ông Lã Xuân Thắng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà. Thị phần sẽ thuộc về các sản phẩm lậu, không phép và dẫn đến công tác quản lý về nội dung, văn hoá, tài chính,… sẽ trở nên rất nặng nề. Vì vậy, ông Lã Xuân Thắng đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật, Chính phủ, Quốc hội cân nhắc kỹ lưỡng và nghiên cứu lại việc đưa trò chơi trực tuyến vào diện đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Trong bối cảnh Nhà nước chưa thể tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp trái phép, nếu chưa có những đánh giá đầy đủ, xác đáng, khách quan, đa chiều về tác động của chính sách với ngành thì ít nhất chúng ta cần có thêm những nghiên cứu sâu hơn trước khi đưa ra quyết định.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - đại diện Liên minh các nhà sản xuất và phát hành trò chơi điện tử trên mạng Việt Nam.
Đồng thuận với quan điểm trên, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - đại diện Liên minh các nhà sản xuất và phát hành trò chơi điện tử trên mạng Việt Nam nêu quan điểm: Ngành game có nhiều tiềm năng, được rất nhiều quốc gia trên thế giới coi là một trong những trụ cột của kinh tế số, vì những lợi ích mà nó mang lại, không chỉ là về doanh thu, lợi nhuận, mà còn trực tiếp tác động đến doanh thu của các ngành khác.
Việt Nam cùng với Đông Nam Á được xem là thị trường mới nổi, với lượng người dùng Internet lớn và đang tăng nhanh. Mức tăng trưởng doanh thu ngành game ở Đông Nam Á từ 2020-2025 trung bình ước tính là 8.2% mỗi năm, chỉ số này ở Việt Nam là gần 9%. Doanh thu dự kiến toàn từ ngành game ở thị trường Việt Nam năm 2022 là 0,8 tỷ USD, Việt Nam vẫn xếp sau các nước trong khu vực như Indonesia (1,8 tỷ USD), Thái Lan (1 tỷ USD), Malaysia (0,9 tỷ USD), Philippines (0,85 tỷ USD). Tuy nhiên, với tỷ lệ tăng trưởng trung bình 9%/năm, cao hơn trung bình của khu vực, cùng với lượng người dùng lớn, Việt Nam vẫn là một thị trường rất tiềm năng trong mắt các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, trong suốt nhiều năm qua ở Việt Nam, xã hội và cộng đồng vẫn dành cho game cái nhìn không thật sự thiện cảm, cho rằng trò chơi trực tuyến chứa các nội dung không lành mạnh, bạo lực, ảnh hưởng lệch lạc, tiêu cực tới giới trẻ, không được khuyến khích phát triển như các ngành giải trí – sáng tạo nội dung số khác. Vì vậy, doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn và có tốc độ phát triển còn hạn chế.
Mặt khác, trong suốt nhiều năm, doanh nghiệp phát triển game nội địa phải chịu sự cạnh tranh cực kỳ gay gắt từ các tập đoàn game và công nghệ toàn cầu và dần mất đi sức cạnh tranh ngay trên chính sân nhà. Thực tế là theo thống kê của Cục Phát Thanh truyền hình và thông tin điện Tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, có không đến 20 doanh nghiệp game Việt Nam đang còn hoạt động thường xuyên trên tổng số hơn 200 doanh nghiệp đã đăng ký. Bên cạnh việc nhiều doanh nghiệp Việt rời bỏ thị trường thì cũng có nhiều doanh nghiệp phải đang dần bán mình cho các công ty nước ngoài.
Cũng theo thống kê của Newzoo, tại thị trường Việt Nam năm 2022, dù thị trường tiềm năng, nhưng tổng doanh thu của các doanh nghiệp có nguồn gốc nội địa chỉ chiếm khoảng 22%, phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp có nguồn gốc nước ngoài.
Ngành game có một khác biệt rất lớn nếu so với các ngành nghề kinh doanh khác, đó là vì môi trường kinh doanh chủ yếu trên Internet. Với môi trường kinh doanh là Internet, khoảng cách địa lý không còn quan trọng, các doanh nghiệp lớn mạnh có thể nhanh chóng phát hành sản phẩm và tiếp cận thị trường toàn cầu, bao gồm Việt Nam, với mức tăng trưởng không giới hạn. Các doanh nghiệp nhỏ ở các nước đang phát triển phải chịu sự cạnh tranh trực tiếp ngay trên chính sân nhà của mình, vì việc quản lý của Chính phủ trên môi trường internet là cực kỳ khó khăn và bị động.
Theo nghiên cứu của Liên minh các nhà sản xuất và phát hành trò chơi điện tử trên mạng Việt Nam, cũng chưa có bất cứ quốc gia/vùng lãnh thổ nào trên thế giới áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho ngành game. Một số nước áp dụng cơ chế kiểm soát về nội dung hoặc cơ chế kiểm soát thời gian chơi game tương tự như Việt Nam (điển hình là Trung Quốc, Hàn Quốc) chứ công cụ thuế thì chưa có tiền lệ.
Với những phân tích trên đây, Liên minh Game đại diện cho các doanh nghiệp làm game Việt Nam muốn gửi đến thông điệp rằng thị trường game ở Việt Nam tuy đang phát triển, nhưng doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, và cạnh tranh với cả chính sách hỗ trợ của các quốc gia trong khu vực. Do đó, Liên minh các nhà sản xuất và phát hành trò chơi điện tử trên mạng Việt Nam mong và đề xuất trò chơi trực tuyến sẽ không bị đưa vào danh mục đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như trong dự án Luật.
Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế của VCCI Đậu Anh Tuấn.
Đại diện cho cộng đồng các doanh nghiệp, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế của VCCI Đậu Anh Tuấn ghi nhận những ý kiến, đề xuất của các đại biểu, doanh nghiệp, hiệp hội đối với dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); đồng thời khẳng định, tất cả những ý kiến, đề xuất tại Hội thảo đều rất thiết thực, đại diện cho quyền lợi, lợi ích của các doanh nghiệp, hiệp hội và là cơ sở để cơ quan soạn thảo dự án Luật nghiên cứu, xem xét trong quá trình sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Chính vì vậy, VCCI mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp từ nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân hơn nữa đối với các nội dung của dự án Luật này.
Đại diện cho đại biểu Quốc hội trong việc tiếp thu ý kiến của các đối tượng chịu tác động của việc sửa đổi dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung đánh giá cao sự đóng góp của đại diện các đại biểu, doanh nghiệp, hiệp hội trong việc góp ý vào dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Cho đến nay, công tác lập pháp của Quốc hội đã đạt nhiều kết quả tích cực, có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong phương thức hoạt động, phát huy dân chủ, đề cao tinh thần trách nhiệm với tinh thần lập pháp chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa.
Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung.
Chính vì vậy, những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, doanh nghiệp, hiệp hội đối với dự án Luật sẽ là rất kịp thời để các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội xem xét, nghiên cứu trong quá trình xây dựng pháp luật một cách khoa học, có căn cứ, dựa trên đóng góp từ nhiều phía, có sự tính toán đến các đối tượng chịu sự tác động và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội ở trong nước và bối cảnh nền kinh tế thế giới. Những ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp, tiếp thu một cách đầy đủ trong quá trình sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt./.