ĐỀ XUẤT CÓ THÊM ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG NHIỀU CHIỀU KHI ĐƯA KINH DOANH DỊCH VỤ TRÒ CHƠI ĐIỆN TỬ TRỰC TUYẾN VÀO CHỊU THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT
NHIỀU Ý KIẾN XUNG QUANH VIỆC ĐƯA NƯỚC UỐNG CÓ ĐƯỜNG VÀO CHỊU THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, 2015 và năm 2022 để phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy cần sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với nhiều sửa đổi quan trọng, sẽ có tác động lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật và cả người tiêu dùng.
Một trong những điểm mới được đưa vào dự án Luật Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là mở rộng đối tượng chịu thuế là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khoẻ như: thuốc lá, rượu, bia và nước uống có đường để hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng.
Toàn cảnh Hội thảo Góp ý đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Vấn đề trên đã được nhiều cơ quan, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội quan tâm, đưa ra ý kiến, đề xuất tại Hội thảo Góp ý đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức ở Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết, ngành Đồ uống đang đặc biệt khó khăn do tác động từ Covid-19, Nghị định 100. Trong khi đó, nguồn cầu giảm, giá nguyên vật liệu đầu vào lại tăng 50-60% khiến nhiều cửa hàng phải đóng cửa. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia được đặt ra từ năm 2014. Thống kê cho thấy, năm 2016, khi bắt đầu tăng thuế thì phần thu tăng khá cao, nhưng năm 2017 hầu như không tăng, 2018 tăng không đáng kể.
Tương tự, năm 2019 ghi nhận tăng trưởng nhẹ, nhưng nộp ngân sách Nhà nước vẫn tăng, cho thấy doanh nghiệp vẫn phát triển. Tuy nhiên, năm 2020 do tác động của Covid-19, thuế suất giảm xuống 14,05%, và năm 2021 vẫn ảnh hưởng nên thuế giảm còn 7%.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam.
Trước thực tế trên, ông Nguyễn Văn Việt mong rằng, các cơ quan quản lý xem xét, đánh giá lại, chưa sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ít nhất trong thời gian từ năm 2023-2025 và ổn định chính sách thuế như hiện nay để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phục hồi sản xuất.
Góp ý về nội dung trên, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương dẫn chứng Báo cáo được Viện thực hiện vào các năm 2018-2021. Theo đó, trong Báo cáo cho thấy, nếu bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế thiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 10% và nâng thuế giá trị gia tăng thêm 2% sẽ khiến doanh thu của ngành sản xuất nước giải khát thiệt hại lớn.
Chính sách thuế này nếu được áp dụng sẽ kéo theo hàng loạt tác động lan tỏa đối với tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị theo chiều dọc, như các doanh nghiệp bao bì, vận chuyển, bán lẻ, mía đường,… và cả nền kinh tế nói chung. Xét tổng thể, giá trị tăng thêm của cả nền kinh tế (GVA) giảm 0,135%, GDP giảm 0,115%, thu nhập của người lao động từ sản xuất của cả nền kinh tế giảm 0,155%, thặng dư sản xuất giảm 0,083%, lao động giảm 0,092%; thu ngân sách qua thuế gián thu giảm khoảng từ 0,065% - 0,085%.
Với bất cập nêu trên, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, cần xem xét các tác động của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với không chỉ ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì và hậu cần.
Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
Đồng thuận với quan điểm trên, ông Trần Ngọc Trung - Trưởng Tiểu ban Pháp luật, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội cho rằng, đường là một mặt hàng đặc biệt khi đang được hưởng những chính sách bảo hộ để hỗ trợ phát triển, như hạn ngạch thuế quan, thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho các sản phẩm có đường sẽ tạo sự thiếu nhất quán về mặt lập pháp trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành đường bằng cách gián tiếp hạn chế lượng tiêu thụ đường.
Ngoài ra, mục tiêu thu ngân sách cũng khó đạt được do sự tương quan trong việc giảm thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của các nhà sản xuất đồ uống, tạo sự sụt giảm theo chuỗi cung ứng khi các doanh nghiệp cung cấp đầu vào khác cũng chịu sự sụt giảm theo.
Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung.
Đại diện cho đại biểu Quốc hội trong việc tiếp thu ý kiến của các đối tượng chịu tác động của việc sửa đổi dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung đánh giá cao sự đóng góp của đại diện các đại biểu, doanh nghiệp, hiệp hội trong việc góp ý vào dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Cho đến nay, công tác lập pháp của Quốc hội đã đạt nhiều kết quả tích cực, có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong phương thức hoạt động, phát huy dân chủ, đề cao tinh thần trách nhiệm với tinh thần lập pháp chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa.
Chính vì vậy, những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, doanh nghiệp, hiệp hội đối với dự án Luật sẽ là rất kịp thời để các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội xem xét, nghiên cứu trong quá trình xây dựng pháp luật một cách khoa học, có căn cứ, dựa trên đóng góp từ nhiều phía, có sự tính toán đến các đối tượng chịu sự tác động và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội ở trong nước và bối cảnh nền kinh tế thế giới. Những ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp, tiếp thu một cách đầy đủ trong quá trình sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt./.