HỘI THẢO KHOA HỌC ĐỔI MỚI TƯ DUY LẬP PHÁP TRONG BỐI CẢNH XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN
Lập Hiến, lập pháp là một trong những chức năng quan trọng nhất của Quốc hội
Hoạt động lập pháp của Quốc hội ngày càng được tăng cường và đẩy mạnh
Lập Hiến, lập pháp là một trong những chức năng quan trọng nhất của Quốc hội. Chức năng này đã được quy định trong các Hiến pháp (năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013) và được quy định cụ thể trong các luật tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trong các văn bản pháp luật khác.
Từ khi Nhà nước ta thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đến nay, hoạt động lập pháp của Quốc hội ngày càng được tăng cường và đẩy mạnh. Số lượng các văn bản pháp luật được Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành ngày càng nhiều; pháp luật là cơ sở để xây dựng và hoàn thiện bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là phương tiện thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội; để Nhà nước quản lý xã hội và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước – Thị trường – Xã hội; là cơ sở để xây dựng và phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, ghi nhận và bảo đảm bình đẳng và công bằng xã hội; là phương tiện thể hiện ý chí, nguyện vọng, lợi ích của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; cơ sở để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát triển các lĩnh vực xã hội; và tạo lập môi trường ổn định cho việc thiết lập các các mối quan hệ hợp tác và phát triển; điều chỉnh các quan hệ mới...
Trong thời gian vừa qua công tác lập pháp đã đạt được những thành tựu nhất định: Hệ thống pháp luật cơ bản đã bảo đảm được tính toàn diện, dễ tiếp cận, ngày càng tiệm cận một cách đầy đủ hơn các tiêu chí về tính thống nhất, phù hợp, khả thi; hệ thống pháp luật trên các lĩnh vực không ngừng được xây dựng và hoàn thiện, đặc biệt là sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác xây dựng pháp luật còn một số tồn tại, hạn chế: Pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu ổn định; còn một số nội dung chưa có luật điều chỉnh hoặc chưa quy định cụ thể; trong hệ thống pháp luật vẫn còn những quy định chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu khả thi, mâu thuẫn, chồng chéo; ... Những hạn chế nêu trên đòi hỏi công tác lập pháp phải luôn được đổi mới về nhận thức và hình thức, phương thức thực hiện.
Đề xuất về đổi mới tư duy lập pháp ở Việt Nam
Thứ nhất, hoạt động lập pháp tiếp tục phải “kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai đúng đắn, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng”; phải đổi mới phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động lập pháp. Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị lãnh đạo công tác lập pháp của đất nước; cấp ủy Đảng, Đảng đoàn, Ban cán sự đảng ở những nơi có thẩm quyền lãnh đạo công tác xây dựng pháp luật ở cấp, ngành, địa phương mình trên cơ sở chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thống nhất thực hiện quyền lực nhà nước, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp.
Thứ hai, đổi mới tư duy lập pháp theo hướng “tăng cường xây dựng các đạo luật có nội dung cụ thể, hiệu lực trực tiếp”, các đạo luật cần ngắn gọn, tác động điều chỉnh các quan hệ xã hội theo phạm vi hẹp, chuyên sâu bảo đảm cho hoạt động thẩm tra, thẩm định được dễ dàng trong thực tế, khắc phục tình trạng trùng lặp, mâu thuẫn chồng chéo giữa các điều trong văn bản luật và giữa các đạo luật với nhau. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới hoạt động lập pháp cần dựa trên nguyên tắc “tương thích” pháp luật; và về kỹ thuật xây dựng pháp luật cần thay đổi xây dựng luật dựa trên phương pháp “liệt kê các loại việc” sang bằng phương pháp xây dựng luật theo “phương pháp loại trừ” để tránh phải sửa đổi, sung các dự luật khi thực tế thay đổi và bảo đảm tính ổn định của các dự luật khi được ban hành.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới tư duy về bản chất, vai trò và giá trị của pháp luật để sử dụng pháp luật một cách đúng đắn, hiệu quả, phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước, góp phần phát triển xã hội Việt Nam theo hướng đề cao và phát huy bản chất xã hội, nhân văn, thực hiện tốt chức năng xã hội, vai trò thuyết phục, sáng tạo, giá trị của pháp luật. Pháp luật thực sự là phương tiện tổ chức mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nhân tố của phát triển xã hội, là công cụ, phương tiện tiến hành các phương thức kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước, của quản lý nhà nước; là nhân tố huy động, bổ sung, sử dụng, kiểm soát nguồn lực phát triển xã hội, thiết lập trật tự xã hội.
Thứ tư, đổi mới tư duy lập pháp theo hướng pháp luật ban hành phải xuất phát và gắn chặt thực tiễn xã hội phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Trong quản lý nhà nước, điều dễ nhận thấy các quan hệ xã hội phát sinh trên các lĩnh vực quản lý rất phong phú, đa dạng, luôn vận động và phát triển không ngừng. Yêu cầu đặt ra cho các chủ thể quản lý cần ban hành pháp luật, đặt ra các quy tắc xử sự chung để các chủ thể trong xã hội căn cứ vào đó để thực hiện các hành vi xử sự. Ở nước ta, xuất phát từ bản chất của nhà nước ta - Nhà nước của nhân dân, do nhân và vì nhân dân; vì vậy nhà nước có trách nhiệm ban hành pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể được tham gia trong các quan hệ xã hội một cách thoải mái mà không phải từ những áp đặt mang nặng tính quản lý hay cai trị của nhà quản lý.
Pháp luật không được mang tính “áp đặt” cho cuộc sống xã hội; nếu như vậy sẽ có nguy cơ kìm hãm sự phát triển của xã hội, làm giảm tính dân chủ và quyên làm chủ của nhân dân. Bên cạnh đó, việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, mang hơi thở của thực tiễn; pháp luật được ban hành phải xuất phát từ cơ cấu nhu cầu của đời sống xã hội, phục vụ cho lợi ích chung của toàn xã hội, có như vậy mới bảo đảm tính khả thi của pháp luật trong thực tiễn quản lý. Pháp luật phải thể hiện rõ sự ngăn cấm đối với các hành vi không phù hợp với đời sống thực tại, ảnh hưởng đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc hay sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống cần pháp luật điều chỉnh.
Thực tế cho thấy một trong những yêu cầu trong xây dựng, ban hành pháp luật đó là pháp luật phải phản ánh đúng thực tiễn khách quan của đời sống xã hội tại thời điểm tồn tại của pháp luật; về nguyên tắc pháp luật không được cao hơn trình độ phát triển của kinh tế - xã hội, nếu cao hơn thì pháp luật sẽ “bất khả thi”. Ngược lại pháp luật cũng không được thấp hơn trình độ phát triển của kinh - xã hội tại thời điểm tồn tại của pháp luật, nếu thấp hơn thì pháp luật sẽ kém hiệu quả, mục đích điều chỉnh của pháp luật sẽ không đạt được. Vì vậy, hơn bao giờ hết, trong quá trình xây dựng pháp luật, việc quan trọng nhất là đánh giá đúng thực tiễn, phát hiện được cơ cấu nhu cầu của đời sống xã hội, yêu cầu của cuộc sống để xây dựng, ban hành pháp luật phục vụ cho đời sống thực tiễn.
Thứ năm, đổi mới tư duy lập pháp theo hướng bảo đảm “quyền lực nhà nước phải được quy định trong pháp luật và pháp luật là công cụ để kiểm soát quyền lực nhà nước”. Trong quản lý nhà nước phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, làm sâu sắc mối quan hệ giữa Hiến pháp và hệ thống pháp luật; quyền lực nhà nước phải được quy định rõ ràng trong pháp luật và pháp luật chính là phương tiện để kiểm soát quyền lực nhà nước; đề cao vai trò và vị trí tối thượng của Hiến pháp, tôn trọng giá trị của các đạo luật; coi trọng tư duy về tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước là tư tưởng cốt lõi trong tư duy về pháp quyền, bảo đảm con người thực sự là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể của phát triển.
Thứ sáu, đổi mới tư duy lập pháp theo hướng pháp luật là công cụ quản lý sự thay đổi; mang tính định hướng, kiến tạo phát triển. Chuyển trạng thái tư duy lập pháp từ quản lý các quan hệ đã định hình sang quản lý sự thay đổi để có thể phản ứng, thích ứng kịp thời với những biến chuyển nhanh chóng, khó đoán định trong thế giới ngày nay như vấn đề của toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, cách mạng công nghiệp lần thứ tư,... Xây dựng pháp luật phải mở đường cho kiến tạo phát triển, cho đối mới sáng tạo để khơi dậy, kích thích, phát huy có hiệu quả mọi tiềm năng trong xã hội. Việc xây dựng pháp luật phải dựa trên cơ sở thực tiễn, tránh chủ quan, duy ý chí, áp đặt khi chưa có đủ kết quả phân tích, đánh giá thông tin, dữ liệu có tính khoa học, khách quan.
Thứ bảy, tiếp tục đổi mới tư duy về hệ thống pháp luật theo hướng chuyển đổi từ hệ thống pháp luật còn có những quy định thiếu tính ổn định, chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu tính khả thi, còn mâu thuẫn, chồng chéo... sang hệ thống pháp luật đáp ứng đòi hỏi của xã hội pháp quyền, Nhà nước pháp quyền XHCN, kinh tế thị trường định hướng XHCN và nền dân chủ XHCN. Bảo đảm hiện đại hóa hệ thống pháp luật; đẩy mạnh đổi mới pháp luật về hệ thống chính trị, về quyền con người, quyền công dân, quyền của tổ chức, cá nhân trong các quan hệ dân sự, về lĩnh vực xã hội, về lĩnh vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa; đề cao coi trọng vị trí của các đạo luật trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục tư duy và thói quen chờ nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo rồi mới triển khai thi hành luật; Hình thành tư duy và thói quen áp dụng án lệ trong thực tiễn xét xử của tòa án nhân dân. Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống pháp luật về chất lượng, không chạy theo số lượng văn bản; tập trung bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, nâng cao tính ổn định, luôn bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn./.