BỘ TÀI CHÍNH ĐỀ NGHỊ CÁC ĐỊA PHƯƠNG QUYẾT LIỆT GIẢI NGÂN VỐN THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

27/06/2023

Đề xuất giải pháp về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc giải ngân vốn năm 2022 được kéo dài sang năm 2023; khẩn trương giao kế hoạch và phân bổ vốn thực hiện các CTMTQG năm 2023. Đồng thời chủ động rà soát, báo cáo khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định về quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG và đề xuất giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ các vướng mắc.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỦ TRÌ CUỘC LÀM VIỆC CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VỚI BỘ TÀI CHÍNH VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: ĐỀ NGHỊ BỘ TÀI CHÍNH RÀ SOÁT, KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG DẪN CHIẾU QUÁ NHIỀU VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với Bộ Tài chính, báo cáo việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bễn vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Võ Thành Hưng cho biết, Bộ đã chủ trì ban hành các văn bản hướng dẫn định mức, quản lý, quyết toán và sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương (NSTW) kinh phí sự nghiệp để thực hiện các CTMTQG.

Bộ Tài chính đã ban hành 3 Thông tư quản lý kinh phí sự nghiệp thực hiện 3 CTMTQG, 1 Thông tư quy định về hệ thống mục lục NSNN và 1 Thông tư quy định mẫu biểu sử dụng trong công tác thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công.

Trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương có phản ánh một số nội dung vướng mắc, Bộ Tài chính đã có các văn bản hướng dẫn thêm cho các địa phương. Đồn thời trên cơ sở rà soát các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đối với một số quy định tại các Thông tư và các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung 3 Thông tư quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp thực hiện 3 CTMTQG, xin ý kiến các bộ ngành địa phương.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng

Trong quá trình tham gia xây dựng văn bản hướng dẫn, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết, Bộ Tài chính luôn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ trì, đảm bảo rà soát để trình cấp có thẩm quyền ban hành cho thống nhất và phù hợp. Đồng thời trong quá trình tổ chức thực hiện, để tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và tham gia giải quyết vướng mắc về giao vốn sự nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Về việc cân đối, phân bổ và giao kế hoạch vốn, Thứ trưởng Võ Thành Hưng nêu rõ, tổng kinh phí NSTW thực hiện 3 CTMTQG giai đoạn 2021-2025 là 194.006,8 tỷ đồng. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao 1.543,1 tỷ đồng vốn sự nghiệp nguồn NSTW cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới và CTMTQG giảm nghèo bền vững. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ giao 34.049 tỷ đồng nguồn NSTW cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới, CTMTQG giảm nghèo bền vững và CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN.

Thứ trưởng Võ Thành Hưng cũng cho rằng, trên cơ sở thực tiễn triển khai vốn ngân sách đã bố trí cho các CTMTQG ở các bộ, ngành, địa phương trong năm 2022 còn chậm (đến thời điểm báo cáo Quốc hội tháng 10/2022 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư mới đạt 3,75%), Quốc hội đã cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư và sự nghiệp của NSTW trong năm 2022 của 3 CTMTQG đến hết ngày 31/12/2023.

Năm 2023, kinh phí NSTW bố trí thực hiện 3 CTMTQG giai đoạn 2021-2023 là 85.136,1 tỷ đồng, bằng 43,9%. Số kinh phí NSTW còn phải bố trí giai đoạn 2024-2025 là 108.870,7 tỷ đồng, bằng 56,1%. Bộ Tài chính cho biết, sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan chủ 3 CTMTQG, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện 3 CTMTQG đảm bảo khớp đúng tổng mức đã được phê duyệt tại các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về tình hình giải ngân vốn, Bộ Tài chính cho biết, đến hết tháng 5/2023 là 6.750 tỷ đồng, đạt khoảng 20,6% kế hoạch; ước đến hết tháng 6/2023 đạt khoảng 33,6% kế hoạch.

Nhìn chung, Bộ Tài chính đã ban hành đầy đủ cơ chế, chính sách để thực hiện 3 CTMTQG theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Bộ đã phối hợp với các Bộ chủ các CTMTQG trình cấp có thẩm quyền quyết định và giao dự toán kinh phí sự nghiệp thực hiện 3 CTMTQG giai đoạn 2021-2023 là 35.711,1 tỷ đồng; đồng thời phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối bố trí vốn đầu tư thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 là 102.050 tỷ đồng.

Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với Bộ Tài chính về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Việc ban hành Thông tư quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện các CTMTQG của Bộ Tài chính mặc dù đã tiến hành khẩn trương, quyết liệt nhưng vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu về thời gian. Việc chậm trễ xuất phát do phải căn cứ nhiều văn bản như Nghị định cơ chế quản lý các CTMTQG, các Quyết định phê duyệt chuyên đề của Thủ tướng Chính phủ đối với các CTMTQG xây dựng nông thôn mới, các văn bản hướng dẫn chuyên môn của các bộ, ngành chủ quản dự án, tiểu dự án thành phần; đồng thời, phải cần một thời gian nhất định để tiến hành các quy trình thủ tục xây dựng, thẩm định theo quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Thông tư được ban hành trong quá trình thực hiện có phát sinh một số vướng mắc, căn cứ Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022, Bộ Tài chính sẽ sửa đổi các Thông tư cho phù hợp.

Từ những bất cập nêu trên, Bộ Tài chính kiến nghị Quốc hội ưu tiên cân đối đủ ngân sách theo đúng các Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện có hiệu quả 3 CTMTQG; Giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện và hiệu quả quản lý sử dụng nguồn lực của các CTMTQG ở các bộ, ngành, địa phương theo đúng các Nghị quyết của Quốc hội. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục chủ động rà soát, đánh giá các chính sách, chế độ thực hiện 3 CTMTQG, báo cáo các khó khăn, vướng mắc gửi các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các Bộ quản lý chương trình để tổng hợp xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Lãnh đạo Bộ Tài chính tại cuộc làm việc

Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc giải ngân vốn năm 2022 được kéo dài sang năm 2023; khẩn trương giao kế hoạch và phân bổ vốn thực hiện các CTMTQG năm 2023; chủ động cân đối, bố trí vốn đối ứng thực hiện các CTMTQG; xây dựng kế hoạch vốn năm sau cần căn cứ điều kiện thực hiện các CTMTQG tại địa phương để đề xuất nhu cầu kinh phí phù hợp với từng dự án, tiểu dự án thành phần của các CTMTQG, để gửi các bộ chủ Chương trình để tổng hợp gửi Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền. Đồng thời chủ động rà soát, báo cáo khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định về quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG và đề xuất giải pháp cụ thể.

Bộ Tài chính sẽ khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương sửa đổi 3 Thông tư hướng dẫn về chi thường xuyên của 3 CTMTQG, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, tháo gỡ khó khăn phát sinh thực tế.

Đồng thời ưu tiên cân đối, bố trí nguồn lực chi thường xuyên cho các CTMTQG theo đúng Nghị quyết của Quốc hội; căn cứ đề xuất của các Bộ Xây dựng, Bộ Y tế về khả năng thực hiện trong năm 2023, trình Chính phủ, trình cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2023 cho 2 nhiệm vụ cải thiện dinh dưỡng và hỗ trợ nhà ở thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững; phần còn lại sẽ bố trí đủ vào các năm 2024-2025. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các bộ ngành liên quan khi có yêu cầu để thực hiện kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các CTMTQG ở các bộ, ngành, địa phương./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng