PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỦ TRÌ CUỘC LÀM VIỆC CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VỚI BỘ TÀI CHÍNH VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
Toàn cảnh cuộc làm việc
Qua thảo luận, các thành viên Đoàn giám sát nhất trí với nhiều nội dung trong báo cáo của Bộ Tài chính và báo cáo của Tổ Công tác. Đồng thời đánh giá cao bố cục, nội dung, số liệu, phụ lục cơ bản bảo đảm yêu cầu của Đoàn giám sát, đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc tập trung triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ. Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với các bộ ngành liên quan trong triển khai thực hiện 3 CTMTQG, kịp thời tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền, bố trí kinh phí sự nghiệp Trung ương thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2023.
Báo cáo của Bộ Tài chính đã phản ánh cơ bản về tình hình triển khai, một số kết quả thực hiện 3 CTMTQG, tập trung vào việc ban hành các văn bản của Bộ Tài chính theo nhiệm vụ được phân công; các phụ lục kèo theo có thông tin về kết quả có thông tin về kết quả phân bổ, giải ngân của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện 3 CTMTQG giai đoạn 2021-2023; làm rõ một số hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân trong việc chậm phân bổ một số nguồn vốn…
Khắc phục tình trạng dẫn chiếu quá nhiều các văn bản quy phạm pháp luật
Bộ Tài chính đã ban hành 3 Thông tư: Thông tư số 15 ngày 4/3/2022, Thông tư số 46 ngày 28/7/2022, Thông tư số 53 ngày 12/8/2022 và một số văn bản để hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp thực hiện với các bộ, ngành địa phương trong triển khai thực các Chương trình.
Tuy nhiên, đa số ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát nhận thấy, nội dung 3 Thông tư hướng dẫn thực hiện 3 CTMTQG dẫn chiếu 324 lượt điều khoản hoặc tên văn bản của 97 văn bản; trong đó dẫn chiếu 59 lượt từ 9 văn bản của 3 CTMTQG và 265 lượt từ 88 văn bản khác đã ban hành trước đó (trong đó có 31 Thông tư của Bộ Tài chính).
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry
Đánh giá Báo cáo của Bộ Tài chính gửi đến Đoàn giám sát khá rõ nét, cầu thị, cho thấy nỗ lực của Bộ Tài chính trong triển khai thực hiện 3 CTMTQG, tuy nhiên, xung quanh việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry cho rằng, trong 3 Thông tư của Bộ Tài chính dẫn chiếu 324 lượt điều khoản của 97 văn bản. Trong khi theo yêu cầu của Nghị quyết 88 là tích hợp các chính sách đồng bộ và thống nhất việc thu gọn đầu mối, phân công nhiệm vụ rõ ràng.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry băn khoăn, việc thu gọn đầu mối, cải cách thủ tục hành chính của 3 CTMTQG có đổi mới gì so với giai đoạn trước để đảm bảo yêu cầu và tinh thần của Nghị quyết 88 đã đặt ra? Liệu có giảm được văn bản nào không? Những văn bản vướng mắc, bất cập được đối chiếu khá rõ, đến khi nào mới khắc phục được những bất cập này?
Các ý kiến cho rằng, việc dẫn chiếu quá nhiều văn bản khác nhau, trong đó nhiều nội dung chưa cụ thể về nội dung chi và mức chi. Do đó, các ý kiến đề nghị Bộ Tài chính cần có ngay giải pháp khắc phục kịp thời theo hướng Bộ Tài chính và các Bộ chủ quản cùng các bộ, ngành liên quan cần thống nhất một danh mục tổng hợp đầy đủ các mục chi, mức chi hoặc hướng dẫn chi tiết cho các hoạt động, dự án, tiểu dự án của 3 CTMTQG để tạo thực lợi cho địa phương thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình. Đồng thời cần rà soát các chính sách đã ban hành để tích hợp, lồng ghép chính sách.
Làm rõ thêm việc hướng dẫn các địa phương lồng ghép nguồn vốn
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai cho biết, Bộ Tài chính có trách nhiệm chung là bố trí vốn và cân đối cho CTMTQG, phối hợp các bộ ngành liên quan để xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn và quản lý vốn ngân sách trung ương, đặc biệt là kinh phí sự nghiệp thực hiện CTMTQG giai đoạn 2021-2025. Đồng thời đánh giá cao Bộ Tài chính đã triển khai tương đối đầy đủ các nhiệm vụ được giao.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị Bộ Tài chính có đánh giá cụ thể, toàn diện, sâu sắc hơn về công tác phối hợp với các bộ ngành liên quan có tồn tại, khó khăn, vướng mắc gì không? Bộ Tài chính xử lý thế nào về các khó khăn, vướng mắc đó để đảm bảo phân bổ nguồn vốn, giải ngân nguồn vốn của CTMTQG hiệu quả trong thời gian tới?
Qua làm việc với các địa phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai nhận thấy, vấn đề nổi lên trong 3 CTMTQG chính là việc lồng ghép vốn, bày tỏ băn khoăn liệu khi thực hiện lồng ghép nguồn vốn của 3 CTMTQG thì có được lồng ghép 3 nguồn vốn phát triển sản xuất của 3 Chương trình trong 1 dự án hay không? Đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu và trả lời vấn đề này, các địa phương mong muốn được các bộ ngành hướng dẫn rõ hơn để địa phương xây dựng cơ chế lồng ghép.
Đồng thời đề nghị Bộ làm rõ thêm về việc hướng dẫn các địa phương lồng ghép nguồn vốn như thế nào trong thực tế để triển khai thực hiện lồng ghép nguồn vốn đến nay.
Vướng mắc liên quan đến Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính đã được giải quyết triệt để hay chưa?
Qua nghiên cứu báo cáo của Bộ Tài chính và kết quả của Tổ Công tác làm việc với Bộ Tài chính, đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá cao Báo cáo của Bộ đã bám sát đề cương của Đoàn giám sát, thể hiện đầy đủ nội dung theo yêu cầu.
Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị Bộ Tài chính làm rõ giai đoạn 2021-2023, Bộ đã tổ chức Đoàn công tác nào đi kiểm tra, thanh tra việc sử dụng kinh phí thực hiện CTMTQG thuộc thẩm quyền theo khoản 3, Điều 35 của Nghị định số 27 chưa?
Với kết quả giải ngân vốn đầu tư qua các năm như hiện nay đạt tỷ lệ rất thấp, Bộ Tài chính đánh giá thế nào về khả năng giải ngân vốn đầu tư các CTMTQG đến năm 2025.
Cho rằng Bộ Tài chính đã trả lời các kiến nghị về các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện 3 CTMTQG theo Công điện của Chính phủ, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị Bộ trưởng cho biết những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của Bộ đã được giải quyết triệt để chưa, nhất là các vướng mắc liên quan đến Thông tư hướng dẫn của Bộ hay còn phụ thuộc vào các văn bản quy phạm pháp có liên quan?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình làm rõ một số nội dung mà thành viên Đoàn giám sát nêu liên quan đến các vấn đề như: Thông tư sửa đổi, dẫn chiếu nhiều văn bản; việc chậm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; thu gọn đầu mối; vấn đề lồng ghép vốn; vấn đề phân bổ vốn và giao vốn; tỷ lệ giải ngân đạt thấp; vấn đề kiểm tra, thanh tra việc sử dụng kinh phí thực hiện CTMTQG thuộc thẩm quyền...
Qua các ý kiến phát biểu, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Bộ trưởng Bộ Tài chính rất cầu thị, phân tích và giải trình khá rõ ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, tuy nhiên do thời gian có hạn nên nhiều ý kiến chi tiết của các thành viên Đoàn giám sát chưa được trao đổi cụ thể. Do đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị Bộ Tài chính hoàn thiện, bổ sung báo cáo của Bộ trên cơ sở cập nhật các nội dung mới về Nghị định 38 mới ban hành để làm rõ hơn các ý kiến làm việc của Tổ Công tác để chuẩn bị cho báo cáo chính thức của Chính phủ sẽ làm việc với Đoàn giám sát trong thời gian tới.
Nhấn mạnh các ý kiến đã phản ánh rõ vướng mắc, phản ánh tâm tư nguyện vọng của các địa phương, của người dân trong việc thực hiện 3 CTMTQG, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị Bộ Tài chính và các bộ ngành rà soát và phát huy tính chủ động để các chính sách được ban hành kịp thời, nhịp nhàng, không vướng mắc. Đồng thời đề nghị Báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện 3 CTMTQG trong việc xây dựng nội dung để có đánh giá đưa vào trong kết luận của Nghị quyết của Đoàn giám sát cho Kỳ họp thứ 6 tới.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao trách nhiệm của Tổ Công tác, phối hợp với Bộ Tài chính để có Báo cáo đánh giá bước đầu về cơ bản rất tốt, Bộ Tài chính đã có báo cáo bổ sung. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao sự chuẩn bị của Bộ Tài chính các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ của mình, nội dung, số liệu phụ lục đầy đủ, đảm bảo theo yêu cầu của Đoàn giám sát, thể hiện nhiều kết quả của Bộ Tài chính theo trách nhiệm được giao.
Đồng thời cũng ghi nhận việc triển khai các CTMTQG được lãnh đạo Bộ Tài chính quan tâm chỉ đạo, hoàn thành các văn bản hướng dẫn quản lý sử dụng kinh phí cho cả 3 CTMTQG, phối hợp với các Bộ khác, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư để ban hành Nghị định 27, Nghị định 38 được sửa đổi kịp thời. Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện CTMTQG trong thời gian qua.
Tuy nhiên, qua báo cáo của Bộ Tài chính và Tổ Công tác, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chỉ rõ một số bất cập, hạn chế như việc ban hành văn bản hướng dẫn quản lý sử dụng kinh phí, tham mưu bố trí kinh phí trung hạn để thực hiện 3 CTMTQG; phối hợp với các Bộ để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương lồng ghép các nguồn của 3 CTMTQG; nhiều vướng mắc bất cập phát sinh trong quá trình tổ chức triển khai văn bản hướng dẫn của mình; công tác thanh tra, kiểm tra; việc trả lời các kiến nghị của địa phương theo Công điện 71….
Từ những vấn đề nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị Bộ Tài chính làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, nêu rõ trách nhiệm của Bộ.
Chia sẻ với Chính phủ, các Bộ, nhất là các Bộ chủ chương trình như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, đây là vấn đề mới có chủ trương lồng ghép theo Nghị quyết của Quốc hội, với 118 chính sách cụ thể cần được lồng ghép. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn “có một Ban Chỉ đạo chung nhưng từng Chương trình có văn phòng điều phối riêng thì sẽ làm việc như thế nào? Qua làm việc cũng chưa thấy Bộ nào có đề xuất, kiến nghị về cơ chế này. Vấn đề đặt ra hiện nay là Ban Chỉ đạo này sẽ hoạt động như thế nào?”. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Tài chính và các Bộ khác suy nghĩ thấu đáo về vấn đề này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các bộ ngành liên quan lưu ý một số vấn đề sau:
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát
Thứ nhất, đề nghị Bộ Tài chính rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, đánh giá việc sửa đổi Nghị định 38 thay cho Nghị định 27 có đủ sức tháo gỡ những vướng mắc đã phát hiện hay không?
Thứ hai, có cần tháo gỡ cơ chế hoạt động của cơ quan Ban Chỉ đạo CTMTQG không hay để nguyên như hiện nay? Nếu để nguyên như hiện nay thì có giải quyết được không, hay đổ lỗi do hệ thống? Vẫn giữ 3 Văn phòng điều phối riêng của từng CTMTQG hay cần phải có 1 Văn phòng điều phối chung do Thủ tướng chỉ đạo, Ủy ban Dân tộc tham mưu điều phối có được không?
Thứ ba, cần khắc phục việc dẫn chiếu quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng dẫn chiếu “như ma trận”. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu vấn đề này.
Thứ tư, đề nghị có cẩm nang hướng dẫn thực hiện CTMTQG sao cho rõ ràng, cụ thể, tránh xảy ra tình trạng “giấy phép con”, “luật con”. Đây cũng là vấn đề mà nhiều địa phương kiến nghị.
Thứ năm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị nghiên cứu kiến nghị của Quốc hội tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 về giao vốn tập trung cho đầu mối cả 3 CTMTQG và hướng dẫn thực hiện.
Qua ý kiến của Tổ Công tác, Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn đến ngày 30/6 Bộ Tài chính có báo cáo cuối cùng, bổ sung thêm giai đoạn từ 31/12/2022 đến nay. Đồng thời đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc ở địa phương trong triển khai thực hiện 3 CTMTQG. Giao Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp với các thành viên Đoàn giám sát nghiên cứu đề xuất để có phương án cụ thể.
Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Tài chính cần khắc phục việc dẫn chiếu quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng dẫn chiếu “như ma trận”. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu vấn đề này.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh - Phó Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại cuộc làm việc.
Các thành viên Đoàn giám sát
Đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo,...
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng báo cáo việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Các thành viên Đoàn giám sát
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương, Tổ trưởng Tổ Công tác báo cáo kết quả làm việc với Bộ Tài chính về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan góp ý về vấn đề ban hành chính sách và hiệu quả giải ngân vốn của 3 CTMTQG.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đồng tình với Báo cáo kết quả của Tổ Công tác và băn khoăn kết quả thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tài chính ở mức độ nào.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị Bộ Tài chính trong khả năng tham mưu Chính phủ hỗ trợ bố trí nguồn lực trong thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình làm rõ một số nội dung mà thành viên Đoàn giám sát nêu liên quan đến các vấn đề như: Thông tư sửa đổi, dẫn chiếu nhiều văn bản; việc chậm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; thu gọn đầu mối; vấn đề lồng ghép vốn; vấn đề phân bổ vốn và giao vốn; tỷ lệ giải ngân đạt thấp; vấn đề kiểm tra, thanh tra việc sử dụng kinh phí thực hiện CTMTQG thuộc thẩm quyền.../.