ĐẠI SỨ THỤY SĨ TẠI VIỆT NAM THOMAS GASS: TĂNG CƯỜNG QUAN HỆ HỢP TÁC TỐT ĐẸP THỤY SĨ-VIỆT NAM

26/06/2023

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ Martin Candinas sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27 đến ngày 30/6/2023. Chia sẻ trước thềm chuyến thăm, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass nêu rõ: chuyến thăm của Chủ tịch Martin Candinas nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, đồng thời củng cố quan hệ tốt đẹp giữa cơ quan lập pháp Thụy Sĩ – Việt Nam.

LÀM SÂU SẮC HƠN QUAN HỆ HỮU NGHỊ TRUYỀN THỐNG, HỢP TÁC NHIỀU MẶT VIỆT NAM - THỤY SĨ

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUỐC GIA THỤY SĨ MARTIN CANDINAS SẼ THĂM CHÍNH THỨC VIỆT NAM

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass

Đánh giá về sự phát triển quan hệ giữa Thụy Sĩ và Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass cho biết, trải qua 52 năm, quan hệ hai nước đã phát triển mạnh mẽ, không chỉ trong lĩnh vực chính trị, hợp tác đa phương, mà còn mở rộng sang hợp tác kinh tế và hỗ trợ kỹ thuật, thương mại và đầu tư, nghiên cứu và khoa học, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân. Các cuộc trao đổi cấp cao thường xuyên giữa hai nước đã tạo tiền đề cho quan hệ thương mại và đầu tư không ngừng tăng lên.

Năm 2022, đầu tư trực tiếp của Thụy Sĩ vào Việt Nam đạt gần 2 tỷ CHF, tương đương 51 nghìn tỷ đồng. Thụy Sĩ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 21 và là một trong số các nhà đầu tư quan trọng của châu Âu tại Việt Nam. Hơn 100 công ty Thụy Sĩ đang hoạt động tại đây. Kể từ năm 1991 khi Thụy Sĩ trở thành đối tác hợp tác phát triển kĩ thuật và kinh tế của Việt Nam, Chính phủ Thụy Sĩ đã hỗ trợ Việt Nam hơn 600 triệu CHF (gần 15 nghìn tỷ đồng) để phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện tại, với tư cách là quốc gia ưu tiên trong chương trình hợp tác phát triển kinh tế của Thụy Sĩ, Việt Nam được nhận gói hỗ trợ kỹ thuật trị giá 70 triệu CHF cho giai đoạn 2021-2024. Bắt đầu từ năm 2020, thông qua Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Việt Nam (NAFOSTED), Thụy Sĩ và Việt Nam cùng tài trợ để mở rộng và đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu giữa hai nước. Theo dự kiến, giai đoạn 2 của chương trình hợp tác này sẽ được khởi động vào mùa Thu năm 2023.

Cùng với đó, các cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA) mà Thụy Sĩ là thành viên, đã được tiến hành từ năm 2012 và hiện vẫn đang là một trong những vấn đề quan trọng được hai nước đặc biệt quan tâm và dành nhiều nỗ lực.

Đại sứ nhấn mạnh, Thụy Sĩ luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với Việt Nam, đồng thời xác định Việt Nam là một đối tác kinh tế ngày càng quan trọng và hai bên còn nhiều dư địa hợp tác. Đại sứ mong muốn thúc đẩy tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EFTA; đồng thời tăng cường hợp tác song phương nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững trên các lĩnh vực tài chính-ngân hàng, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp-khởi nghiệp, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, du lịch, ứng phó với biến đổi khí hậu và giao lưu nhân dân. Đây cũng chính là những nội dung mà phía Thụy Sĩ muốn thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam trong chuyến thăm của Chủ tịch Martin Candinas.

Chia sẻ về ý nghĩa, mục đích chuyến thăm, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass nêu rõ, các chuyến trao đổi cấp cao của các cơ quan lập pháp hai nước luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác song phương. Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ Martin Candinas và Đoàn đại biểu Hội đồng sẽ thăm chính thức Việt Nam từ 27-30/6/2023. Mục đích chính của chuyến thăm nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, đồng thời củng cố quan hệ tốt đẹp giữa cơ quan lập pháp Thụy Sĩ – Việt Nam.

Chuyến thăm cũng giúp Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ Martin Candinas và Đoàn đại biểu Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ hiểu thêm về những cơ hội hợp tác, “sự phát triển kinh tế bùng nổ” nhanh chóng của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy các thảo luận liên quan đến việc ký kết hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Hiệp hội Mậu dịch châu Âu (EFTA) nhằm đẩy mạnh trụ cột hợp tác đầu tư-thương mại giữa hai nước trong thời gian tới.

Thông tin thêm về EFTA, Đại sứ cho hay, đây là một tổ chức liên Chính phủ được thành lập để thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập kinh tế vì lợi ích của bốn quốc gia thành viên, gồm: Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ. Bốn nước này không nằm trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA). Chuyến thăm của Chủ tịch Martin Candinas cũng là dịp để xúc tiến thương mại-đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước.

Bên cạnh đó, cũng giống Quốc hội Việt Nam, Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ cũng có vai trò giám sát các hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Chủ tịch Martin Candinas và Đoàn đại biểu Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ sẽ thực hiện giám sát việc quản lý, triển khai gói hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trị giá 70 triệu Franc Thụy Sĩ (CHF) từ Chính phủ Thụy Sĩ cho giai đoạn 2021 - 2024, tập trung vào các lĩnh vực bảo vệ môi trường và cải cách kinh tế, cùng một số dự án khác.

Đề cập tới biện pháp để tăng cường hợp tác hơn nữa giữa hai nước trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, hướng tới thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác về đổi mới sáng tạo, Đại sứ Thomas Gass cho rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đặc biệt khi Việt Nam sở hữu một lực lượng dân số trẻ rất năng động, sáng tạo. Nếu tận dụng được thế mạnh này, chắc chắn Việt Nam sẽ còn phát triển với những bước tiến dài.

Trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 với khoa học-công nghệ đóng vai trò then chốt và Thụy Sĩ có thế mạnh trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Thụy Sĩ mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa giữa hai nước trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục-đào tạo, hướng tới thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác về đổi mới sáng tạo.

Thụy Sĩ sẽ đón các đoàn Việt Nam sang trao đổi hợp tác cụ thể, bao gồm hợp tác giữa các trường đại học hàng đầu của Thụy Sĩ và các trường đại học của Việt Nam. Bên cạnh đó, xuyên suốt tất cả các hoạt động hỗ trợ cho Việt Nam, Thụy Sĩ sẽ sử dụng các công nghệ mới và số hóa như trong các ứng dụng công nghệ tài chính, sử dụng các nền tảng thương mại điện tử hoặc quản lý tài sản công; hỗ trợ các giải pháp đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu và quy hoạch đô thị theo hướng phát triển bền vững tại các đô thị./.

Minh Thành