CẦN SỚM BAN HÀNH KẾ HOẠCH VÀ LỰA CHỌN ĐỊA PHƯƠNG ĐỂ NÂNG CAO TÍNH CHỦ ĐỘNG TRONG GIÁM SÁT

22/06/2023

Thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, có ý kiến đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo sớm việc ban hành kế hoạch và chọn địa phương để giám sát, để Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch giám sát của mình.

ĐẦY ĐỦ CĂN CỨ CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ VÀ THỰC TIỄN ĐỂ SỬA ĐỔI MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận

Thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên bày tỏ sự thống nhất cao với Tờ trình dự thảo Nghị quyết Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình giám sát năm 2024. Hoạt động giám sát tối cao là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội nhằm đảm bảo việc thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao hoạt động của Quốc hội.

Với mục tiêu không ngừng đổi mới, nâng cao hoạt động của Quốc hội nên việc đẩy mạnh công tác giám sát của Quốc hội là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Quốc hội khóa XV ngay từ đầu nhiệm kỳ đã chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, góp phần tạo cơ sở pháp lý và định hướng hoạt động giám sát cho cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đã xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát và Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành kết luận về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội và Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên

Thời gian qua, hoạt động giám sát đã có nhiều đổi mới trong cách thức triển khai, chú trọng lựa chọn vấn đề giám sát, vừa đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội. Các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiều đổi mới và đạt được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động giám sát chuyên đề. Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và năm 2023 đã triển khai thực hiện có hiệu quả với nhiều đổi mới và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực Nhà nước, được Nhân dân và cử tri cả nước đánh giá cao, góp phần đưa hoạt động của Quốc hội ngày càng sát với thực tiễn cuộc sống.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc triển khai một số hoạt động giám sát có thời điểm, có nội dung chưa hiệu quả, chưa đi đến cùng vấn đề, tính phản biện chưa cao; phương pháp, cách thức thực hiện giám sát còn chưa thống nhất; việc triển khai công tác giúp việc của một số đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện chưa thống nhất, một số kết luận, kiến nghị sau giám sát còn chung chung, thiếu cụ thể, tính khả thi thấp.

Đóng góp ý kiến nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giám sát Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Quốc hội xây dựng một chương trình giám sát toàn khóa để Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh chủ động trong việc xây dựng chương trình giám sát của mình trong các năm tiếp theo và để Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, địa phương và các tổ chức liên quan cũng sẽ căn cứ vào chương trình giám sát để tổ chức thực hiện và chuẩn bị cho chương trình giám sát Quốc hội. Tùy theo điều kiện cụ thể thì hàng năm Quốc hội có thể tiến hành điều chỉnh bổ sung cho phù hợp vào kỳ họp giữa năm.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu đồng tình với các tiêu chí lựa chọn thứ tự ưu tiên để chọn giám sát chuyên đề theo Nghị quyết 334 Quốc hội khóa XIV. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Quốc hội cần hạn chế những việc chọn chuyên đề có phạm vi điều chỉnh của các luật có hiệu lực thi hành ngắn, nên chọn những chuyên đề thuộc phạm vi điều chỉnh của các nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 2 đến 3 năm để chúng ta đánh giá đầy đủ được những kết quả, hạn chế và đưa ra các kiến nghị, giải pháp thực hiện một cách phù hợp.

Tại khoản 4 Điều 53 cơ chế giám sát của Quốc hội quy định: "Đối với giám sát chuyên đề các tỉnh không nằm trong kế hoạch giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì tham gia hoạt động giám sát theo yêu cầu cụ thể của Đoàn giám sát". Tuy nhiên, cũng cần quy định rõ Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh này có tổ chức giám sát hay không và có phải gửi báo cáo kết quả giám sát về Đoàn giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay không.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo sớm việc ban hành kế hoạch và chọn địa phương để giám sát, để Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch giám sát của mình, tránh trường hợp Quốc hội chờ báo cáo của các tỉnh rồi mới chọn địa phương giám sát dẫn đến tình trạng một địa phương 1 chuyên đề có 2 đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành giám sát.

Minh Hùng