SỬA ĐỔI LUẬT VIỄN THÔNG: CẦN CƠ CHẾ THU HÚT ĐẦU TƯ XÂY DỰNG HẠ TẦNG VIỄN THÔNG QUAN TRỌNG
Toàn cảnh phiên thảo luận
Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) do Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 gồm 10 chương, 74 điều. Trong đó, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam được quy định tại Điều 33 của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).
Theo dự thảo, quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận để hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích. Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam được hình thành từ các nguồn: Đóng góp theo tỷ lệ doanh thu dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông; Viện trợ, tài trợ, đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài; Các nguồn hợp pháp khác.
Cũng theo quy định tại dự thảo luật, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam; cơ chế đóng góp và sử dụng nguồn tài chính của quỹ. Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quy định về việc hạch toán, thu nộp các khoản đóng góp cho quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam; Quy chế quản lý tài chính quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.
Rà soát, hoàn thiện, phân định rõ từng dịch vụ viễn thông công ích
Tham gia thảo luận tại hội trường, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung báo cáo đánh giá cũng như làm rõ những vấn đề tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện Quỹ thời gian qua. Đồng thời, lưu ý các quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ cần được rà soát, hoàn thiện, phân định rõ từng dịch vụ viễn thông công ích; cần bổ sung quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành ở địa phương trong việc sử dụng và quản lý Quỹ... để phù hợp với mục tiêu của Quỹ là hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông mang tính chất công ích và các quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước....
Đại biểu Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai
Phát biểu thảo luận đại biểu Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai đề nghị, cần luật hóa các nội dung đã được quy định tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của quỹ, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, tăng tính hiệu quả trong hoạt động của quỹ.
Ngoài ra, cần phân định rõ ràng từng dịch vụ viễn thông công ích, bổ sung quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại các địa phương trong việc sử dụng và quản lý quỹ để phù hợp với mục tiêu của quỹ và các quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Đồng thời, xem xét mở rộng phạm vi sử dụng của quỹ đối với hoạt động đầu tư phát triển sản xuất thiết bị viễn thông, mô hình, giải pháp nền tảng số, dịch vụ mới phục vụ các hoạt động viễn thông công ích thay vì chỉ sử dụng vào mục tiêu hỗ trợ như hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Góp ý về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, để có ý kiến chính xác nhất về Quỹ viễn thông công ích cần đánh giá rõ ràng về hoạt động của quỹ thời gian qua, những ưu điểm và hạn chế, những khó khăn, vướng mắc, từ đó điều chỉnh sửa đổi cho hợp lý.
Đại biểu tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, quy định về Quỹ viễn thông công ích trong dự thảo luật còn quá chung chung. Mặc dù trong Tờ trình của Chính phủ đã xác định việc triển khai hoạt động quỹ trong giai đoạn qua còn có những bất cập, nhưng trong hồ sơ dự án luật lại không có báo cáo chỉ rõ những bất cập để điều chỉnh, sửa đổi quy định theo hướng khắc phục những bất cập hiện nay.
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị, trước khi xác định việc có nên tiếp tục duy trì Quỹ viễn thông công ích Việt Nam hay không và quy định cụ thể trong luật như thế nào, Bộ Thông tin và Truyền thông phải có đánh giá, báo cáo giải trình rõ hơn về hoạt động của quỹ thời gian qua.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước
Nêu quan điểm về nội dung này, đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đề nghị cơ quan soạn thảo phải làm rõ quỹ dịch vụ viễn thông công ích thuộc về chủ thể nào quản lý, cơ chế thu, chi ra sao và quy định rõ đối tượng chi cũng như là cách thức sử dụng, vận hành quỹ. Đồng thời, đại biểu tỉnh Bình Phước kiến nghị, cần đánh giá kỹ việc duy trì quỹ để thực hiện theo đúng Nghị quyết 792/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Nếu tiếp tục duy trì quỹ như quy định tại dự thảo luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc để luật hóa các nội dung quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã triển khai thực hiện ổn định trong thời gian qua, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành.
Cần làm rõ hơn kết quả hoạt động của quỹ dịch vụ viễn thông công ích
Tán thành với việc tiếp tục duy trì quỹ dịch vụ viễn thông công ích, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, để hoàn thành các mục tiêu phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng phổ cập phục vụ mục tiêu chuyển đổi số, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, xã hội số cần có một nguồn kinh phí rất lớn. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thuyết phục đại biểu bày tỏ đồng tình với ý kiến nêu trên, đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn kết quả hoạt động của quỹ dịch vụ viễn thông công ích trong thời gian vừa qua. Từ đó, có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả trong thực tiễn.
Đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Cùng quan điểm, đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lưu ý, các nội dung quy định về viễn thông công ích tại Điều 31, 32, 33 của dự thảo luật và Điều 15 dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành chưa rõ ràng về mục đích, nguyên tắc, nội dung của hoạt động viễn thông công ích, nguồn thu, nguyên tắc quản lý của Quỹ viễn thông công ích. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần quy định cụ thể, rõ ràng các nội dung trên để thuận lợi trong việc triển khai thực hiện và đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành khác.
Chia sẻ với quan điểm cần tiếp tục duy trì quỹ viễn thông công ích, đại biểu Nguyễn Minh Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang thông tin thêm, giai đoạn 2016-2020 quỹ đã đạt được một số kết quả tích cực như sau: Hỗ trợ người dân được miễn giá cước khi gọi đến các số liên lạc khẩn cấp công an, cứu hỏa, cấp cứu là 63,6 triệu phút; Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng dịch vụ điện thoại cố định, di động là 152.000 hộ; Hỗ trợ, thiết lập các điểm truy cập công cộng; Hỗ trợ hộ nghèo đầu thu truyền hình số mặt đất;…
Theo đại biểu tỉnh Tiền Giang, dự thảo luật sửa đổi lần này đã kế thừa Luật Viễn thông hiện hành, không phải quy định tổ chức mới. Ngoài ra, theo thống kê của Liên minh Viễn thông quốc tế, tính đến năm 2019 đã có 91 nước đã thành lập Quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Vì vậy, đại biểu kiến nghị Quốc hội giữ quy định Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam trong dự thảo luật. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu chỉnh sửa phù hợp, đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động của quỹ.
Đề xuất đổi tên thành Quỹ dịch vụ phổ cập
Phát biểu giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận liên quan đến quy định về quỹ dịch vụ viễn thông công ích, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là Quỹ dịch vụ phổ cập, quốc gia nào thì cũng phải đặt mục tiêu phổ cập viễn thông, phổ cập Internet, phủ sóng vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhất là để phát triển kinh tế số, xã hội số. Nếu Nhà nước nhận lấy trách nhiệm phổ cập bằng ngân sách nhà nước thì các nhà mạng có xu thế chỉ đầu tư ở những nơi đông dân và có lãi cao. Do đó, Nhà nước phải đầu tư rất nhiều, bởi vậy đa số các quốc gia đều chọn cách yêu cầu nhà mạng phải có trách nhiệm phổ cập.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
Theo Bộ trưởng, ở Việt Nam quỹ viễn thông công ích cơ bản giao cho chính các nhà mạng thực hiện, tức là cơ bản nhà mạng nhận lại tiền đóng góp của mình để thực hiện phổ cập dịch vụ. Thực tế thời gian qua, quỹ đã góp phần tích cực để Việt Nam có vùng phủ sóng rộng, người dân được phổ cập dịch vụ và có điện thoại vào loại nhóm đầu trên thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành quỹ có một số bất cập như giải ngân chậm, tồn quỹ, cần phải điều chỉnh các quy định trong dự thảo luật theo hướng xác định rõ mục tiêu, cách thức thu, quản lý, sử dụng để quỹ vận hành tốt hơn thay vì dừng hoạt động của quỹ.
Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Quốc hội xem xét cho tiếp tục duy trì quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Đồng thời, nhấn mạnh Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ báo cáo Chính phủ xin Quốc hội cho đổi tên quỹ dịch vụ viễn thông công ích thành quỹ dịch vụ phổ cập và thay đổi một số cơ chế để khắc phục các tồn tại, bất cập hiện nay. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ gửi tới các vị đại biểu Quốc hội báo cáo bổ sung đầy đủ về hoạt động của quỹ thời gian vừa qua./.