ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI)
Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 22 vừa qua. Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, dự án luật được xây dựng nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước trong hoạt động viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế số, xã hội số. Huy động các thành phần kinh tế có đủ năng lực tham gia xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia;
Bên cạnh đó, dự án Luật được kỳ vọng sẽ khắc phục những vướng mắc về thể chế, lỗ hổng chính sách, bất cập trong các quy định của Luật Viễn thông 2009 và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động viễn thông gây hạn chế quá trình phát triển; bổ sung quy định đối với các nội dung mới, phù hợp với xu thế phát triển viễn thông, xu thế hội tụ, hình thành hạ tầng số, hạ tầng của nền kinh tế số. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của Luật này với hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Toàn cảnh phiên họp
Tại dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) quy định rõ, về phạm vi điều chỉnh, luật này quy định về hoạt động viễn thông, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông; quản lý nhà nước về viễn thông. Về đối tượng áp dụng, Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động viễn thông tại Việt Nam.
Đối với quy hoạch công trình viễn thông, Điều 64 của dự án Luật quy định, công trình viễn thông được lắp đặt trên đất công, trụ sở công, công trình công, địa điểm công và các tài sản công khác; ưu tiên sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, đáy sông, đáy biển. Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được ưu tiên đặt tại nhà ga, bến xe, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu và các địa điểm công cộng khác để phục vụ nhu cầu của người sử dụng dịch vụ viễn thông.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long
Quy hoạch xây dựng công trình giao thông, khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao phải có phương án xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong đầu tư xây dựng và thuận tiện cho việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông và cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông.
Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động ở địa phương phải phù hợp với quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và phương án phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động là nội dung bắt buộc phải có trong quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn theo quy định của Luật Quy hoạch, Luật xây dựng và Luật quy hoạch đô thị.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Hủy nêu rõ, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Viễn thông (sửa đổi) với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, khoản 1 Điều 64 dự thảo Luật quy định công trình viễn thông được lắp đặt trên đất công, trụ sở công, công trình công, địa điểm công và các tài sản công khác; ưu tiên sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, đáy sông, đáy biển. Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được ưu tiên đặt tại nhà ga, bến xe, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu và các địa điểm công cộng khác để phục vụ nhu cầu của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Các đại biểu đề nghị rà soát các luật liên quan (như Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công) để thống nhất các quy định, khái niệm liên quan như đất công, trụ sở công, công trình công, địa điểm công.
Một trong những mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi Luật Viễn thông lần này là phải thúc đẩy và huy động các thành phần kinh tế tham gia xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, dự thảo Luật chưa có quy định về cơ chế thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông quan trọng. Do đó, các đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung, quy định rõ cơ sở hạ tầng viễn thông nào Nhà nước có trách nhiệm đầu tư, cơ sở hạ tầng viễn thông nào cần khuyến khích, thu hút doanh nghiệp để xây dựng, phát triển gắn với các quy định cụ thể.