THỂ HIỆN RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA QUỐC HỘI TRONG QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH ĐẤT ĐAI ĐỐI VỚI ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

21/06/2023

Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ngày 21/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục làm rõ các quy định về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, mở rộng đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được Nhà nước bảo đảm về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng, đất sản xuất phù hợp với phong tục tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 21/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 21/6: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Tô Thị Bích Châu – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh cho biết, tại Điều 17 trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung những quy định rất rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm của nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị cần mở rộng đối với đồng bào dân tộc biên giới, biển đảo để tạo điều kiện cho người dân bám đất, bám làng, giữ an ninh, trật tự ở biên giới cùng với các lực lượng khác. Đồng thời, mở rộng đối với đồng bào dân tộc thiểu số là hộ nghèo, cận nghèo, người khó khăn để đảm bảo cho quyền lợi của người dân để có đất canh tác trên mảnh đất của mình cũng như để đảm bảo người cày có ruộng.

Khẳng định ý nghĩa của Luật Đất đai đối với người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, những người sống chủ yếu dựa vào canh tác trồng trọt, đại biểu Nàng Xô Vi - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phản ánh thực tế, việc khai thác diện tích đất chưa sử dụng này để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn. Nếu thực hiện, cần mức đầu tư lớn vào để khai hoang, phục hóa, cải tạo đất, tuy nhiên chất lượng đất không tốt để phục vụ canh tác. Tổng hợp thông tin từ các tỉnh cho thấy, nguồn quỹ đất còn rất ít và mức hỗ trợ tạo quỹ đất còn thấp, do đó khó khăn cho việc thực hiện tạo thêm quỹ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Nàng Xô Vi - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Đại biểu Nàng Xô Vi đề nghị dự thảo Luật quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng mở rộng đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, được Nhà nước bảo đảm về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng, đất sản xuất phù hợp với phong tục tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. Ngoài các chính sách hiện hành, cần tạo thêm quỹ đất từ diện tích thực tế đang có của các địa phương vào sử dụng đất để giải quyết nhu cầu sản xuất của các hộ gia đình đang thiếu đất sản xuất, trong đó tập trung vào quỹ đất nông nghiệp.

Có cùng nhóm vấn đề quan tâm, đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đề nghị quy định chính sách nên áp dụng cho vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số và miền núi cho phù hợp, đúng theo tinh thần Kết luận 65-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội thay vì chỉ giới hạn trong phạm vi địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

 Đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng cho biết, vấn đề hồ sơ pháp lý về đất đai với đồng bào rất là quan trọng do hầu hết chưa được đầy đủ do chưa nhận thức hết quyền lợi, trách nghiệm và không có tiền để chi trả các khoản phí, lệ phí. Điều này gây bất lợi và thiệt hại cho người dân khi bị thu hồi đất, bị lấn chiếm, chiếm dụng mua bán vì thiếu cơ sở pháp lý. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung mục quy định trong chính sách của Nhà nước bảo đảm ngân sách hỗ trợ miễn giảm tiền đo đạc, phí, lệ phí để hoàn thành hồ sơ pháp lý về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Cần bổ sung tiêu chỉ tiêu đất trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh để giải quyết đất ở, đất sản xuất kinh doanh cho đồng bào dân tộc thiểu số và tương tự về quy hoạch đất cấp huyện để bảo đảm thống nhất.

Chỉ rõ những nội dung cần sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đại biểu Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, vì nhiều yếu tố đặc thù, phương án tốt nhất là có một mục riêng về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Có chung đề nghị, đại biểu Ngô Trung Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh, chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số phải do Quốc hội quyết định. Dự thảo Luật cần dành một chương riêng hoặc ít nhất là một mục riêng quy định về chính sách này. Việc Quốc hội quy định chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số vừa bảo đảm đúng quy định, thẩm quyền theo quy định của Hiến pháp, vừa thể hiện rõ trách nhiệm của Quốc hội.

Đại biểu Ngô Trung Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Đi sâu vào phân tích những vấn đề của dự thảo Luật, đại biểu Ngô Trung Thành bày tỏ thống nhất với nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan đến yêu cầu của việc sửa đổi Luật Đất đai lần này phải góp phần bảo đảm để các hộ gia đình, đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các hộ gặp nhiều khó khăn có đất sản xuất đất ở như mục tiêu Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương đã đề ra.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo Luật đối chiếu với Nghị quyết 18-NQ/TW và Hiến pháp 2013, trước yêu cầu thực tiễn, đại biểu Ngô Trung Thành cho rằng các quy định của dự thảo Luật còn một số vấn đề. Đại biểu chỉ rõ, quy định của dự thảo Luật chưa toàn diện, chưa thể chế hóa đầy đủ nội dung Nghị quyết 18-NQ/TW. Dự thảo Luật chỉ tập trung giải quyết cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa bàn, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như vậy là hẹp hơn so với Nghị quyết18-NQ/TW đã đề ra mục tiêu giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc liên quan đến đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung.

Thực tế thời gian qua cho thấy, do trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số không đồng đều, hiểu biết pháp luật và xã hội còn hạn chế hoặc do có khó khăn nên bị lợi dụng, bị thâu tóm đất đai dẫn đến không còn đất sản xuất, thiếu đất ở. Tuy nhiên dự thảo Luật dựa trên cơ sở luật hóa các quy định hiện hành nhưng lại lỏng hơn.

Ngoài ra, việc dự thảo Luật quy định giao Thủ tướng Chính phủ quyết định khung chính sách về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số là chưa hoàn toàn phù hợp với quy định này của Hiến pháp. Vấn đề này phải thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Quốc hội. Hơn nữa, nếu giao Thủ tướng Chính phủ quy định thì các chính sách không thể vượt khỏi trần các quy định hiện hành trong các văn bản luật khác sẽ dẫn đến chính sách không mới và không hiệu quả.

Từ những phân tích nêu trên, với ý nghĩa và tầm quan trọng của đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Ngô Trung Thành đề nghị chính sách đất đai phải được áp dụng đối với tất cả đồng bào dân tộc thiểu số, thiếu đất sản xuất hoặc đất ở như mục tiêu đã được đề ra tại Nghị quyết 18-NQ/TW, chứ không chỉ giải quyết cho đồng bào thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Đại biểu nhấn mạnh, chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số phải là chính sách tổng thể, toàn diện. Do đó cần quy định cụ thể về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, những ưu đãi, hỗ trợ cụ thể cho đồng bào, nghĩa vụ, trách nhiệm của đồng bào đối với Nhà nước đối với đất đai được giao. Cần có quy định để đất đai được giao cho đồng bào theo chính sách hỗ trợ không bị và không thể bị thâu tóm. Nghiên cứu bổ sung dự án tạo quỹ đất để bố trí đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất vào danh mục các dự án được thu hồi đất vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng; cần quy định đặc thù riêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong bồi thường và tái định cư thu hồi đất.

Bảo Yến