PHÁT BIỂU ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Trình Quốc hội dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Luật Tài nguyên nước hiện hành đã bộc lộ những lỗ hổng, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển. Cụ thể, luật chưa có chính sách cụ thể, rõ ràng về sử dụng và phân bổ nguồn thu cho hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy, dẫn đến không thúc đẩy phát triển kinh tế các vùng miền.
Bên cạnh đó, một số quy định không còn phù hợp hoặc cần phải có quy định cụ thể hơn hay phải bổ sung để nhằm quản lý chặt chẽ hơn như việc chấp thuận sử dụng mặt nước hồ chứa; bổ sung nhân tạo nước dưới đất; kiểm soát các hoạt động đào hồ, ao tạo không gian chứa, trữ nước (hồ ao không trên sông suối) hoặc kênh nhân tạo dẫn nước; quy định liên quan đến phòng chống ngập úng khu vực đô thị; vấn đề chuyển đổi số, các quy định liên quan đến công cụ hỗ trợ ra quyết định cho công tác quản lý tài nguyên nước; quy định cụ thể đối tượng cụ thể thuộc trường hợp khai thác, sử dụng nước cho phòng cháy, chữa cháy, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp khác; các trường hợp phải thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước,...
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh
Cùng với đó, việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước ở một số nơi còn chưa nghiêm và việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm chưa được thực hiện tốt; các cơ chế tài chính, chế tài, công cụ kiểm soát, giám sát chưa hiệu quả; các cơ chế hợp tác, giải quyết các vấn đề nước xuyên biên giới còn chưa đồng bộ; sự phối hợp chưa đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành cũng là một vấn đề lớn cần giải quyết.
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy nêu rõ, Ủy ban KH,CN&MT tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) với những lý do như đã nêu trong Tờ trình số 162/TTr-CP ngày 28/4/2023 của Chính phủ. Việc sửa đổi Luật giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh cần tăng cường bảo đảm an ninh nguồn nước, khắc phục những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý tài nguyên nước và yêu cầu hội nhập quốc tế trong quản lý tài nguyên nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
Về Hồ sơ Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng sử dụng nước, các cơ quan quản lý nước; tham khảo pháp luật và kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tài nguyên nước; tiếp thu nghiêm túc đầy đủ ý kiến của UBTVQH tại Phiên họp tháng 3/2023, ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban KH,CN&MT và của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các ủy ban khác của Quốc hội. Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy Hồ sơ dự án Luật đáp ứng các yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Quan tâm đến việc áp dụng các mô hình tuần hoàn, tái sử dụng nước, PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, việc tiếp cận áp dụng KTTH trong tái sử dụng nước có thể được thực hiện ở ba cấp độ: cấp độ vi mô (doanh nghiệp, nhà máy); cấp độ trung bình (các nhóm cộng sinh, khu công nghiệp - KCN) và cấp độ vĩ mô (thành phố, tỉnh và vùng) trong một số lĩnh vực trọng tâm như các hệ thống công nghiệp, môi trường xây dựng, cơ sở hạ tầng đô thị và sinh thái.
Qua tham khảo kinh nghiệm từ pháp luật quốc tế, PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương cho biết, theo BIO by Deloitte (2015), chính sách về tái sử dụng nước của EU được xây dựng dựa trên: Các tiêu chuẩn quốc tế: Hướng dẫn của WHO về sử dụng nước thải an toàn (tái bản lần 3 năm 2006); các tiêu chuẩn ISO (ISO 16075 – hướng dẫn sử dụng nước thải đã qua xử lý trong các dự án thủy lợi); Đánh giá chính sách ở các quốc gia ngoài EU; và Bối cảnh chính sách của EU nói chung.
PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương, Đại học Bách Khoa Hà Nội
Cơ chế đối tác EU đổi mới về TNN (EIP water) nhằm loại bỏ rào cản đối với đổi mới, kết nối cung cầu cho các bên có nhu cầu đổi mới, cung cấp các chiến lược và giải pháp và thúc đẩy thử nghiệm. Nhóm chỉ đạo của EIP water đã mời các Nhóm hành động (action groups) phát triển và thử nghiệm nhiều giải pháp .
Tại Hoa Kỳ, khoảng 7-8% nước thải được tái sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như: hoạt động ở đô thị (tưới cảnh quan và các sân golf); nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi); tạo khoảng không cách ly; môi trường (cấp nước cho vùng đất ngập nước, cấp nước duy trì dòng chảy sông suối); công nghiệp (sản xuất, làm mát, vệ sinh thiết bị), trong đó, tái sử dụng nước thải cho hoạt động nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất.
Việc tuần hoàn tái sử dụng nước được lồng ghép trong quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước. Các quy định, hướng dẫn về tái sử dụng nước cũng được nhiều bang của Hoa Kỳ ban hành. Một số bang quy định giấy phép riêng cho hoạt động tái sử dụng nước thải trong hệ thống chương trình cấp phép của bang. Một số bang khác lại tích hợp việc cho phép hoạt động tái sử dụng nước thải trong các giấy phép về tài nguyên nước sẵn có.
Chia sẻ bài học kinh nghiệm từ pháp luật về quản lý tài nguyên nước của Nhật Bản, PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương cho biết, để quản lý hoạt động tái sử dụng nước thải, năm 2005, Chính phủ Nhật Bản ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về tái sử dụng nước thải với 07 thông số ô nhiễm cần kiểm soát ứng với các mục đích tái sử dụng nước thải khác nhau.
Trong khi đó, tại Singapore, chiến lược an ninh nước dài hạn của Singapore bắt đầu được hình thành vào năm 1965 (sau khi độc lập) do khan hiếm nước tài nguyên. Trong suốt những năm qua, Singapore đã phát triển hệ thống quản lý tài nguyên nước toàn diện bao gồm quản lý lưu vực, phát triển cơ sở hạ tầng, xử lý và lưu trữ địa phương và nguồn nước nhập khẩu (từ Johor, Malaysia), xây dựng cơ chế định giá và phi định giá cho mục đích bảo tồn cho người sử dụng trong và ngoài nước, quản lý và xử nước thải, để sản xuất nước tái sử dụng từ nguồn đô thị từ năm 2003 (dự án NEWater), và khử muối trong nước từ năm 2005. Đặc biệt, nước không chỉ tái chế sử dụng cho nông nghiệp và công nghiệp mà còn dùng để uống.
Tại, Trung Quốc, kinh tế tuần hoàn đã được thực hiện ở cả ba cấp: cấp độ vĩ mô (thành phố, tỉnh và vùng); cấp độ trung bình (các nhóm cộng sinh) và cấp độ vi mô (doanh nghiệp) với trọng tâm chính là các hệ thống công nghiệp, môi trường xây dựng, cơ sở hạ tầng đô thị và sinh thái. Chính phủ Trung Quốc cũng thiết lập nhiều chính sách liên quan đến tuần hoàn tái sử dụng TNN, bao gồm lồng ghép trong các chính sách về KTTH và các chính sách nước đô thị. Trung Quốc đã ban hành Kế hoạch xử lý nước thải đô thị và xây dựng các cơ sở tái chế, xử lý nước thải quốc gia 5 năm lần thứ 12 với số tiền đầu tư khoảng 30,4 tỷ nhân dân tệ. Kế hoạch đưa ra các mục tiêu chi tiết về tỷ lệ tái sử dụng nước thải ở các thành phố lớn và của quốc gia theo thời gian.