KHẢ NĂNG CUNG ỨNG, CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ Y TẾ CHƯA ĐÁP ỨNG ĐƯỢC NHU CẦU CHĂM SÓC SỨC KHỎE BAN ĐẦU CỦA NGƯỜI DÂN

15/06/2023

Thảo luận ở hội trường về chuyên đề giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, các đại biểu Quốc hội cho rằng, khả năng cung ứng và chất lượng dịch vụ y tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân, cần có những giải pháp quyết liệt để cải thiện tình trạng này trong thời gian tới.

PHÁT BIỂU ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Thảo luận ở hội trường về chuyên đề giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Ma Thị Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho biết, với trạm y tế xã và công tác y tế dự phòng tuyến cơ sở, về nhân lực, theo thống kê tính đến năm 2022 toàn quốc có 78,9% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc cơ hữu, năm 2020 giảm 1.114 bác sĩ làm việc ở trạm y tế so với năm 2019. Đại biểu cho rằng, có 2 nguyên nhân, nguyên nhân thứ nhất là môi trường làm việc tại trạm y tế xã chưa thuận lợi. Mô hình bệnh tật thường là bệnh thông thường, tình trạng thiếu trang thiết bị y tế làm hạn chế việc phát huy năng lực của bác sĩ. Quy định về thực hiện dịch vụ kỹ thuật áp dụng theo phân tuyến mà không phải theo năng lực và trình độ của bác sĩ, dẫn đến việc bác sĩ tay nghề cao mong muốn làm việc ở tuyến trên để phát huy và nâng cao trình độ của bản thân.

Theo đại biểu, nguyên nhân là chưa có chính sách thu hút bác sĩ về làm việc tại tuyến xã do tiền lương và chế độ phụ cấp còn thấp. Đơn cử như chế độ tiền trực theo Quyết định 73 năm 2011, tiền trực tại trạm y tế xã quy định ca 24/24 giờ là 40 nghìn đồng, trong khi đó các trạm y tế xã hoạt động chủ yếu từ nguồn phân bổ ngân sách nhà nước. Do đó, mức thu nhập chưa hấp dẫn là một trong những nguyên nhân không thu hút được nhân lực, nhất là thời gian qua khi phải chịu rất nhiều áp lực trong phòng, chống dịch COVID-19 dẫn đến thực trạng số lượng cán bộ y tế xã chuyển công tác, chuyển vùng, xin nghỉ việc có xu hướng tăng.

Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Về dịch vụ y tế, khả năng cung ứng và chất lượng dịch vụ y tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Thực tế cho thấy, mặc dù tỷ lệ đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu ở các trạm y tế là khá cao, nhưng số lượng đến khám có xu hướng giảm, mức chi bình quân khám bệnh thấp, như năm 2022 là 84 nghìn đồng trên 1 lượt. Lý do chủ yếu là danh mục thuốc chưa đa dạng, trang thiết bị đã cũ hoặc chưa được trang bị nên người dân còn thiếu tin tưởng, gây khó khăn trong thu hút bệnh nhân đến khám bệnh. Thực trạng nơi có người làm việc nhưng không có máy móc, nơi có máy móc nhưng lại không có người làm việc, bất cập này vẫn đang xảy ra tại nhiều đơn vị và theo đại biểu đề nghị các cơ sở y tế có thể giải quyết bằng cách thường xuyên rà soát, quản lý, thực hiện điều chuyển nhân lực, vật lực để nâng cao dịch vụ khám, chữa bệnh cho Nhân dân, tránh lãng phí cơ sở vật chất, nhân lực. Đại biểu đề nghị Bộ Y tế cần quan tâm, chỉ đạo sát sao để sớm giải quyết vấn đề này.

Về công tác y tế dự phòng tại cơ sở, hiện nay 100% các trạm y tế xã thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng. Tuy nhiên, chất lượng cán bộ chưa thực sự đảm bảo, còn thiếu những người được đào tạo chính quy, chuyên sâu, cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, trong khi số lượng ít, nên việc theo dõi, quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn tầm soát, phát hiện bệnh sớm hiệu quả chưa cao.

Việc phát huy vai trò nhân viên y tế thôn, bản còn hạn chế, vì trình độ không đồng đều, còn 28% chưa qua đào tạo, thiếu tính ổn định. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho ngành y tế dự phòng, nhất là tuyến xã chưa tương xứng với quan điểm y tế dự phòng là then chốt và dù tăng dần qua các năm nhưng tỷ lệ chi vẫn thấp so với quy định tại Nghị quyết 18 và Nghị quyết 20 quy định là dành ít nhất 30% ngân sách y tế dự phòng, nhưng năm 2022 mới chỉ đạt 28,6%, chủ yếu là chi thường xuyên.

Để các trạm y tế thực hiện tốt vai trò tuyến đầu trong phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân, cần phải tiếp tục nghiên cứu để có những cơ chế, chính sách mang tính đồng bộ, lâu dài, nhất là chính sách để thu hút, sử dụng nhân lực và đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, để phát huy tốt vai trò của y tế dự phòng ứng phó với mô hình dịch bệnh thay đổi, ngành y tế cần có những đáp ứng phù hợp cả về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và khả năng cung ứng dịch vụ.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần hoàn thiện đồng bộ hệ thống thông tin quản lý tại trạm y tế thì mới có thể đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của Nhân dân, cũng như là đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng nhiều và đa dạng với nhiều chương trình, dự án y tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng cần phải triển khai thực hiện từ cơ sở. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đổi mới cơ chế tài chính và y tế, đẩy mạnh bảo hiểm y tế bao phủ toàn dân, có hướng dẫn cụ thể về việc xác định ngân sách cho y tế dự phòng ở các địa phương căn cứ thực hiện theo Nghị quyết 20 và Nghị quyết 18 để đảm bảo nguồn lực thực hiện tốt các chương trình y tế dự phòng tại cơ sở.

Tham gia đóng góp ý kiến đối với việc thực hiện chính sách pháp luật và y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nhất trí với tất cả các nội dung trong báo cáo của Đoàn giám sát. Đồng thời, đại biểu nêu rõ, việc tổ chức hệ thống y tế cơ sở cần ổn định nhưng linh hoạt, phải đến gần dân nhất, cần bao gồm cả y tế trường học, y tế cơ quan, y tế trong doanh nghiệp, nên tạo điều kiện cho y tế tư nhân tham gia sâu, rộng trong hệ thống y tế cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Bên cạnh đó, cần đảm bảo kinh phí cho y tế dự phòng hoạt động và kinh phí này phải được sử dụng vào chính các hoạt động chuyên môn tại các cơ sở y tế, như vậy sẽ rất hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và tạo ra nguồn thu cho cho y tế cơ sở và đảm bảo thu nhập cán bộ y tế cơ sở. Cần tạo thêm các cơ chế linh hoạt, hiệu quả cho y tế cơ sở, đặc biệt y tế trường học, doanh nghiệp, cơ quan trong việc hợp tác với các cơ sở y tế khác để thuê mướn người làm việc là bác sĩ giỏi từ tuyến trên, từ trường đại học, thuê mướn dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị ở y tế cơ sở cũng như để thực hiện các chương trình y tế do cấp trên phân công.

Đại biểu cũng cho rằng, với việc ra đời của Nghị định 07 của Chính phủ và Nghị quyết 30 của Chính phủ thì về cơ bản việc mua sắm thuốc không còn ách tắc nữa. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra để không xảy ra thiếu thuốc cho bệnh nhân, đặc biệt ở tuyến cơ sở. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tăng mức phụ cấp của cán bộ làm công tác dân số, công tác tại y tế cơ sở lên 100% như tinh thần của Nghị định 05 Chính phủ ngày 15/2/2023, vì hiện nay cán bộ dân số vẫn còn hưởng phụ cấp 30% như cũ. Ngoài ra, đại biểu đề nghị Quốc hội cần có 1 chương trình mục tiêu quốc gia để huy động đủ nguồn lực, tạo ra sự chấn hưng rõ ràng của ngành y tế Việt Nam.

Minh Hùng

Các bài viết khác