CHÚ TRỌNG ĐẢM BẢO YÊU CẦU VỀ NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH CHO CÁC NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH

10/06/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trước đó, tại các phiên thảo luận tại tổ cũng như các hội nghị, hội thảo về dự án luật này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, để các ngân hàng chính sách có thể thực hiện được chức năng, nhiệm vụ Nhà nước quy định, việc đảm bảo yêu cầu về nguồn lực tài chính cho các ngân hàng là yếu tố quan trọng hàng đầu.

QUỐC HỘI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC GIAO THÔNG VẬN TẢI

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trước đó, nội dung quan trọng này đã được xem xét, thảo luận tại tổ cũng như nhiều phiên họp, hội nghị, hội thảo. Tại diễn đàn Quốc hội, cho ý kiến về sự cần thiết sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đa số ý kiến cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, sau hơn 12 năm thực hiện, một số quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng không còn phù hợp cần xem xét để sửa đổi, bổ sung. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã tạo ra khung khổ pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu tạo chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu cũng như kết quả cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về và chỉ đạo cần sửa đổi chặt chẽ, toàn diện, luật hóa Nghị quyết 42. Nội dung của dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 giữ nguyên 48 Điều, sửa đổi bổ sung 144 Điều, bổ sung mới 10 Điều và cơ bản bao quát 2 nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, ngày 16/6/2022, tại Nghị quyết số 63/2022/QH15, Quốc hội đã quyết định kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến hết ngày 31/12/2023 và giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật các Tổ chức tín dụng. Quy định tại Nghị quyết số 42 cần được nghiên cứu để luật hóa cũng như cần hoàn thiện thêm, khắc phục được các khó khăn, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Việc Quốc hội yêu cầu luật hóa Nghị quyết 42 cho thấy quan điểm kiên quyết của Quốc hội, không thể có một nghị quyết song song tồn tại cùng với Luật Các tổ chức tín dụng. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội không đồng tình với đề xuất của cơ quan thẩm tra đề nghị xem xét thông qua luật theo quy trình 3 kỳ họp.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Hoàng Đức Chính - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình nêu rõ, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều nội dung so với luật hiện hành; trong đó có bổ sung một số nội dung đã được quy định tại các văn bản dưới luật và đã được áp dụng ổn định. Dự thảo cũng có những vấn đề mới chưa được quy định cụ thể trước đây nhưng thực tiễn cho thấy việc đưa các quy định này vào luật là cần thiết.

Quan tâm tới quy định về ngân hàng chính sách tại Điều 17 dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Đức Chính cho biết, ở Việt Nam hiện nay có 2 ngân hàng chính sách là Ngân hàng chính sách xã hội được thành lập năm 2002 theo Quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng phát triển Việt Nam được thành lập vào năm 2006 theo Quyết định 108 của Thủ tướng Chính phủ. Theo các Quyết định này, Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển có một số đặc điểm đã được đưa vào dự thảo Luật, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, được Nhà nước đảm bảo khả năng thanh toán, được miễn nộp thuế, không phải thực hiện việc dự trữ bắt buộc. Đây cũng là những đặc điểm quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng cũng như hiệu quả triển khai các loại hình tín dụng được Nhà nước giao.

Đại biểu Hoàng Đức Chính - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình

Trong thực tiễn thời gian qua, các chương trình tín dụng do hai ngân hàng trên thực hiện đã cung ứng một lượng vốn rất lớn cho các địa phương nhằm thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình đó cũng phát sinh những vấn đề ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng này như việc đảm bảo nguồn lực tài chính cho các ngân hàng hoạt động có lúc còn khó khăn. Việc bố trí không đủ kế hoạch vốn hay cấp bù lãi suất, chi phí quản lý sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến tình hình tài chính và khả năng đảm bảo thanh khoản của các ngân hàng cũng như đến hiệu quả hoạt động triển khai các chương trình tín dụng. Do đó, đại biểu cho rằng, để các ngân hàng chính sách có thể thực hiện được chức năng, nhiệm vụ Nhà nước quy định thì việc đảm bảo yêu cầu về nguồn lực tài chính cho các ngân hàng là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Theo đại biểu, các ngân hàng này hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nên không có khả năng tạo ra nguồn lực tài chính để bù đắp cho sự thiếu hụt về nguồn lực do Nhà nước chậm thanh toán hoặc không thanh toán các khoản chi phí thuộc trách nhiệm của ngân sách nhà nước. Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định rõ hơn về việc đảm bảo nguồn lực tài chính cho hoạt động của các ngân hàng chính sách.  Đại biểu cũng đề nghị quy định ngân hàng chính sách không phải thực hiện dự trữ bắt buộc và không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Ngoài những vấn đề về đảm bảo nguồn lực tài chính cho hoạt động của các ngân hàng chính sách thì cũng có nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến việc thành lập và tổ chức hoạt động của ngân hàng chính sách cần được đưa vào luật như đã nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Việc quy định cụ thể hơn và theo hướng luật hóa các quy định đã được áp dụng ổn định và được kiểm nghiệm trong thực tế sẽ giúp các ngân hàng này xác định rõ hơn về địa vị pháp lý cũng như đảm bảo tính công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại, phát triển các ngân hàng này.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế

Đại biểu Nguyễn Hải Nam, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh việc siết lại sở hữu chéo là điều vô cùng quan trọng, vì đây là nguyên nhân tạo ra những cuộc khủng hoảng trong ngân hàng. “Sở hữu chéo là vấn đề lớn ảnh hưởng đến sự tồn tại của ngân hàng. Sở hữu chéo tạo ra một nhóm quyền lực có thể thao túng ngân hàng. Thông qua sở hữu chéo, những thành viên trong HĐQT ngân hàng có thể có những chấp thuận đối với các gói tín dụng vượt khỏi mọi quy định và hợp thức hoá các khoản tín dụng này bằng cách lách quy định mà không vi phạm quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam đặt vấn đề: vậy với quy định hiện nay trong dự thảo Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã thực sự khắc phục được tình trạng sở hữu chéo trong ngân hàng hướng tới tính độc lập của Ngân hàng và đạt được hệ thống quản trị bậc cao hiện đại trong nền kinh tế Quy định hiện nay đã đủ khắc phục tình trạng này chưa? Trong khi Luật chưa có quy định pháp lý rõ nét cho việc phát triển của ngân hàng số và ngân hàng điện tử và vai trò của Các tập đoàn tài chính trong ngân hàng. Đại biểu Nguyễn Hải Nam cũng đặt vấn đề về việc cần làm rõ căn cứ, thẩm quyền và tiêu chuẩn xem xét cho vay đặc biệt và can thiệp sớm với các tổ chức tín dụng tại Điều 145 và 146.

Minh Hùng