CẦN CÓ SỰ PHỐI HỢP CHẶT CHẼ GIỮA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VÀ BỘ TÀI CHÍNH TRONG ĐỂ NGĂN NGỪA CÁC RỦI RO THỊ TRƯỜNG

10/06/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trước đó, tại các phiên thảo luận tại tổ cũng như các hội nghị, hội thảo về dự án luật này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần có sự phối hợp quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và chia sẻ thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để tạo cơ sở pháp lý trong triển khai và phát hiện, ngăn ngừa sớm các rủi ro của thị trường.

QUỐC HỘI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC GIAO THÔNG VẬN TẢI

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trước đó, nội dung quan trọng này đã được xem xét, thảo luận tại tổ cũng như nhiều phiên họp, hội nghị, hội thảo. Tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Vương Quốc Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, về giải thích từ ngữ, cần bổ sung giải thích khái niệm “ngân hàng chính sách” và “công ty tài chính”, cùng với đó, cần thay thế khái niệm “vốn tự có” tại khoản 10 Điều 4 thành “vốn chủ sở hữu” cho phù hợp với ngôn ngữ thông dụng trong quản lý tài chính các doanh nghiệp bao gồm cả ngân hàng.

Đại biểu Vương Quốc Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu

Khoản 24 Điều 4 có quy định, góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng là việc tổ chức tín dụng góp vốn cấu thành vốn điều lệ, mua cổ phần của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác, bao gồm cả việc nhận chuyển nhượng, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác, việc cấp vốn, góp vốn vào công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng; góp vốn vào quỹ đầu tư và ủy thác vốn cho các tổ chức khác góp vốn, mua cổ phần theo các hình thức nêu trên. Đại biểu đề nghị cân nhắc thay từ “mua cổ phần” thành “góp cổ phần”, thay từ “góp vốn”, thành “góp vốn chủ sở hữu”.

Về quyền hoạt động ngân hàng, khoản 2 Điều 8 dự thảo luật quy định, nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán. Đại biểu đề nghị nghiên cứu, cân nhắc kỹ quy định này, bởi hoạt động ngân hàng bao gồm: nhận tiền gửi, cung cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản, trên thực tế, nhiều loại doanh nghiệp khác có thể thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ này trong hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát quy định cụ thể hơn và thể hiện rõ mục đích của dự án Luật trong việc tăng cường chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, nhất là Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng bảo đảm an toàn hệ thống, trong đó có việc đánh giá và công khai xếp hạng tín nhiệm của các TCTD.

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Tham gia đóng góp ý kiến, đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, dự thảo luật vẫn còn một số nội dung chưa cụ thể hóa, giao cho Chính phủ hướng dẫn, còn phụ thuộc nhiều vào các văn bản dưới luật. Đại biểu đề nghị quy định rõ, cụ thể hóa vào các điều khoản ngay tại văn bản luật thay vì giao Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra văn bản hướng dẫn.

Quan tâm tới vấn đề bao thanh toán, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng đây là vấn đề mới, hiện nay cách hiểu về khái niệm này của Việt Nam và thế giới còn có khoảng cách, không đồng nhất, vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ để dự án luật cập nhật được sự phát triển mới của thị trường tài chính, quy định hợp lý về quy trình thủ tục bao thanh toán, cụ thể hóa quy định cho phép chiết khấu các công cụ chuyển nhượng điện tử.

Ngoài ra, các đại biểu cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh các hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm phát triển nhanh chóng, đa dạng và các vi phạm ngày càng tinh vi, đòi hỏi phải có sự phối hợp quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và chia sẻ thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để tạo cơ sở pháp lý trong triển khai và phát hiện, ngăn ngừa sớm các rủi ro của thị trường. Do đó, đề nghị tiếp tục rà soát những điểm giao thoa giữa các luật trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, thể chế hóa trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan trong luật. Nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiến tới xây dựng hệ thống thanh tra, giám sát, độc lập và thống nhất đối với thị trường ngân hàng, tài chính, bảo hiểm bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả.

Đại biểu Lưu Văn Đức, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Theo đại biểu Lưu Văn Đức, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tại Điều 2 (Điều khoản áp dụng), đề nghị cân nhắc, bổ sung quy định áp dụng đối với các tổ chức liên quan đến: tư vấn tài chính, mua bán, xử lý nợ xấu. Vì thực chất các tổ chức này cũng thực hiện một, hoặc một số công đoạn hoạt động của tổ chức tín dụng.

Liên quan đến quy định về giải thích từ ngữ, đại biểu tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị cần bổ sung thêm các khái niệm về: tư vấn tài chính, công ty tư vấn tài chính, xử lý nợ xấu. Theo đại biểu, trong dự thảo Luật mặc dù đã có các nội dung này, nhưng chưa được giải thích, làm rõ.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, Ngân hàng chính sách xã hội là một loại hình Ngân hàng do Nhà nước thành lập, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, phục vụ cho người nghèo và các dối tượng chính sách khác, nhằm thực hiện chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước. Vì vậy, nếu thực hiện xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm cũng áp dụng như các tổ chức tín dụng thương mại trong dự thảo Luật là chưa phù hợp. Do đó, nên giao cho Chính phủ xây dựng cơ chế riêng, đặc thù, phù hợp với đối tượng là hộ nghèo, đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa để thực hiện nội dung này.

Đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Góp ý về các nội dung cụ thể của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, Chính phủ đã bổ sung thêm quy định tại Điều 17 của dự thảo Luật về ngân hàng chính sách xã hội.. Đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các nguyên tắc như mục tiêu, mô hình hoạt động, quản trị, điều hành, cơ chế quản lý tài chính, các chỉ tiêu an toàn vốn, tổ chức lại, giải thể... để Chính phủ có cơ sở quy định chi tiết; bổ sung, hoàn thiện các quy định theo hướng luật hóa các quy định đã được áp dụng ổn định, đã được kiểm nghiệm thực tiễn; làm rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước; việc xử lý trong trường hợp khẩn cấp hoặc gặp khó khăn về thanh khoản. Trong dài hạn, cần nghiên cứu xây dựng luật riêng điều chỉnh loại hình ngân hàng chính sách.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ băn khoăn, đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ tại sao ngân hàng chính sách xã hội không cần phải tiến hành dự trữ bắt buộc như các tổ chức tín dụng khác; đồng thời đề nghị ngân hàng xã hội cũng phải nằm trong phạm vi điều chỉnh đối với xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Minh Hùng