CÒN CHỒNG CHÉO, TRÙNG LẶP VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA CÁC THIẾT CHẾ QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

08/06/2023

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, các thiết chế quản lý tài nguyên nước trong pháp luật hiện hành vẫn mô phỏng cách tổ chức hệ thống cơ quan hành chính nên có sự trùng lặp, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, đồng thời hy vọng dự án luật sẽ khắc phục hạn chế này.

PHÁT BIỂU ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Quan tâm đến dự án Luật Tài nguyên nước đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN cho rằng, hiện nay, các thiết chế quản lý tài nguyên nước trong pháp luật hiện hành vẫn mô phỏng cách tổ chức hệ thống cơ quan hành chính nên có sự trùng lặp, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ. Có không ít vùng nước, dòng song cùng lúc chịu sự quản lý của nhiều cơ quan nhà nước có chức năng quản lý chuyên ngành như cơ quan môi trường, cơ quan quản lý đất đai, giao thông vận tải, khai thác tài nguyên. Các chức năng quản lý theo ngành này chưa được tích hợp thực sự trong một thiết chế cụ thể theo phương thức “3 trong 1” hay “4 trong 1” có sự trang bị thẩm quyền đầy đủ, rõ ràng và phù hợp nhất. Trong bối cảnh thiếu quyền hạn rõ ràng, sự can thiệp chức năng của các cơ quan quản lý vào việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước rất khó triển khai và khó mang lại hiệu quả.

Bên cạnh đó, GS.TS Lê Hồng Hạnh cho rằng, các công cụ quản lý chức năng tài nguyên nước trong pháp luật hiện hành về lĩnh vực này còn khá thiếu hoặc có nhưng chưa thực sự phù hợp. Tình trạng này liên quan đến cả các công cụ điều tiết kỹ thuật đối với nguồn nước và các công cụ kỹ thuật điều chỉnh dịch vụ nước. Ví dụ, pháp luật tài nguyên nước chưa xác định cơ chế giá tài nguyên nước ở trạng thái thô và giá nước được khai thác và xử lý. Chính vì vậy, sẽ có những bất bình đẳng đối với những người sự dụng nước sạch (nước qua xử lý) với giá cao hơn nhiều giá thô của nó trong lúc đó chi phí khai thác nước, xử lý nước là không lớn.

GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN 

Số liệu về nguồn nước hiện có, dự trữ của chúng chưa trở thành một phần quan trọng của quản lý tài nguyên nước, điều tra cơ bản về tài nguyên nước, kiểm kê tài nguyên nước, dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với tài nguyên nước. Từ các công tác điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế, hạch toán, sẽ thiết lập cơ sở dữ liệu, tài khoản các nguồn tài nguyên của đất nước rồi sau đó hoàn thiện hệ thống quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên bảo đảm phân bổ nguồn lực tài nguyên hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo việc khai thác sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, cũng đồng thời đảm bảo kiểm soát được mức giảm lượng nước ngầm, nước mặt, hạn chế ô nhiễm, suy thoái cạn kiệt nguồn nước.

Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, việc thi hành nguyên tắc công khai, minh bạch các thông tin về khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên nước gặp khó khăn do pháp luật hiện hành chưa đảm bảo được các ràng buộc cụ thể. Nói cách khác, pháp luật hiện hành chưa quy định các nghĩa vụ của những cơ quan nhà nước, các chủ đầu tư các dự án khai thác, cung cấp dịch vụ nước phải cố bố các dữ liệu về tài nguyên nước đang ở trạng thái tự nhiên cũng như đã được khai thác, cung cấp cho các nhu cầu khác nhau, kể cả cho các hệ sinh thái. Trong quản lý tài nguyên nước hiện đại, công khai các dữ liệu về tài nguyên nước phải là một nghĩa vụ luật định và cần phải có cơ chế hiệu quả để đảm bảo thực hiện.

Pháp luật hiện hành về tài nguyên nước chưa luật hóa được cơ chế tham gia của xã hội, của cộng đồng hướng tới nguyên tắc “có sự tham gia” (participatory) trong quản lý tài nguyên nước hiện đại. Sự tham gia của xã hội, của, cộng đồng vào quản lý tài nguyên nước phải xuyên suốt các giai đoạn, từ hình thành các nguyên tắc chính sách, xây dựng pháp luật, giám sát thực hiện các dự án khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Trong những hoạt động mà sự tham gia của xã hội, cộng đồng cần tham gia nổi bật và quan trọng nhất là giám sát nước thải do cá nhân, tổ chức thải ra ngay tại nguồn thải. Sự tham gia này của xã hội, công đồng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo tính bền vững của tài nguyên nước.

Ngoài ra, pháp luật tài nguyên nước hiện hành đã có bước tiến mới ở việc thể chế hóa nguyên tắc “Có sự tham gia”. Cụ thể, Chính phủ ban vừa ban hành Nghị định số 02/2023/ND-CP ngày 01 tháng 02 năm 2023 hướng dẫn thi hành một số điều Luật Tài nguyên nước. Nghị định này quy định khá chi tiết về việc lấy ý kiến của nhân dân trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước. 

Trước đó, trình Quốc hội dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được xây dựng trên quan điểm: Thể chế hóa quan điểm tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý. Tài nguyên nước phải là cốt lõi trong xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch dân cư, quy hoạch các ngành, lĩnh vực có khai thác sử dụng nước, hoạch định chiến lược phát triển đất nước; Các quy định của Luật phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các pháp luật chuyên ngành liên quan và phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh 

Dự án luật này cũng kế thừa các quy định của Luật 2012 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp; Thiết lập hệ thống hành lang pháp lý cho quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các quy định liên quan đến quản lý nguồn nước, khai thác, sử dụng, cấp nước trong Luật Tài nguyên nước; tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách theo hướng xã hội hóa ngành nước; Đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước;

Luật được kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn; luật hóa các quy định đã được thực tiễn khẳng định phù hợp; Phát triển kinh tế nước, coi sản phẩm nước là hàng hóa thiết yếu; bảo đảm công bằng trong tiếp cận nguồn nước; Tiếp cận theo xu thế của quốc tế có tính đến đặc thù của Việt Nam; sửa đổi Luật theo hướng quy định tích hợp các nội dung liên quan đến tài nguyên nước; đồng thời, giao trách nhiệm cho các bộ, ngành quản lý theo đúng chức năng nhiệm vụ đã được quy định tại các luật có liên quan đến tài nguyên nước như: thủy lợi, thủy điện, cấp nước, giao thông thủy...

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, dự thảo Luật đã được xây dựng dựa trên việc tổng kết thi hành luật, kế thừa các quy định của Luật Tài nguyên nước hiện hành và đánh giá, rà soát kết quả thực thi các luật có liên quan. Do đó, về cơ bản các quy định của dự thảo Luật đảm bảo tính khả thi. Tuy nhiên, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát các quy định để tối ưu hóa việc khai thác, sử dụng nguồn nước, làm rõ thêm nội hàm một số quy định trong dự thảo Luật như quy định về xây dựng kịch bản nguồn nước (khoản 3 Điều 36), làm rõ căn cứ xây dựng, việc áp dụng kịch bản nguồn nước trong quản lý tài nguyên nước; quy định tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hỗ trợ chính quyền địa phương triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục tình trạng thiếu nước trên địa bàn (khoản 3 Điều 37); quy định về vận hành hồ chứa nước theo thời gian thực và trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng, vận hành hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định điều tiết, vận hành liên hồ chứa và hoạt động của Tổ chức lưu vực sông (khoản 4 Điều 39); quy định về thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho mục đích nông nghiệp (khoản 2 Điều 83); quy định về hồ chứa và khai thác sử dụng nước hồ chứa, đập dâng (khoản 1, 3 và 7 Điều 53), xác định thời điểm cho áp dụng quy định này và năng lực thực tế của hồ chứa để bảo đảm an toàn phòng lũ.

Ngoài ra, trong dự thảo Luật còn 20 nội dung giao cho Chính phủ quy định chi tiết trên tổng số 83 Điều. Vì vậy, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để cụ thể hóa bằng các quy định chi tiết trong dự thảo Luật. Làm rõ thêm thủ tục hành chính về thẩm định việc điều chỉnh, bổ sung công trình khai thác, sử dụng nước vào quy hoạch do các Bộ, cơ quan ngang bộ lập (khoản 4 Điều 22)… để bảo đảm tính khả thi.

Minh Hùng

Các bài viết khác