KHẨN TRƯƠNG THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO ĐỊA PHƯƠNG KHI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI VÙNG DTTS&MN

06/06/2023

Thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội tại Kỳ họp thứ 5, các đại biểu Quốc hội nhận thấy, việc triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) còn chậm, gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Do đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương khẩn trương tháo gỡ những khó khăn cho địa phương khi thực hiện.

ĐỀ XUẤT QUỐC HỘI CÓ CƠ CHẾ RIÊNG ĐỐI VỚI NGUỒN VỐN SỰ NGHIỆP CỦA CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng

Tại phiên họp, đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng cho biết, từ năm 2020, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Chương trình được cụ thể hóa bằng Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành tập trung phát huy mọi nguồn lực, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc.

Năm 2023, bước sang năm thứ hai các địa phương được Trung ương giao nguồn vốn thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc; đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân vốn chưa đạt được yêu cầu đề ra. Theo đại biểu, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 giao chậm. Vì vậy, số vốn phải chuyển nguồn kéo dài sang giải ngân năm 2023 là khá lớn nên khối lượng công việc nhiều, gây áp lực lớn cho việc triển khai thực hiện và giải ngân vốn năm 2023. Phạm vi, nội dung thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia rất lớn, nhất là đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Do đó, khi thực hiện cần có hướng dẫn, phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp nên mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, nhất là các văn bản hướng dẫn thực hiện vốn sự nghiệp, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay, các bộ, ngành Trung ương vẫn chưa có hướng dẫn đầy đủ hoặc một số hướng dẫn chưa rõ ràng, chưa đủ cơ sở để các địa phương thực hiện. Mặt khác, một số văn bản hướng dẫn còn khó thực hiện, chưa phân cấp triệt để cho các địa phương chủ động. Do vậy, việc ban hành danh mục dự án của Ủy ban nhân dân tỉnh phải xin ý kiến của bộ, ngành liên quan, dẫn đến mất nhiều thời gian để thực hiện. Từ đó, các địa phương, đơn vị gặp nhiều khó khăn trong công tác giải ngân vốn được giao.

Các đai biểu Quốc hội tham dự phiên họp

Để các chương trình mục tiêu quốc gia sớm phát huy được hiệu quả, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương khẩn trương tháo gỡ những khó khăn cho địa phương khi thực hiện. Đặc biệt, cần có sự phối hợp thống nhất giữa các bộ, ngành liên quan trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn các tiêu chí, định mức, các nội dung mang tính chất lồng ghép để các địa phương triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, đúng quy định và hiệu quả.

Còn theo đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đã đạt được những kết quả bước đầu trong phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người dân. Giáo dục, y tế, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống được chú trọng; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm hơn. Tuy nhiên, các dự án của Chương trình còn triển khai chậm và có nhiều vướng mắc, nhất là một số nội dung về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình. Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần phải sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 27 theo hướng bỏ các quy định bắt buộc địa phương ban hành cơ chế, chính sách và các quy định thực hiện các dự án đặc thù thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Cần bổ sung quy định rõ đối tượng hướng dẫn thực hiện quay vòng một phần vốn trong cộng đồng.

Cũng quan tâm tới vấn đề này, đại biểu Tráng A Dương – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang nhận định, đây là Chương trình mà cử tri, Nhân dân rất quan tâm, kỳ vọng, đồng tình ủng hộ, đặc biệt là cử tri, Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc thực hiện chương trình đến nay đã cơ bản hoàn thành việc ban hành cơ chế quản lý. Các quy định, định mức, hướng dẫn tổ chức thực hiện các nội dung, chương trình được tổ chức triển khai thực hiện bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay vẫn còn một số dự án thành phần của Chương trình chưa có hướng dẫn, chưa có cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện hoặc có nhưng còn mâu thuẫn, không thống nhất dẫn đến các địa phương lúng túng, chậm triển khai. Tiến độ giải ngân đạt thấp gây lãng phí, giảm hiệu quả vốn sử dụng, làm chậm tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, kế hoạch, tạo áp lực giải ngân vốn cho các địa phương, trong khi nguồn vốn thực hiện chương trình là rất lớn.

Đại biểu Tráng A Dương – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang

Đại biểu Tráng A Dương Chậm nêu rõ, triển khai một ngày là thêm một ngày người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số chờ đợi để được tiếp nhận chính sách và thêm một ngày nguồn lực đầu tư cho chương trình bị lãng phí. Hiện nay, đã bước sang năm thứ ba thực hiện triển khai Chương trình nhưng các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho người dân chưa được triển khai. Việc đào tạo, nâng cao năng lực cho cộng đồng cán bộ tham gia thực hiện Chương trình chưa có cơ sở thực hiện. Trong khi đó, đây là nhiệm vụ cần đẩy mạnh và phải thực hiện trong thời gian triển khai chương trình, dự án. Từ phân tích trên, đại biểu cho rằng cần quyết liệt hơn trong việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương khẩn trương đẩy mạnh việc ban hành sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn theo quy trình, thủ tục rút ngắn, đảm bảo tình hình thực hiện thực tiễn phù hợp với năng lực thực thi của cấp cơ sở.

Ngoài ra, đại biểu Hoàng Quốc Khánh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu chia sẻ, ngoài ba Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai thì vẫn có nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên.

Theo số liệu thống kê, có trên 100 dự án Luật có nội dung liên quan và trên 30 chính sách đang thực hiện. Tuy nhiên, qua triển khai ở địa phương, nhiều chính sách còn tản mạn, có nội dung chồng chéo, chưa được hệ thống hóa, chưa có tính đột phá và có chính sách chưa được ban hành. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu sớm triển khai xây dựng các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc phát triển; chỉ đạo rà soát các chính sách còn chồng chéo, tích hợp hệ thống hóa lại để lồng ghép, tập trung nguồn lực đầu tư, tránh dàn trải, hướng tới bền vững./.

Minh Thành