NHẬN DIỆN THẲNG THẮN BỨC TRANH TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA ĐẤT NƯỚC

31/05/2023

Ngày 31/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể hội trường, thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN. Các đại biểu đã phân tích, làm rõ tình hình KT-XH của đất nước thời gian qua, ghi nhận những kết quả đạt được đồng thời chỉ rõ những yếu tố bất lợi tác động đến chỉ tiêu phát triển. Các đại biểu cũng nhấn mạnh cần chú trọng tới công tác đánh giá, phân tích, dự báo.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 31/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/5: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Toàn cảnh phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Tại phiên họp, các đại biểu cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ, các đại biểu Quốc hội ghi nhận, năm 2022 dù gặp nhiều thách thức, khó khăn song nước ta đã thực hiện thắng lợi khá toàn diện nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn ổn định, kinh tế tiếp tục tăng tưởng nhanh, đạt 8,02% là mức tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Đối với những tháng đầu năm 2023, thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; ngành du lịch tiếp tục phục hồi. Các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, quốc phòng an ninh được bảo đảm.

Bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, theo đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cũng cần thẳng thắn nhìn nhận về kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm 2023. Đại biểu chỉ rõ, tăng trưởng kinh tế ở Quý I/2023 ước đạt là 3,32% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01 là 5,6%. Nhiều tỉnh, thành phố lớn đang tăng trưởng ở mức độ âm. Số doanh nghiệp giải thể và phá sản tăng cao. Rủi ro dịch bệnh, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện khá nhiều. Tình trạng cắt giảm lao động của các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực. Thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nhất là vừa qua mưa đá ảnh hưởng rất nặng đối với tỉnh Tây Ninh và đối với tỉnh Bình Thuận và tiếp tục là những vấn đề cần phải quan tâm trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

 Đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận 

Bày tỏ đồng tình với nhận định đánh giá về khó khăn, hạn chế trong năm 2022, những tháng đầu năm 2023, đại biểu Triệu Quang Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phân tích nếu như tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02% so với năm trước. Tuy nhiên, 2 chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động, chỉ tiêu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Đáng lưu ý là cả 2 chỉ tiêu này đều phản ánh chất lượng tăng trưởng và chất lượng nền kinh tế còn hạn chế. Bước sang 2023, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm bộc lộ những khó khăn, thách thức tiếp diễn từ Quý IV/2022 đã gây áp lực điều hành nền kinh tế vĩ mô.

Theo đại biểu Triệu Quang Huy, khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cho cả năm 2023 là 6,5%. Bởi tăng trưởng GDP Quý I/2023 cũng rất thấp, chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ. Các động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, sản xuất công nghiệp đều giảm và đang trên đà suy yếu. Thu hút đầu tư nước ngoài 4 tháng giảm gần 18% so với cùng kỳ. Lãi suất cho vay cao.

Trên cơ sở những khó khăn như vậy, đại biểu Triệu Quang Huy đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xây dựng triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất lao động trong thời gian tới, thực hiện quyết liệt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ lãi suất, tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường tiêu dùng trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các Hiệp định FTA đã ký kết, khai thác hiệu quả các thị trường và mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Tiếp tục có các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thương mại thu hút đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa ngành sản phẩm, phát triển những ngành, lĩnh vực tỉnh có thế mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chính quyền số, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành hướng tới sự hiệu quả, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

Đại biểu Triệu Quang Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng khi nhìn lại kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023, ít thấy những gam màu sáng mà chủ yếu là những gam màu xám; chưa thấy được sự lan tỏa khí thuế tăng trưởng của năm 2022 trong những tháng đầu năm 2023 mà thấy những khó khăn, thách thức.

Đại biểu nêu rõ, những nguyên nhân, hạn chế, tồn tại mà nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến tại buổi thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 4, tháng 10/2022 đã và đang hiện diện và sẽ là những thách thức lớn trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, nhất là mục tiêu đạt GDP 6,5% là rất khó khăn. Một số địa phương là trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của nước ta tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp phải đối diện với áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần ở mức thấp, trong đó có nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài. Về mặt xã hội thì đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững còn nhiều thách thức. Tình trạng cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên khá phổ biến, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân, tiềm ẩn khó khăn về anh sinh và trật tự, an toàn xã hội.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông nhấn mạnh những khó khăn, thách thức là rất lớn, đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, quyết tâm giải quyết các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận 

Trong khi đó, đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng qua các báo cáo cho thấy một bức tranh toàn cảnh về kinh tế - xã hội nước ta thời gian qua có đủ các gam màu sáng, tối, nhiều kết quả đạt được đáng ghi nhận, nhưng cũng còn không ít băn khoăn, lo lắng. Có thể thấy những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 là giai đoạn rất khó khăn, vất vả của đất nước ta. Những kết quả đạt được cho thấy sự đoàn kết, chung tay của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò hỗ trợ không nhỏ của Quốc hội, sự nỗ lực của nhân dân và doanh nghiệp, và đặc biệt đó là khả năng chèo lái, cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quản lý, điều hành trước muôn vàn khó khăn.

Đại biểu dẫn lại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đưa ra nhận định “nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn cực kỳ khó khăn”. Về vĩ mô, GDP quý I là 3,32%, với mức thấp như vậy, để đạt được mục đích 6,5% cho cả năm, đại biểu cho rằng phải có quyết tâm và nỗ lực thật cao mới đạt được mục tiêu (mỗi quý còn lại phải đạt 7,5%). Do đó, cần tập trung theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp chính sách chủ động, kịp thời; chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, phát huy tối đa nguồn lực nội tại để phát triển.

Cũng theo đại biểu Trịnh Xuân An cần phải có những giải pháp cấp bách, thậm chí vượt tiền lệ để cứu nguy, hỗ trợ cho hệ thống doanh nghiệp. Đồng thời, nhấn mạnh cần xử lý dứt điểm các vướng mắc về thể chế để không gây ảnh hưởng dây chuyền sang các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Đại biểu cho rằng, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm phối hợp của các bộ, ngành, làm rõ vai trò chủ trì, chủ động xử lý và hạn chế việc đẩy trách nhiệm lên cho cấp trên, người đứng đầu, không phải nội dung gì cũng phải để Thủ tướng ra công điện đôn đốc hoặc Chính phủ phải ra nghị quyết gỡ khó.

Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai 

Còn theo đại biểu Tạ Thị Yên – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, đất nước ta với hơn 100 triệu dân, có nền kinh tế mở nên bất kỳ sự thay đổi nào của thị trường thế giới cũng có tác động nhiều chiều đến kinh tế trong nước. Từ đó, đại biểu cho rằng cần đặc biệt chú trọng tới công tác đánh giá, phân tích, dự báo, nhất là khi có những biến động lớn về thị trường xuất nhập khẩu. Dẫn chứng trong sự giảm sút của các ngành công nghiệp gia công, chế biến thâm dụng lao động như: Dệt may, da giày, đồ gỗ, v.v. ngoài tình hình thị trường còn có sự cạnh tranh trong chuyển dịch chuỗi giá trị sản xuất do giá lao động, tỷ giá, lãi suất, chi phí môi trường làm cho sản phẩm làm ra đắt hơn thì các nhà đầu tư phải di chuyển sản xuất đi quốc gia khác. Hay như các hàng rào kỹ thuật của chủ nghĩa bảo hộ kinh tế về xuất xứ hàng hóa, môi trường sản xuất xanh, giảm khí thải carbon, lao động, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng hàng hóa, kiểm dịch cũng là những trở ngại, đôi khi là bất chợt khiến cho các doanh nghiệp bị lúng túng.

Do đó, đại biểu Tạ Thị Yên nhấn mạnh cần nhìn xa hơn, rộng hơn, sớm nhìn ra những vấn đề của chính mình trong bối cảnh có sự liên hệ chặt chẽ, mật thiết với thế giới còn lại, làm nền tảng cho sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, bài bản, khoa học, sát với thực tiễn của tình hình.

Đại biểu Tạ Thị Yên – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên

Ngoài ra, cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cho rằng thời gian tới, đất nước ta tiếp tục phải ứng phó với nhiều khó khăn, thách thức và khó khăn, thách thức thậm chi còn nhiều hơn cơ hội, thuận lợi. Do đó, Chính phủ, các cấp các ngành cần tiếp tục dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và thế giới để có giải pháp chính sách kịp thời. Chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hoá, giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; có sự phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác để thúc đẩy tăng trưởng. Một số ý kiến đề nghị cần theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa để có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung cầu; điều hành, bình ổn giá phù hợp; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế./.

Bảo Yến