PGS.TS HOÀNG VĂN TÚ: NHIỀU CẢI TIẾN, ĐỔI MỚI THIẾT THỰC TRONG CÔNG TÁC LẬP PHÁP

23/05/2023

Theo PGS.TS Hoàng Văn Tú, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới thiết thực trong công tác lập pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra; thể hiện rõ tinh thần lập pháp chủ động, kịp thời phúc đáp yêu cầu của thực tiễn

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 23/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2024, ĐIỀU CHỈNH CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2023

Lập pháp là một trong ba chức năng chính của Quốc hội

Quốc hội khóa XV bắt đầu nhiệm kỳ mới với rất nhiều áp lực, khó khăn. Ngay từ năm đầu nhiệm kỳ là thời gian dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân. Tiếp đó, bước sang năm 2022, đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, kinh tế - xã hội phục hồi và lấy lại đà phát triển nhưng vẫn còn nhiều khó khăn do hậu quả của dịch bệnh cũng như tác động bởi diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực; đây cũng là năm trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội,.. 

Bên cạnh đó, thời điểm này nhiều yêu cầu thực tiễn phát sinh đòi hỏi phải kịp thời giải quyết nhằm tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, khắc phục khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; số lượng dự án luật, dự thảo nghị quyết phải xem xét, thông qua nhiều, trong đó có những dự án lớn, phức tạp, tác động sâu rộng, nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, thu hút sự quan tâm của dư luận, cử tri và Nhân dân.

Trong bối cảnh đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cùng các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị đã không ngừng nỗ lực, tích cực, chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, có nhiều cải tiến, đổi mới thiết thực trong công tác lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để vừa thích ứng linh hoạt với tình hình, vượt qua khó khăn, vừa hoàn thành khối lượng lớn công việc lập pháp đề ra đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội đã thông qua 15 luật, 21 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến đối với 07 dự án luật khác; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 04 pháp lệnh, 14 nghị quyết quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, căn cứ thẩm quyền và trình tự, thủ tục theo quy định tại Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật), trên cơ sở đề nghị của các cơ quan và để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, UBTVQH đã ban hành 11 nghị quyết điều chỉnh Chương trình.

Kịp thời phúc đáp yêu cầu của thực tiễn

Thường xuyên theo dõi hoạt động của Quốc hội, PGS.TS Hoàng Văn Tú – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới thiết thực trong công tác lập pháp, kịp thời đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn,…

PGS. TS Hoàng Văn Tú, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Theo PGS.TS Hoàng Văn Tú, một trong những điểm mới nổi bật tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng đoàn Quốc hội đã khẩn trương chỉ đạo xây dựng, trình Bộ Chính trị xem xét, thông qua Kết luận số 19-KL/TW , Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; UBTVQH kịp thời ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 làm cơ sở quan trọng cho các cơ quan, tổ chức chủ động trong việc nghiên cứu, rà soát, đề xuất các dự án đưa vào Chương trình.

Trên cơ sở đó, việc lập và triển khai thực hiện Chương trình hằng năm đã quán triệt sâu sắc các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra, vừa bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống, thể hiện tinh thần lập pháp chủ động, vừa kịp thời phúc đáp yêu cầu của thực tiễn, nhất là những vấn đề đặt ra, phát sinh trong và sau đại dịch COVID-19: Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15, đây là Nghị quyết có tính lịch sử đáp ứng yêu cầu đặc biệt cấp bách về phòng, chống đại dịch COVID-19; ban hành một luật sửa 09 luật  để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho Chính phủ và chính quyền địa phương trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch;…

Bên cạnh đó, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác lập pháp. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp chỉ đạo sát sao, chủ trì nhiều cuộc làm việc với tinh thần vào cuộc “từ sớm, từ xa” để các Bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội báo cáo về nội dung các dự án, về công tác chuẩn bị thẩm tra, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, nhất là những vấn đề còn ý kiến khác nhau,…

Tăng cường tham vấn chuyên gia, ý kiến cử tri

PGS.TS Hoàng Văn Tú nhấn mạnh, hoạt động lập pháp cũng đã chú trọng hơn về chất lượng, hiệu quả, bám sát yêu cầu thực tiễn, tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề pháp luật để cho ý kiến kỹ lưỡng về các dự án, dự thảo; ... Đặc biệt, vừa qua, đối với các dự án luật có phạm vi điều chỉnh rộng, phức tạp, như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm cho từng cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra, tham gia ý kiến, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, chỉ đạo công tác lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến Nhân dân, bảo đảm chất lượng dự thảo Luật trình Quốc hội đạt chất lượng cao nhất.

Cũng theo PGS.TS Hoàng Văn Tú, tại nhiệm kỳ Quốc hội này, công tác phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội với Viện Nghiên cứu lập pháp được tiến hành hiệu quả, chặt chẽ. Ngay từ khâu tiếp cận hồ sơ dự án luật trong lập đề nghị và trong quá trình soạn thảo, Viện Nghiên cứu lập pháp cùng các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm để tham vấn chuyên gia, nhà khoa học, lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động của văn bản, … Qua đó, kịp thời nắm bắt các vấn đề thực tiễn, cung cấp thông tin, luận cứ khoa học xác đáng nhằm phục vụ hữu hiệu cho công tác thẩm tra, chỉnh lý dự án, dự thảo luật.

Ngoài ra, trong công tác nghiên cứu khoa học, các đề tài được phê duyệt đều phải bám sát vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; trong quá trình hoàn thiện đề tài, có báo cáo chuyên đề, đề xuất giải pháp/kiến nghị thiết thực góp phần cung cấp thông tin tham khảo hữu ích trong quá trình đại biểu Quốc hội  thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội.

Đánh giá cao những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác lập pháp của Quốc hội những năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, PGS.TS Hoàng Văn Tú cũng cho rằng, vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được hoàn thiện như: Việc chuẩn bị một số dự án luật, dự thảo nghị quyết chưa bảo đảm chất lượng, chưa đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định; việc gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến cơ quan thẩm tra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội chưa bảo đảm thời gian theo quy định; tính dự báo đôi khi còn chưa cao;… ./.

Lê Anh