BỐ TRÍ VỐN HỢP LÝ ĐỂ TẠO ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN, THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

23/05/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 23/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh phiên họp

Chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư chủ yếu do nguyên nhân chủ quan

Trình bày Tờ trình về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự giám sát và đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, việc thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH đã tạo ra không gian phát triển mới, động lực mới, năng lực mới cho các ngành, lĩnh vực, các địa phương, góp phần quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, việc phân bổ vốn vẫn còn chậm so với yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân chậm phân bổ là do diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch bệnh Covid -19 tác động không nhỏ tới tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, nhất là các dự án sử dụng vốn ODA. Công tác chuẩn bị dự án chưa được quan tâm đúng mức, còn tư duy nhiệm kỳ, nhiệm kỳ trước chưa chuẩn bị cho kỳ sau, dẫn đến nhiều dự án khởi công mới sau khi Quốc hội phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn mới tiến hành chuẩn bị đầu tư hoặc phải điều chỉnh, gây chậm trễ trong phân bổ vốn.

Bên cạnh đó, quá trình xây dựng, phê duyệt dự án phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, mục đích sử dụng đất, yếu tố kỹ thuật phức tạp, phát sinh tiêu chí quan trọng quốc gia, thẩm quyền và thủ tục phân cấp cho địa phương quản lý (đường bộ cao tốc, quốc lộ),… Năng lực triển khai ở một số nơi còn yếu, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được thể hiện rõ; chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; cùng một mặt bằng pháp luật nhưng có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt.

Một số địa phương đã hoàn thiện hồ sơ dự án, nhưng chưa tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nên chưa thể trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Luật Đầu tư công đã quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. Việc báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lại và Chương trình chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ có trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Cần thiết tiếp tục bố trí vốn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Về sự cần thiết phải tiếp tục bố trí vốn cho các nhiệm vụ, dự án, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong tổng số 186 nhiệm vụ, dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn của 21 bộ, cơ quan trung ương và 43 địa phương với số vốn là 87.359,227 tỷ đồng, gồm: Vốn bố trí cho dự án quan trọng quốc gia  chiếm 28,2%; vốn bố trí cho ngành quốc phòng đã được Thường vụ Quân ủy Trung ương thông qua chiếm 19,6%; vốn bố trí cho các dự án có tính lan tỏa của ngành giao thông 11,8%; vốn bố trí cho ngành an ninh theo Nghị quyết số 12-NQ/TW 4,5%,…

Đối với các dự án đang được khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, hoàn thiện phương án phân bổ, gồm: 01 dự án phát sinh yếu tố quan trọng quốc gia, đang trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 để xem xét, thông qua chủ trương đầu tư; 56 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (bao gồm: 16 dự án phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và 40 dự án đã phê duyệt đề xuất dự án đang trong quá trình đàm phán với nhà tài trợ); 02 dự án cao tốc đã có Nghị quyết của Bộ Chính trị; 02 dự án liên quan đến trách nhiệm của Việt Nam đối với quốc tế và trong nước.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Đối với Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, trong tổng số vốn còn lại chưa được phân bổ: các dự án thuộc lĩnh vực y tế chiếm 26,2%; các dự án thuộc ngành giao thông chiếm 71,6%, còn lại là dự án đầu tư cơ sở bảo trợ xã hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, các nhiệm vụ, dự án nêu trên có tính chất quan trọng, nếu được triển khai, đưa vào khai thác kịp thời sẽ góp phần tích cực trong việc thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo không gian, động lực phát triển mới cho các ngành, lĩnh vực, các vùng và địa phương; nâng cao chất lượng an sinh xã hội; đẩy mạnh thực hiện 03 đột phá chiến lược, nhất là về kết cấu hạ tầng. Trường hợp chuyển số vốn chưa phân bổ vào dự phòng chung hoặc không được tiếp tục phân bổ sẽ ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư hoàn thành các nhiệm vụ, dự án.

Về việc thu hồi vốn ứng trước NSTW trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát, cân đối vốn NSNN để thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại chưa được báo cáo, thu hồi theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đề nghị của địa phương, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn NSTW giai đoạn 2021-2025, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn NSĐP giai đoạn 2021-2025 để thu hồi vốn ứng trước của từng nhiệm vụ, dự án. Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thu hồi ứng trước vào cuối kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Về việc điều hòa linh hoạt giữa kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn thuộc Chương trình, Bộ trưởng kiến nghị Quốc hội cho phép các bộ, cơ quan trung ương, địa phương điều hòa vốn thuộc Chương trình trong năm 2023 để bố trí cho: Dự án hoàn thành, chuyển tiếp thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Dự án trọng điểm, liên kết vùng thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 có khả năng hấp thụ vốn trong năm 2023.

Bộ trưởng kiến nghị Quốc hội, trong trường hợp cần thiết giao Chính phủ chủ động điều hòa vốn của Chương trình giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết nghị, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Cho phép bố trí nguồn vốn thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình trong các năm 2024, 2025 để đảm bảo hoàn thành các dự án theo đúng Nghị quyết số 43/2022/QH15. Điều chỉnh quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 70/2022/QH15 của Quốc hội về việc bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình trong năm 2023 theo hướng bố trí tối đa theo tiến độ thực hiện dự án thuộc Chương trình.

Minh Hùng