KỲ VỌNG NHỮNG QUYẾT SÁCH, DỰ ÁN LUẬT ĐƯỢC THÔNG QUA TẠO ĐÒN BẨY HOÀN THÀNH CÁC MỤC TIÊU KINH TẾ - XÃ HỘI

19/05/2023

Được nhận định là có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng, yêu cầu cao về chất lượng và tiến độ hoàn thành, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc trọng thể vào ngày 22/5 tới đây. Theo dõi thông tin về dự kiến Chương trình kỳ họp, luật sư Đặng Thành Chung – Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội kỳ vọng những quyết sách, dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua sẽ có ý nghĩa đòn bẩy, thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng...

TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG CHỦ TRÌ HỌP BÁO VỀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV

TRUYỀN TẢI ĐẦY ĐỦ, TOÀN DIỆN THÔNG ĐIỆP, QUYẾT SÁCH CỦA KỲ HỌP THỨ 5 ĐẾN VỚI CỬ TRI

Họp báo về Dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Theo thông tin Họp báo, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 22/5/2023, dự kiến bế mạc vào ngày 23/6/2023 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp thứ 5 được tiến hành theo 02 đợt: Đợt 1: từ ngày 22/5 đến ngày 10/6/2023; Đợt 2: từ ngày 19/6 đến ngày 23/6/2023. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 22 ngày.

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 08 dự án luật, 03 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 09 dự án luật khác; đồng thời, xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; xem xét báo cáo của một số cơ quan; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng quốc gia; giám sát tối cao việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự  phòng; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; quyết định Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác….

Theo dõi thông tin họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp, luật sư Đặng Thành Chung – Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội kỳ vọng những quyết sách, dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua sẽ có ý nghĩa đòn bẩy, thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững, phồn vinh của đất nước.

Luật sư Đặng Thành Chung – Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội 

Phóng viên: Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ được khai mạc vào ngày 22/5 tới đây, theo dõi thông tin về dự kiến chương trình kỳ họp, luật sư đặc biệt quan tâm tới nội dung nào?

Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội: Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết; xem xét, cho ý kiến 9 dự án Luật. Đây đều là các dự án luật quan trọng, đang vướng mắc từ thực tiễn đời sống của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt đối với 03 dự án luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi). Các dự án luật này có nhiều nội dung liên thông chặt chẽ với nhau, cần được bổ sung, tiếp thu các ý kiến một cách toàn diện, thống nhất để tạo hệ thống pháp luật đồng bộ khi ban hành và có ý nghĩa triển khai, áp dụng trên thực tế.

Phóng viên: Tại kỳ họp lần này Quốc hội tiếp tục cho ý kiến lần hai đối với dự án Luật Đất đai sửa đổi. Vậy luật sư có đánh giá như thế nào về dự thảo luật sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của Nhân dân?

Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội: Dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) là dự thảo nhận được nhiều sự quan tâm, đóng góp của người dân, tổ chức, đoàn thể vì giá trị áp dụng sâu rộng đến nhiều đối tượng. Thời gian qua, Chính phủ đã cùng với các cơ quan Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, khoa học, thực chất việc lấy kiến Nhân dân đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều hình thức hết sức đa dạng, khoa học, thiết thực.

Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng phối hợp với các đoàn thể trong xã hội để tổ chức các buổi hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, các tầng lớp Nhân dân tại địa phương, cơ sở. Các đoàn thể, tầng lớp nhân dân có thể dễ dàng tiếp cận dự án luật và đưa ra các quan điểm, ý kiến nhằm mục đích đưa văn bản pháp luật đảm bảo giá trị áp dụng trong thực tiễn đời sống xã hội. Tất cả các ý kiến đóng góp đều được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, tập hợp để báo cáo Chính phủ, cơ quan chuyên trách của Quốc hội đầy đủ, trọn vẹn.

Trên cơ sở đó, Dự thảo Luật Đất đai mới nhất đã tiếp thu đầy đủ nhưng có tính chọn lọc các ý kiến góp ý của Nhân dân, trong đó có nhiều nội dung được sửa đổi chi tiết, sát thực tế, có tính khả thi cao hơn và từng bước tháo gỡ được những vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Phóng viên: Theo quan điểm của luật sư, đâu là nội dung cần tiếp tục quan tâm, rà soát, hoàn thiện tại dự thảo luật đất đai lần này?

Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội: Một số nội dung vẫn cần xem xét, đánh giá để hoàn thiện tại dự thảo luật đất đai như: xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất; thực hiện giao dịch đất đai tại dự án thông qua các sàn giao dịch bất động sản; đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại các dự án nhà ở … Đây là các nội dung ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân vì đất đai là tài sản có giá trị lớn về vật chất và tinh thần của người dân, nhiều người phải tích góp, tiết kiệm trong thời gian dài thậm chí cả đời để sở hữu.

Nếu họ bỏ ra một số tiền lớn nhưng không được ghi nhận quyền sở hữu (như mua chung cư hình thành trong tương lai nhưng dự án có vấn đề nên không được cấp sổ đỏ) hoặc bị thu hồi nhưng tiền bồi thường không cân xứng, không có chỗ ở thích hợp để tái định cư khi bị thu hồi đất thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của chính họ và các vấn đề an sinh xã hội. Chính vì thế, các nội dung này cần phải được quy định theo hướng đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người dân và đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật liên quan để không chồng chéo khi xử lý các vấn đề phát sinh.

Phóng viên: Trước thềm phiên khai mạc ngày 22/5 tới đây, Luật sư có kỳ vọng gì về kết quả của kỳ hợp thứ 5, Quốc hội khóa XV lần này?

Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội: Đây là kỳ họp với khối lượng công việc lập pháp rất lớn với nhiều nội dung quan trọng. Tôi mong rằng các đại biểu Quốc hội sẽ chủ động, tích cực đóng góp trí tuệ, trách nhiệm trong từng nội dung, đưa ra các vấn đề thảo luận, xem xét thực sự khách quan, toàn diện, trọng tâm; đạt được kết quả là những quyết sách, dự án luật có ý nghĩa đòn bẩy, động lực thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững, phồn vinh của đất nước.

Lê Anh