TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 11/5: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát và quán triệt đầy đủ các quan điểm, nguyên tắc và nội dung trong Nghị quyết 18-NQ/TW. Trong đó, một quan điểm rất quan trọng trong Nghị quyết 18-NQ/TW về chính sách pháp luật đất đai: "Đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hóa và hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế", nhưng việc thể chế hóa chủ trương này trong dự thảo luật còn rất mờ nhạt, không có chương riêng đối với vấn đề này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo phối hợp cơ quan thẩm tra để nghiên cứu, thiết kế thêm một số điều, thậm chí có chương riêng về quán triệt quan điểm, nguyên tắc và nội dung trong Nghị quyết 18-NQ/TW.
“Điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê đất đai, trách nhiệm của các cấp, các ngành như, xây dựng dữ liệu về đất đai, lượng hóa, hạch toán đầy đủ…. Đây là một vấn đề lớn cần phải được thể chế hóa”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý một số nội dung khác cần tiếp tục rà soát để hoàn thiện sâu sắc hơn Nghị quyết 18-NQ/TW như: cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định mức thuế cao hơn với người sở hữu nhiều diện tích đất; hoặc đầu cơ, chậm sử dụng đất, bỏ hoang đất; Quản lý tiết kiệm, hiệu quả nguồn thu từ đất giữa trung ương và địa phương; Thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản; Khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp; Cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững; Kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai… Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ làm rõ nội dung nào được cụ thể trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các dự án luật liên quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị ban soạn thảo làm rõ thêm mức độ thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW, bởi vẫn còn một số nội dung chưa được thể chế hết rong dự thảo luật. Nghị quyết 18-NQ/TW có phạm vi điều chỉnh rộng, không chỉ liên quan đến đất đai, mà còn liên quan đến thị trường bất động sản và một số lĩnh vực khác. Vì vậy, Luật Đất đai không thể thể chế toàn diện Nghị quyết 18-NQ/TW, mà cần thể chế trong một số luật khác như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng…; có những nội dung thể chế được trong luật nhưng cũng có vấn đề sẽ thể chế trong văn bản của Chính phủ.
Về hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi sử dụng đất, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Nghị quyết 18-NQ/TW nêu: Các tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước theo quy định của pháp luật, nhưng ở Điều 115 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về giao đất, thu tiền sử dụng đất không có tổ chức tôn giáo, mà chỉ có tổ chức kinh tế, cá nhân, doanh nghiệp.
Cũng tại Nghị quyết Nghị quyết 18-NQ/TW có đoạn: "Đối với dự án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cần sớm xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất tham gia với nhà đầu tư để thực hiện dự án dưới hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất". Qua rà soát, Phó Chủ tịch cho rằng ban soạn thảo chưa thể chế hóa quan điểm này trong dự thảo luật, mà chỉ đề cập đến vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Ngoài ra, Nghị quyết 18-NQ/TW nêu rõ: "Thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người sản xuất do thu hồi", quan điểm này cũng chưa được thể hiện rõ trong dự thảo luật.
Theo kết quả điều tra của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có khoảng 10% nông dân có đất bị thu hồi tìm được việc làm mới, 30% lao động nông thôn, nông nghiệp bị thu hồi đất có việc làm nhưng thu nhập không ổn định, chủ yếu là phụ hồ, buôn bán nhỏ, bán dạo, xe ôm, đồng nát, 53% số hộ có thu nhập giảm so với trước khi bị thu hồi đất, mà số hộ có thu nhập khá là 13%.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Qua số liệu này cho thấy, việc thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW là rất cần thiết nhưng dự thảo luật chỉ nêu phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cần có phương án về đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất thu hồi.
Về hoàn thiện cơ chế xác định giá đất, Nghị quyết 18-NQ/TW nêu: Có cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng công tác định giá đất, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về quan điểm nâng cao chất lượng công tác định giá đất được thể hiện cụ thể trong điều khoản nào của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Vấn đề hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, Nghị quyết 18-NQ/TW cũng nêu: Đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng, xây dựng thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai, có chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp, hoàn thiện cơ chế pháp lý, tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản, có cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững, kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai.
Vấn đề này chưa được thể hiện rõ trong các điều khoản của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nội dung này khó thể hiện hết trong Luật Đất đai (sửa đổi), bởi kinh doanh bất động sản, giao dịch không dùng tiền mặt cần được điều chỉnh bởi luật khác.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Anh.
Cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cơ bản bám sát đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng được nêu tại Nghị quyết 18-NQ/TW, nhưng Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Anh cho biết còn một số một số nội dung đã nêu tại Nghị quyết 18-NQ/TW chưa được thể chế hóa và quy định cụ thể trong dự thảo luật về ngân hàng đất nông nghiệp và một số điểm khác. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho rằng, nếu ban soạn thảo nhận thấy chưa thể quy định cụ thể trong thời điểm này hoặc không cần quy định cũng cần nêu rõ trong tờ trình.
Bên cạnh đó, một số nội dung chưa có trong Nghị quyết số 18-NQ/TW nhưng có nhiều ý kiến góp ý, như bổ sung quy định về quyền sử dụng đất cho đối tượng người nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam, hay dự thảo bổ sung quy định về quyền thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại tổ chức tài chính nước ngoài. Hai nội dung này Chính phủ đang đánh giá tác động kỹ lưỡng, trường hợp thấy cần thiết bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ phải báo cáo Đảng đoàn Quốc hội để Đảng đoàn Quốc hội báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.
Trong báo cáo của cơ quan thẩm tra dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày tại Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng, bám sát tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và quan điểm đã nêu tại Thông báo số 1493/TB-TTKQH và Thông báo số 2083/TB-TTKQH, nếu là những nội dung chưa được tổng kết, chưa được đề cập trong Nghị quyết số 18-NQ/TW, nay thực tiễn phát sinh đòi hỏi có cơ chế xử lý, Nhân dân có ý kiến đề xuất cụ thể, quá trình nghiên cứu, đánh giá tác động cho thấy cơ sở hợp lý, Cơ quan soạn thảo nhận định cần thiết bổ sung quy định thì đề nghị báo cáo Chính phủ, Ban Cán sự đảng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền để cho ý kiến, làm cơ sở hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội. Nếu là những nội dung đã được tổng kết nhưng chưa đạt được sự đồng thuận, còn có ý kiến khác nhau, chưa đủ chín, đủ rõ về cơ sở lý luận và thực tiễn, không được kết luận tại Nghị quyết số 18-NQ/TW thì đề nghị không đưa vào dự thảo Luật.
Để bảo đảm chặt chẽ, nhằm khắc phục được những tồn tại được xác định tại Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 và đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, đề nghị nghiên cứu hoàn thiện quy định về Tổ chức phát triển quỹ đất, nhất là mối quan hệ về nhiệm vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương và Tổ chức phát triển quỹ đất, phạm vi, mức độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm tương ứng với chức năng, nhiệm vụ của Tổ chức phát triển quỹ đất, mô hình của tổ chức, cơ chế tài chính của Tổ chức phát triển quỹ đất...
Ban soạn thảo cũng cần bổ sung đánh giá tác động cụ thể quy định về mua, bán quyền thuê trong hợp đồng thuê trong trường hợp thuê đất trả tiền hằng năm, hoạt động kinh doanh bất động sản theo yêu cầu tại tại Nghị quyết số 18-NQ/TW. Rà soát kỹ lưỡng Điều 120 dự thảo Luật để hạn chế tối đa các trường hợp không đấu giá, không đấu thầu quyền sử dụng đất; bảo đảm phù hợp với quan điểm tại Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Đối với các khoản thu ngân sách từ đất đai, Chính phủ báo cáo về lộ trình rà soát, tổng kết thi hành các luật về thuế sử dụng đất để trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm thể chế hóa đúng và đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW và đồng bộ với quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Về bảng giá đất, đề nghị quy định cụ thể trong Luật về việc xây dựng và áp dụng bảng giá đất vì đây là cấu thành của cơ chế xác định giá đất như Nghị quyết 18-NQ/TW đã nêu. Đồng thời xem xét lại thành phần Hội đồng thẩm định giá đất để nâng cao tính chuyên môn, bảo đảm tính độc lập giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định giá và cơ quan quyết định giá đất, bảo đảm thể chế hóa đúng tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW…