ĐOÀN KHẢO SÁT CỦA ỦY BAN PHÁP LUẬT LÀM VIỆC VỚI SỞ TƯ PHÁP HÀ NỘI VỀ VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG

12/05/2023

Sáng 12/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang, Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật về việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng đã có buổi làm việc với Sở Tư pháp và một số cơ quan, tổ chức liên quan của thành phố Hà Nội.

THỂ CHẾ HÓA QUY ĐỊNH CỦA ĐẢNG VỀ HỆ QUẢ CỦA VIỆC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM

THƯỜNG TRỰC ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH

Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi; Giám đốc Sở Tư pháp Tp.Hà Nội Ngô Văn Tuấn; đại diện Hiệp hội công chứng Việt Nam, một số văn phòng công chứng trên địa bàn thành phố Hà Nội cùng các thành viên Đoàn khảo sát là thành viên Ủy ban Pháp luật, các đại biểu Quốc hội.

Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật về việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng đã có buổi làm việc với Sở Tư pháp thành phố Hà Nội

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang – Trưởng Đoàn khảo sát cho biết thực hiện kế hoạch số 1553/KH-UBPL15 của Ủy ban Pháp luật về tổ chức phiên giải trình “Việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng”, dự kiến sẽ được tổ chức sau Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Để chuẩn bị cho phiên giải trình, Ủy ban pháp luật tổ chức các Đoàn khảo sát để làm việc với Ủy ban nhân dân của 7 tỉnh/thành phố trong cả nước. Riêng đối với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là những địa bàn có nhiều tổ chức hành nghề công chứng và số lượng công chứng viên lớn, Đoàn khảo sát bố trí thời gian làm việc thêm với Sở Tư pháp để làm rõ các nội dung liên quan đến nội dung giải trình. Kết quả của các cuộc khảo sát sẽ là thông tin đầu vào quan trọng phục vụ phiên giải trình. Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang làm rõ mục tiêu của hoạt động giải trình là để xem xét, đánh giá tình hình thực hiện một số quy định của Luật Công chứng và các quy định khác của pháp luật có liên quan về các nội dung: Việc đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm và hành nghề của công chứng viên; Tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng; Việc thực hiện công chứng các loại hợp đồng, giao dịch theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng; Trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nhà nước về công chứng. Từ đó, kiến nghị biện pháp để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục các bất cập, hạn chế (nếu có) trong việc ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật về hoạt động công chứng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động công chứng, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn pháp lý, phòng ngừa tranh chấp trong các hợp đồng, giao dịch, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách tư pháp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu mở đầu buổi làm việc

Kết quả phiên giải trình cũng nhằm mục đích chuẩn bị “từ sớm, từ xa” phục vụ việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng và các quy định liên quan đến công chứng tại các dự thảo sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đang được Quốc hội xem xét, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nêu rõ.

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, với tốc độ phát triển kinh tế xã hội, tốc độ đô thị hóa, nhu cầu thành lập các Văn phòng công chứng trên địa bàn Thành phố trong những năm gần đây là rất lớn. Đến nay, thành phố Hà Nội có 122 tổ chức hành nghề công chúng (10 Phòng công chứng và 112 Văn phòng công chúng) phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã đáp ứng nhu cầu công chúng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố. Sự phát triển về số lượng các Văn phòng công chúng đồng nghĩa với việc số lượng công chúng viên trên địa bàn thành phố ngày càng tăng. Hoạt động công chứng trên địa bàn Thành phố đã đóng góp tích cực, bảo đảm an toàn pháp lý cho tổ chức, cá nhân trong các hợp đồng, giao phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Tuy nhiên, thực trạng hoạt động công chứng cho thấy, còn hiện tượng một số tổ chức hành nghề công chứng do quá chú trọng đến việc thu hút khách hàng, nên còn giản đơn trong trình tự, thủ tục công chứng; có tình trạng “cạnh tranh” không lành mạnh của một số Văn phòng công chúng, thậm chí là vi phạm quy định pháp luật công chứng: tổ chức hành nghề công chứng mở địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở; thực hiện chứng nhận hợp đồng, giao dịch khí hồ sơ không đủ thành phần theo quy định...

Mặt khác, việc triển khai thực hiện chuyển đổi Phòng công chứng theo quy định của Nghị định số 29/2015/NĐ-CP còn vướng mắc, lúng túng về xác định giá nhận quyền chuyển đổi, phương án xử lý tài sản bằng tiền từ các quỹ phát triển sự nghiệp, quỹ dự phòng ổn định thu nhập... để dùng chi trả trợ cấp thôi việc cho công chức, viên chức và người lao động và hỗ trợ kinh phí thuê trụ sở của Phòng công chứng chuyển đổi do chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể vấn đề này.

Việc triển khai thực hiện Luật số 28/2018/QH14 ngày 15/6/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch, trong đó có Luật công chứng năm 2014, trong đó vấn đề thành lập mới các tổ chức hành nghề công chúng cũng dẫn đến khó khăn, thách thức trong quản lý nhà nước vì vừa đảm bảo đúng tinh thần của Luật không còn quy hoạch về công chứng trên các đơn vị hành chính, vừa phải đảm bảo định hướng tổ chức hành nghề công chứng phát triển gắn với dân cư, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của cá nhân, tổ chức để tránh tình trạng tập trung nhiều tổ chức hành nghề trên một khu vực.

Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Văn Tuấn báo cáo tại phiên họp

Trên cơ sở tình hình hoạt động công chứng trên địa bàn Thủ đô, Sở Tư pháp Hà Nội kiến nghị sớm sửa đổi Luật Công chứng; đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản cũng như bảo đảm thống nhất giữa pháp luật điều chỉnh các nội dung này với pháp luật về công chứng; cần phân định rõ ràng hoạt động công chứng và hoạt động chứng thực…

Liên quan đến sự cần thiết cần sớm sửa đổi Luật Công chứng, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Văn Tuấn đề nghị sửa đổi các quy định nhằm bảo đảm nguyên tắc quản lý nhà nước, kết hợp quản lý theo ngành và lãnh thổ, tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cơ sở. Đồng thời cần có đổi mới tư duy và làm tốt công tác cải cách hành chính tạo thuận lợi cho người dân, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện các giao dịch một cách thông thoáng; cần thống nhất trong cả nước việc ban hành tiêu chí thành lập văn phòng công chứng, quy trình thủ tục bổ nhiệm công chứng viên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang điều hành phiên họp

Cũng tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát cũng đã có trao đổi và đề nghị làm rõ một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện các quy định của pháp luật về công chứng.

Bảo Yến - Minh Thành